Chuyện lạ ở ngôi làng ven thủ đô: Không thể đoán được tuổi người dân

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 14/11/2015 06:37:00 +07:00

Ba người đàn ông bằng tuổi nhau, vậy mà khi họ cùng ngồi lại, vẻ ngoài của họ khiến một người tôi gọi “bác”, một người tôi gọi “chú” và người còn lại là “anh”.

Ba người đàn ông bằng tuổi nhau, chơi với nhau từ thuở nhỏ, vậy mà khi họ cùng ngồi lại, vẻ ngoài của họ khiến một người tôi gọi “bác”, một người tôi gọi “chú” và người còn lại là “anh”.


Chuyện mà tôi đang nói đến ở làng mộc Canh Nậu - xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Già trước tuổi

Một trưa nắng tháng 11, làng mộc Canh Nậu mờ ảo trong lớp bụi mùn gỗ. Tiếng đục đẽo, tiếng chà xát, tiếng cưa, xẻ gỗ rền vang trong bầu khí oi bức khiến người ta có cảm giác ức chế. Hai bên đường dẫn vào làng, các xưởng gỗ với quy mô lớn nhỏ mọc lên san sát. Những người thợ, kẻ khẩu trang, găng tay, người đeo kính, đeo mặt nạ thoăn thoắt tay làm, cả người để hở mỗi đôi mắt chỉ kịp nhìn theo vị khách lạ là tôi trong vài giây rồi lại cúi xuống đục, đẽo chăm chú.

Xã Canh Nậu có 3000 hộ, 11 thôn thì đã có 4 thôn sống bằng nghề mộc. Trong số những người làng tôi gặp, có ba người đàn ông mà nét khác biệt ở ngoại hình của họ cho thấy hệ quả độc hại của nghề mộc có thể nhận rõ bằng mắt thường và nó ghê gớm đến mức nào. Đỗ Đăng Quốc, Đỗ Hữu Hùng và Trần Công Đoái (cùng 55 tuổi), thế nhưng mỗi người tôi gọi một ngôi thứ khác nhau.

“Bác” Quốc nhìn già hơn hàng chục tuổi so với “chú” Hùng (bên phải ngoài cùng) và “anh” Đoái (ở giữa)
“Bác” Quốc nhìn già hơn hàng chục tuổi so với “chú” Hùng (bên phải ngoài cùng) và “anh” Đoái (ở giữa) 

Làm nghề mộc được 30 năm, “bác” Quốc (thôn 11) trông hom hem và già như cụ ông 70 tuổi, mái tóc lơ thơ sắp bạc trắng đầu. Thi thoảng, “bác” Quốc nhìn tôi bằng đôi mắt mờ đục, rỉ nước rồi nói những câu thật thà, nghe buồn cười mà chua xót: “Muốn không có bụi thì bịt cho kín, mà bịt kín rồi thì khỏi thở. Không thổi bụi ra đường thì chĩa thẳng lên trời mà thổi. Rồi bụi bay lên, nó lại rơi xuống đất ấy mà”.

Rồi “bác” Quốc kể: “Bây giờ chuyển ra khu công nghiệp còn đỡ chứ trước đây làm luôn trong nhà, cả xưởng rộng có 25m2. Ngày 3 bữa cơm trước khi ăn phải rửa bát đũa 3 lần. Cháu chắt chỉ dám cho nó đến chơi vào buổi tối chứ buổi ngày thì tuyệt đối không vì bụi lắm. Riêng tôi, mỗi lần làm xong là mắt cay xè, nhìn không rõ nhưng tối đến nhỏ thuốc cái là sáng mai lại sáng thôi, rồi lại làm. Còn tiếng ồn, người ngoài họ nghe thì khó chịu chứ bọn tôi nghe mãi thành quen. Có khi còn chả phân biệt được tiếng to, tiếng nhỏ thế nào ấy chứ”.

Chỉ đeo khẩu trang trong quá trình sản xuất khiến cho mắt và họng của chú Quốc bị đau mỗi khi đêm về . Ảnh: C.T.L
Chỉ đeo khẩu trang trong quá trình sản xuất khiến cho mắt và họng của "chú" Quốc bị đau mỗi khi đêm về . Ảnh: C.T.L 

“Chú” Hùng cũng từng kiếm sống bằng nghề mộc nhưng làm được một thời gian thì nghỉ, tham gia công tác xã hội tại địa phương. “Chú” nói: “Bây giờ có khu công nghiệp rồi nhưng máy móc vẫn thô sơ, nhiều công đoạn phải làm thủ công nên không tránh được độc hại. Biết vậy nhưng làm gì có ruộng mà làm, phải xoay nghề, không thì lấy tiền đâu để sống?”.

Còn “anh” Đoái (thôn 6), không làm mộc thì trông phong độ, trẻ trung nhất trong 3 người. Chẳng nhẽ, lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến thế? Thấy tôi gọi ba người bằng ba ngôi khác nhau, “bác” Quốc ôm vai hai người bạn bên cạnh rồi giải thích: “Nhìn thế thôi chứ ba chúng tôi bằng tuổi nhau đấy. Mấy công đoạn này còn đỡ, độc hại nhất là phun sơn PU. Có một phòng kính riêng cho sơn PU, coi như bao nhiêu độc hại là hít trọn vào người vì có lối nào cho khí thoát ra đâu”.

Bệnh hiểm nghèo đe dọa...

Gặp chị Nguyễn Thị Quyên (SN 1976, thôn 6) lúc trời đã về chiều, thấy chị đang mũ áo trùm kín mít cà gỗ, bụi bay mù mịt khắp nhà. Ngồi nói chuyện mà thấy chị thi thoảng lại xoa xoa đôi bàn tay, mấy đầu ngón tay cũng “trùm” băng dính kín như người.

Chị nhăn mặt, nói: “Phải lấy băng keo dính lại thế này cho đỡ mòn tay”. Chị Quyên có 2 đứa con, đứa lớn thi đại học hai năm không đỗ giờ đang đi học nghề mộc để sau này về giúp gia đình. Đứa thứ hai học lớp một, hễ đi học về thì bị bố mẹ “tống” ngay lên gác.

Chị Quyên giải thích: “Làm cái nghề này bụi bám quanh năm, phải cho con lên gác thì tội con không được vui chơi mà không làm vậy thì sợ con hít phải bụi rồi lại bệnh tật. Mọi sinh hoạt gia đình cũng chuyển hết lên gác. Mấy công đoạn chà nhám, cà gỗ còn đỡ chứ lúc phun sơn, mùi xăng, mùi vecni độc lắm, hít vào là thấy người lao đao như say nắng. Sơn vecni muốn đẹp phải sơn khi có nắng, thế nên cứ trưa đến tôi lại đưa gỗ ra giữa sân đình để sơn. Các nhà bên cạnh cũng làm, nhà nào có ý thức còn may một cái túi để thổi bụi vào đó, nhà nào không có ý thức thì thổi bụi bay tứ tung, tôi làm bên cạnh cũng bị bụi bám đầy”.

Chị Quyên phải băng kín các đầu ngón tay để lúc cà gỗ tay không bị mòn. Ảnh: C.T.L
Chị Quyên phải băng kín các đầu ngón tay để lúc cà gỗ tay không bị mòn. Ảnh: C.T.L 

Đàn ông da sạm, tay chai đã đành, phụ nữ làm mộc càng nhìn càng thấy xót xa. Năm nay mới 39 tuổi nhưng trông chị Quyên già hẳn đi cả chục tuổi bởi nước da đen sạm, sần sùi, hai hố mắt sâu tối. “Mỗi lúc rửa mặt, mùn cưa bám đầy trong mũi, da mặt cảm giác như đắp cả tấn bụi. Làm nghề này hàng ngày phải tiếp xúc với hóa chất, bụi bặm, chắc chắn là ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng người nhà quê, có mấy khi đi khám mà biết mắc bệnh gì”, chị Quyên chia sẻ.

Đi bộ từ đầu làng tới cuối làng, những phụ nữ trẻ có, già có, nhìn ai cũng thấy giống nhau. Trang phục thường ngày của họ là một bộ quần áo dính đầy sơn, bụi, một chiếc mũ, một đôi găng tay, một chiếc khăn bịt mặt. Nếu không nghe họ nói chuyện thì chẳng thể phân biệt được đâu là thanh niên, đâu là người trung tuổi.

Cạnh trường tiểu học, mấy xưởng xẻ gỗ hoạt động hết công suất. Tiếng khoan, cưa gỗ cùng bụi bặm vang lên đều đặn, hòa cùng tiếng giảng bài của thầy cô. Cổng trường khang trang, sạch đẹp là thế, bỗng dưng chìm nghỉm khi bên cạnh là những tấm phibro xi măng lợp tạm bợ, những mái che lụp xụp được dựng lên phục vụ cho hoạt động của các xưởng mộc ồn ào, cũ kỹ. Ông Nguyễn Trung Chí, Phó chủ tịch xã cho biết, đây là những xưởng nằm trong diện giải tỏa, nếu các xưởng mộc này không chấp hành, xã sẽ cho cắt điện.

Nhiều xưởng xẻ gỗ nằm ngay bên cạnh trường học ảnh hưởng đến quá trình học tập, mỹ quan trường học và việc đi lại của học sinh. Ảnh: C.T.L
Nhiều xưởng xẻ gỗ nằm ngay bên cạnh trường học ảnh hưởng đến quá trình học tập, mỹ quan trường học và việc đi lại của học sinh. Ảnh: C.T.L  

Tan trường, những tốp học sinh nhốn nháo gọi nhau, hòa lẫn trong màn trời âm u, mịt mờ bụi. Bà Đỗ Thị Hoa chia sẻ: “Ngày trước mà đến Canh Nậu, thấy trẻ con đeo khẩu trang thì có vẻ hiếm nhưng bây giờ các em cứ đi ra đường là phải đeo khẩu trang hết. Phụ huynh bây giờ đã biết lo cho con cái đi học, chứ như ngày xưa, các cháu học sinh cấp 2 cứ sáng đi học, chiều đi đục gỗ. Có cháu còn bé tí nhưng đục đẽo khéo lắm rồi”.

Canh Nậu là xã có nghề mộc lâu đời, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau và cũng chính nghề mộc đã giúp thay đổi bộ mặt kinh tế của toàn xã. Tháng 7.2003, xã Canh Nậu được UBND tỉnh Hà Tây cũ công nhận là xã làng nghề mộc truyền thống. Đồng thời được chính quyền địa phương tạo điều kiện mở rộng sản xuất thành một khu công nghiệp làng nghề riêng. Tuy nhiên, quỹ đất có hạn, do đó rất nhiều hộ vẫn đang sản xuất tại nhà và chấp nhận… sống chung với bụi.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Trạm trưởng trạm y tế Canh Nậu, bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp thường xuyên đến khám tại trạm xá chủ yếu là trẻ nhỏ và người già. Trong số những trường hợp đến khám bệnh tại trạm xá có anh Nguyễn Công Thanh (SN 1968, thôn 2) được dìu đến trạm xá trong tình trạng tức ngực, khó thở, ngứa ngáy.

Các kênh, ao xung quanh xã Canh Nậu đều chuyển sang màu đen, xung quanh là ngổn ngang túi nilong đựng rác thải. Ảnh: C.T.L
Các kênh, ao xung quanh xã Canh Nậu đều chuyển sang màu đen, xung quanh là ngổn ngang túi nilong đựng rác thải. Ảnh: C.T.L 

Khi được hỏi, anh Thanh cho biết sau khi hít phải mùi sơn PU nên có những biểu hiện trên. Có hàng chục trường hợp được đưa đến trạm xá sau phản ứng với khí sơn PU. Đáng nói là ít lâu sau, nhân viên trạm xá lại thấy những bệnh nhân này được người nhà dìu đến trong tình trạng tương tự. Lý do là sau khi được điều trị, họ lại về nhà và tiếp tục phun sơn.

8h tối ở Canh Nậu, tiếng khoan, xẻ, đục, đẽo chưa kịp ngớt, tiếng loa phát thanh của xã đã vang lên. Những lời cảnh báo về bệnh viêm phổi, viêm phế quản, bệnh hen, bệnh ngoài da… vọng đều từ chiếc loa phát thanh chợt khiến tôi rùng mình.

Dường như, màu da và sức khỏe của người dân Cạnh Nậu đang đổi màu, vàng vọt và yếu ớt như ánh đèn điện thôn lúc này. Người dân Canh Nậu đang bán sức khỏe để mua lại sự đổi thay, nhưng nếu không bán sức khỏe thì biết bán gì?


Nguồn: Cao Thùy Liên (Báo Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn