Chuyện lạ: Dân vùng lũ sợ ca nô cứu trợ

Thời sựThứ Sáu, 22/10/2010 07:32:00 +07:00

(VTC News) - 7 xã ngoài đê của huyện Đức Thọ vẫn ngập trắng dưới hơn 1m nước. Dự kiến, nhiều ngày nữa nước mới rút hết.

(VTC News) - Người dân xã ngoài đê của huyện Đức Thọ sống chung với lũ từ thuở lọt lòng nhưng vẫn không giấu nổi sự kinh hoàng khi nhắc về trận lũ lịch sử này. Đã có nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" trong cơn lũ dữ.

Sạc điện thoại tập thể


Cho đến ngày 21/10 thì huyện Đức Thọ vẫn còn 7 xã ngoài đê Rú Trí ngập 100%, trong tổng số 20 xã đang bị ngập úng.

Tại chi nhánh của Ngân hàng chính sách huyện tại xã Đức Tùng, mỗi ngày có gần 100 người dân đi xuồng tới để sạc điện thoại. Em Đào Thị Thơ (17 tuổi) cho biết: “cách ngày em chèo qua nớ 1 lần để sạc điện thoại. Người thân gọi điện về nhiều, máy ni hết pin liên tục”. Ông Nguyễn Ngọc Thơ (Chủ tịch xã Đức Tùng) nói: “Máy nổ ở đây chạy 24/24 để tiếp sóng truyền thanh và sạc pin điện thoại cho người dân”.

Người dân Đức Tùng đi thuyền mộc tới địa điểm sạc pin điện thoại.

Hiện tại công tác cứu trợ cho các xã ngoài đê vẫn còn khó khăn, để tiếp cận một xã ngoài đê như Đức Tùng, chiếc ca nô nhôm tốc độ cao ST 660 phải mất 45 phút để tới nơi và mất thêm 5 phút để thuyền mộc có thể vào một nhà dân, đưa đồ viện trợ.

Cách xã Đức Tùng 15 phút đi ca nô cao tốc là xã Đức Châu, nơi có những người dân nghèo nhất của huyện Đức Thọ. Đón chúng tôi từ bậc cửa, cụ ông 82 tuổi Hoàng Nghĩa Đệ ngước cặp mặt già nua và nói: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn chính quyền” khi nhận một thùng mỳ tôm từ tay của ông Trần Hữu Bé - Phó chủ tịch UBND huyện Đức Châu.

Trong căn nhà tối, ông Đệ nói giọng thều thào: “Hơn 80 năm sống ở đây rồi, từ năm 78 (1978) là hắn (lũ) vào ghê nhất rồi tới năm nay, nhà có 5 con gà thì trôi hết…". Ở tuổi 82, ông Đệ vẫn là lao động chính nhưng “ruộng lúa năm nay thì mất hết rồi, hai vợ chồng cũng chẳng có chế độ chi mô. Giờ biết sống cách gì đây chú ơi?”.
Hai vợ chồng ông Hoàng Nghĩa Đệ đứng ở cửa nhà đón ca nô cứu trợ qua.

Nhiều người dân vùng lũ "sợ" ca nô cứu trợ

Đức Thọ có 2 người tử vong do mưa lũ. Anh Hồ Đức (xóm 2 Đức Châu) chỉ tay về phía căń nhà cấp 4 nơi anh đang sống cùng ngườí mẹ già, vợ và 3 đứa con, được xây bằng vôi vữa, độ kết dính không cao và đang bị nứt nói: “Ca nô mà đi mạnh thì nhà tui đổ hết, mì tôm mô đủ để xây lại tường”.

Anh Lê Trường Thi: "Lái tàu mùa lũ sợ nhất đụng mồ mả và sóng ca nô đánh sập tường nhà dân".


Chia sẻ về "nghề" lái ca nô, anh Lê Trường Thi (CSGT huyện Đức Thọ) cho hay: “đi ca nô mùa lũ, qua ruộng chỉ sợ đụng mồ mả còn khi qua nhà dân thì cũng phải chủ động hết sức đi chậm không sóng đánh đổ tường nhà của họ. Cũng thương bà con, vì nhà cửa lụp xụp quá, chỉ vài ngày ngâm trong bão là "mủn” ra ngay". Đã không ít lần, khi đoàn đi đưa đồ tiếp thế thì có cụ già bơi ra hàng trăm mét nhận mì tôm chứ nhất quyết định không cho cán bộ vào thăm vì sợ ca nô làm đổ nhà.
"Nước lên thì lên mình nóc nhà, có sao đâu con hè"

Gần nhà ông Đệ là ông Hoàng Thế Đoàn (72 tuổi) có 5 người con thì đều đi làm ăn xa. Ngày 19/10,́ cô con gái ông đang làm ở Vinh nghe tin lũ về nên bắt xe, trèo thuyền về nhà mua được 2 con cá (10.000 đồng), thêm được mớ rau muống do chị lặn ngụp xuống sâu dưới 1m nước để đổi món cho cha mẹ̣.

Ông Hoàng Thế Đoàn đang bước xuống từ trên căn gác để nhận mì tôm.

Nhà cụ Đoàn lụp xụp, chắp vá và từ ngày 16/10 phải sống ở trên gác được thiết kế dành riêng để chống lũ. Ban ngày mà ông bà vẫn phải mắc màn vì muỗi nhiều, “thân gầy gò, làm gì còn nhiều máu đâu mà cho bọn hắn (muỗi) hút hè”, cụ bà nói thêm “khi nào nước lũ lên cao nữa thì mạ lên nóc nhà ở, có sao đâu con hè” khi phóng viên hỏi “nước lên cao nữa thì cụ ở đâu?”.

"Mẹo" sống chung với lũ...

Theo chị Nguyễn Mai (SN 1986 – xã Đức Châu, huyện Đức Thọ)̀, người dân ngoài đê từ bé đã sống chung với lũ nên cũng rất “chuyên nghiệp” trong khâu phòng và chống lũ. Ai ở đây cũng biết kết chuối ở dưới, tre ở trên để làm thành bè cho người, trâu bò thì chủ động sơ tán vào vùng trong đê, hoặc chuyển lên... đoạn đường sắt Bắc – Nam đi qua địa phương.
 
Đối với lợn thì người dâṇ dùng ghế gỗ, trường kỉ úp hai đầu xuống, kết bè chuối để làm chuồng, gà thì cho đứng trên xe, trên cây… Nước sinh hoạt người dân dự trữ bằng cách xây bể trên cao, gạo và đồ ăn khô được dự trữ khi cần thiết nhưng người dân sống đa số bằng nghề nông, ruộng lúa ngập nước coi như mất trắng… 


Hình ảnh ghi nhận vào chiều 21/10 tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)̃:


Trẻ em ngó ra cửa sổ một ngôi nhà ngập nước để ngóng ca nô đi qua

Đường vào trụ sở UBND xã Đức Tùng

Điện thoại của người dân vũng lũ liên tục phải sạc để trả lời tin tức của người thân khắp nơi gọi về
Đằng sau cửa sổ phía giường em Hoàng Nghĩa Huân đang nằm là mênh mông biển nước

Rau muống do con cụ Đoàn lặn hái để mang về cho bố mẹ

  7 xã ngoài đê của huyện Đức thọ hiện chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy và đường hàng không

Hai cậu bé đang trèo mảng tự chế bằng bé chuối và thân cây tre


 Theo ông Trần Hữu Bé (Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ), thì hiện nay toàn huyện có 20/58 xã bị ngập, 7 xã ngoài đê ngập trắng 100%, thiệt hại ban đầu về tài sản ước tính khoảng 60 tỉ đồng, 2 người thiệt mạng trong lũ. Do hiện nước sông La và sông Cả nước đang dâng, cộng với tác động của thủy triều nên nước rút rất chậm. Dự kiến, nếu trời không mưa 10 ngày nữa nước mới rút khỏi các xã ngoài đê. Trong khi vài ngày tới, mực nước xuống thấp ca nô không vào được, đi thuyền gỗ cũng rất chậm mà lội bộ không xong, công tác cứu trợ cho người dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Thông thường, chỉ có xã ngoài đê bị ngập nhưng ngày 19/10 đã xảy ra sự cố vỡ 50m đê Rú Trí ở xã Đức Lạng do sông Ngàn Sâu dâng cao làm các xã trong đê như Đức Đồng, Đức Lạc, Đức lạng bị ngập úng, riêng xã Đức Lạng có khoảng 800 hộ bị ngập sâu, người dân bị bất ngở nên nhiều tài sản đã bị cuốn trôi, hoặc hư hỏng toàn bộ. Tuyến đê này được xây dựng từ năm 1971 và đến năm 2003 mới được gia cố bề mặt đê một lần.

Ngoài ra, tuyến đường sắt Bắc Nam tại địa phận xã Đức Lạng đã bị lũ cuốn đi gần 1km đường. Dự kiến công tác khắc phục phải mất hơn 1 tuần lễ.


Bài, ảnh:
Cường Cao


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn