Chuyện lạ ở Ninh Bình: Cây cảnh biến thành… tù binh

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 05/07/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Ta cứ tưởng tượng hàng cây giống cảnh tù binh bị xích vào chân, gông vào cổ, nối đuôi nhau dài thành hàng dằng dặc.

(VTC News) – Từ đầu năm đến nay, nạn trộm cắp cây cảnh nổi lên như đại dịch khắp tỉnh Ninh Bình. Mấy năm trước thì có đại dịch trộm chó, trộm mèo, giờ thì trộm cây cảnh. Người dân gọi bọn trộm cây cảnh là “cảnh tặc”.

Kỳ 1: Đeo gông, quấn xích cho cây cảnh

Lần nào về công tác ở Ninh Bình, tôi cũng nghỉ ở khách sạn Non Nước. Phòng ốc và sự phục vụ không có gì đặc biệt, chỉ là khách sạn bình dân, nhưng nó lại cuốn hút tôi, bởi bao quanh khách sạn là một vườn cây cảnh rất đẹp. Sau chuyến công tác mệt mỏi, chiều về có thể thỏa thê ngắm nghía mấy trăm chậu cây cảnh, có cây trị giá vài chục triệu, song cũng có cây giá trị nhiều tỉ đồng.

Những cây cảnh bị tròng cổ chả khác gì tù binh. 

Nhưng lần này, tôi khá ngạc nhiên, vì hàng trăm cây cảnh bao quanh khách sạn biến thành… tù binh, với đủ kiểu trói buộc. Có cây bị quấn nhiều vòng cáp to chằng chịt quanh gốc, quanh chậu, rồi đóng chặt xuống đất. Đây là loại cáp xoắn rất dai, dùng để chống cắt. Rồi mỗi cây đều bị ít nhất một vòng của thanh sắt phi 16 quấn qua thân. Một thanh sắt dài cả trăm mét, gông cổ cả chục cây thành một chuỗi. Ta cứ tưởng tượng nó giống cảnh tù binh bị xích vào chân, gông vào cổ, nối đuôi nhau dài thành hàng dằng dặc.

Cứ hết một hệ thống gông, xích, lại có một hoặc vài chiếc khóa chống trộm chốt lại. Nhìn cảnh hàng trăm cây bị gông cùm, mà thấy nản lòng. Người ta ngắm cây cảnh để thấy sự thanh tịnh nơi tâm hồn, đằng này, ngắm cây mà liên tưởng đến cảnh tù đày, đến cảnh trộm cắp, cướp giật, thì còn gì là hứng thú, còn gì là tao nhã nữa.

Tù binh... cây cảnh! 

Ông chủ của vườn cây trị giá mấy chục tỷ đồng là anh Nguyễn Đăng Thành, Giám đốc Doanh nghiệp Thành Minh, kiêm ông chủ khách sạn Non Nước. Bình thường, khách ít gặp vì anh hay ở công ty buôn bán ôtô tải, nhưng giờ thì đến khách sạn lúc nào cũng gặp. Tình trạng trộm cắp cây cảnh khiến anh ăn ngủ không yên, nên cứ rời vườn cây, trong lòng lại như có lửa đốt. Thôi thì ngày cũng như đêm, anh ủ mưu tính kế, tìm cách xua đuổi bọn trộm và thủ thuật tròng cổ cây cho chắc chắn.

Tôi gặp anh Thành khi anh đang chỉ đạo thợ gò hàn uốn thanh sắt phi 16 quanh gốc cây. Công việc tỉ mỉ, cẩn trọng từng ly một. Thanh sắt thì cứng, mà cây thì mềm, chỉ xước da, gãy cành là mất tiền triệu như chơi. Nhìn nhóm thợ gông cây, mồ hôi lấm tấm trên trán ông chủ.

Anh Nguyễn Đăng Thành bên một cây cảnh vừa bị đóng gông. 

Hỏi chuyện đóng gông cây, anh Thành nhăn nhó than vãn: “Khổ lắm chú ạ. Mọi người nghĩ anh đang nằm trên đống vàng, nhưng từ đầu năm đến nay, anh thực sự đang nằm trên đống lửa. Ăn không ngon, ngủ không yên, sút mấy ký rồi. Việc đeo gông vào các tác phẩm nghệ thuật là việc cực chẳng đã, nhưng anh buộc phải làm chú ạ!”.

Ngày anh mới chơi cây, cả vợ và con đều cản đường. Cứ mua cây nào về, y rằng vợ chồng lại cãi nhau và… ngủ riêng. Hồi đang xây khách sạn Non Nước, vay nợ chồng chất, thế mà anh vẫn rước cây về, khiến vợ không thèm nhìn mặt cả tháng trời.

Đủ kiểu gông cùm. 
 
 
Thế nhưng, lợi nhuận từ việc chơi cây là kếch xù. Có những cây anh mua chỉ với giá hơn chục triệu, giờ có người trả tỷ bạc anh vẫn chưa bán. Dù buôn thần bán thánh, làm gì đi nữa, thì lợi nhuận cũng không khủng khiếp như buôn cây. Lợi nhuận cao, hưởng thụ sự sung sướng khi ngắm cây, cây lại mang đến vẻ đẹp cho nhà cửa, cho kiến trúc xã hội, thật chả thứ gì bằng.

Khổ nỗi, đống tiền trị giá 50 tỷ đồng ấy lại không cất trong kho được, mà phải để ngoài trời. Nạn trộm cắp rộ lên, thế là, “đống vàng” ấy gây ra thảm họa “ăn không ngon, ngủ không yên” cho ông chủ.

Đóng gông vào cây rồi ròng chốt xuống đất. 

Từ khi cây cảnh có giá, giới thu mua săn lùng ráo riết để phục vụ người chơi cây, thì nạn trộm cắp cây cảnh hoành hành dữ dội. Giới chơi cây, buôn cây ở Ninh Bình náo loạn vì tình trạng trộm cây như trộm chó, trộm mèo. Người dân Ninh Bình gọi bọn trộm cây cảnh là “cảnh tặc”.

Khắp Ninh Bình đâu đâu cũng xảy ra chuyện mất trộm cây cảnh. Hầu như nhà nào sở hữu nhiều cây cảnh cũng bị mất một vài cây. Từ lãnh đạo cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, rồi quan chức ngành công an, an ninh, cũng bị đạo chích khênh trộm mất cây. Anh em hội sinh vật cảnh liệt kê hàng loạt quan chức Ninh Bình bị mất cây, mà mỗi cây trị giá cả trăm triêu bạc.

Anh Thành bên cây sanh trị giá hơn tỷ.  Cây sanh này tương đối nhỏ nên rất dễ bị "cảnh tặc" bứng mất.
Cây sanh Non Nước Cửu Long được định giá tới 15 tỷ đồng, là cây bọn "cảnh tặc" thèm muốn nhất. 

Tình hình trộm cắp cây cảnh ngày một nghiêm trọng, nên anh Thành phải thuê bảo vệ trông nom suốt ngày đêm. Thế nhưng, bấp chấp việc bảo vệ canh gác, bọn “cảnh tặc” vẫn bứng của anh mất một cây sanh dáng trực hoành.

Vụ trộm cây tại vườn của anh diễn ra vào sáng 29-4. Khi đó, khoảng 1h sáng, một xe đưa khách vào nghỉ đêm, một bảo vệ phải dẫn khách lên khách sạn, còn lại một bảo vệ gác vườn cây. Bọn trộm đã đánh động ở phía Tây, nên bảo vệ rời chốt đi kiểm tra.

Bảo vệ được tăng cường trông nom cây suốt ngày đêm. 

Thế nhưng, khi bảo vệ quay lại, thì một cây sanh đã biến mất. Bọn chúng đập vỡ bể, lôi cây lên trên đê. Tại đê, đã có một chiếc xe tải chờ sẵn chở cây đi. Nhìn dấu vết là nắm rõ quy trình trộm cây của chúng.

Theo phán đoán của anh Thành, nhóm trộm cây của anh phải có ít nhất 10 tên, với đầy đủ dụng cụ xà beng, gậy gộc, dao kéo. Nói dại, nếu anh phát hiện xông ra tóm chúng, không chừng vừa mất cây lại mất mạng.

Cây sanh anh Thành vừa mất có dáng trực hoành, anh mua một năm trước với giá 30 triệu đồng. Giới chơi cây định giá trong thời điểm hiện tại, bán rẻ cũng phải được 70 triệu đồng.

Giá trị cây sanh bị trộm không lớn lắm, song nó gây hoang mang tột độ cho anh Thành. Ngoài việc gông cổ cho cây, anh tăng cường thêm lực lượng bảo vệ, chốt trực thay ca suốt ngày đêm, điện bật sáng suốt 24/24.

Cây sanh dáng trực hoành trị giá 70 triệu đồng của anh Thành bị bọn trộm bứng mất vào ngày 29-4-2011. 

Anh Thành tâm sự: “Cây sanh trực hoành mất rồi thì thôi, nhưng còn vô vàn cây giá trị bày ngoài sân thế này thì làm sao ăn ngon ngủ yên được. Nói gở, nếu chúng bắn thuốc mê vào bảo vệ của tôi rồi đánh xe cẩu bứng mất vài cây thì vỡ tim mất”. Nói rồi, anh Thành dẫn tôi đi xem cây Non Nước Cửu Long trị giá 15 tỷ đồng và đôi sanh già trực hoành có giá đôi tỷ một cây với dây rợ chằng chịt mà ngao ngán.

Công tác bảo vệ cây cối nghiêm ngặt đến thế, nhưng bọn “cảnh tặc” vẫn không buông tha. Vừa cách ngày tôi gặp anh Thành 2 hôm, bọn trộm cây cảnh giả khách vào vườn xem cây, một tên giả bộ ngắm nghía cây, còn một tên dắt mất chiếc xe máy của bảo vệ.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn