Chuyện kỳ lạ về 'dị nhân' chuyên ăn bóng điện ở Hòa Bình

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 31/03/2015 06:14:00 +07:00

Chỉ còn mỗi cái bóng duy nhất dùng để chiếu sáng, lại phải treo lên cao đề phòng những lúc cơn thèm nổi lên, gã lại…ăn mất

(VTC News) - Chỉ còn mỗi cái bóng duy nhất dùng để chiếu sáng, lại phải treo lên cao đề phòng những lúc cơn thèm nổi lên, gã… ăn mất.

Kỳ 1: Phát lộ khả năng đặc biệt sau lần trở thành… "người rừng"

Trong lần đi thực tế cuối tháng trước, tôi có nghe người dân kể về một trường hợp kỳ quái gây xôn xao dư luận ở vùng đất núi non hiểm trở thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình...

Chuyện là, có một thanh niên trong vùng vào một ngày đẹp trời bỗng thấy mình có khả năng đặc biệt, anh ta miễn nhiễm với điện. Vì thế, anh ta có thể sửa chữa được những đồ điện máy như tivi, quạt điện, hay xe máy, mà không cần ngắt điện. Điều lạ nữa, là anh này không biết chữ, trước đó lại chưa từng học sửa chữa điện, không được ai truyền dạy.

Đặc biệt hơn, anh ta ăn bóng điện thay cơm. Cứ đến bữa thấy đói là đi tìm bóng điện để ăn. Nhà nghèo, thấy việc ăn bóng điện tốn kém quá, nên bố mẹ tìm mọi cách để bắt "dị nhân" ăn uống trở lại như người thường. Nhưng thỉnh thoảng cơm thèm nổi lên, gã lại tìm cách để được ăn bóng điện.

"Dị nhân ăn bóng điện" tên là Đinh Công Tuân, SN 1980, ở thôn Ngau, xã Phú Vinh, Tân Lạc, Hòa Bình.

Vào đến xã Phú Vinh, dò tìm đường vào nhà người đàn ông “đặc biệt” này thì chúng tôi được người dân cảnh báo: “Phải lựa lời, khéo léo lắm gã mới chịu gặp, nhất là người lạ, không thì gã chửi cho đấy, có khi lại còn vác gậy đuổi đánh không biết chừng ấy chứ…”.

Nhiều người xác nhận gã có nhiều biểu hiện kỳ quặc, thường hoảng loạn khi tiếp xúc với người lạ. Có khi cả ngày không nói một lời, lắm lúc lại cứ cười sằng sặc. Nhưng "dị nhân" không hề gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Đinh Công Tuân sống một mình trong căn nhà nhỏ bên sườn núi do bố mẹ dựng cho. Hôm chúng tôi tìm gặp, "dị nhân" mát tính đến kỳ lạ. Gã cởi mở cười nói nhã nhặn, lịch sự, không như người ta từng cảnh báo trước khi tìm đến.
Căn nhà nhỏ nơi "dị nhân" Định Công Tuân sinh sống  
Trong nhà, dù diện tích chỉ tầm 10 mét vuông, nhưng cơ man nào là đồ đạc, dây điện, ốc vít, linh kiện sửa chữa, thêm cái giường ngủ với chăn màn xộc xệch bốc mùi, một cái lồng có nhốt con rắn nhỏ, một cái lồng nữa nhốt sóc núi… Thấy tôi sợ, "dị nhân" Đinh Công Tuân trấn an: “Không sao đâu, chúng nó quen người ấy mà!”.
Chân dung "dị nhân" Đinh Công Tuân
Trong nhà chỉ có một bóng điện nhỏ treo tít trên cao, ngoài tầm với, phát ra ánh sáng mờ mờ đủ để nhìn thấy đồ vật trong phòng. Thấy tôi quan sát bóng điện, Tuân cười bảo chỉ còn mỗi cái bóng duy nhất dùng để chiếu sáng, phải treo lên cao đề phòng những lúc cơn thèm nổi lên, nhỡ đâu lại… ăn mất.

Cũng dễ hiểu tại sao mà cho đến giờ đã 35 tuổi, mà chẳng có người con gái nào đủ can đảm gắn bó cuộc đời với gã.

"Dị nhân" bê cái ti vi sang một bên lấy chỗ mời khách, rồi lại quay sang hỏi: “Xem tivi cho vui nhé?”.

Nói đoạn gã cắm điện, nhưng tivi không lên. Bực mình, gã vỗ mấy phát vào cái máy, lẩm nhẩm rằng chiếc tivi vẫn dùng tốt, rồi quay sang cho nguyên ngón tay vào ổ điện kiểm tra, không thèm dùng bút thử. 
Tuân cho nguyên ngón tay vào ổ để thử điện 
Sờ đến ổ thứ 3, gã reo lên: “Ổ này vẫn có điện, còn dùng tốt” , rồi cầm dây nguồn cắm vào. Chiếc tivi được bật lên trước ánh mắt sững sờ của khách.

Tôi đang há hốc quan sát, thì một người đàn ông tầm hơn 50 tuổi bước vào nhà. Tuân bảo đó là bố của gã, tên là Đinh Văn In, nhà ngay gần đó.

Hỏi chuyện "dị nhân", ông In cười cho biết, trước đó, nhà quá nghèo nên gã không hề được học hành gì cả, đến cái tên của mình cũng không biết viết.

Đến tuổi trưởng thành, khỏe mạnh, Tuân chẳng biết làm gì ngoài việc lang thang khắp thôn bản, gặp ai chửi người đó. Anh em họ hàng xúm vào khuyên bảo, thậm chí cả nịnh nọt để mong thay đổi nhưng gã đều bỏ ngoài tai.

Mọi chuyện bắt đầu vào một ngày giữa tháng 11/2009, không biết “ma xui quỷ khiến” kiểu gì mà sau bữa cơm trưa, Tuân không nói không rằng cắm đầu chạy thẳng một mạch về phía mấy dãy núi cao trước mặt.
Ông Đinh Văn In, bố của "dị nhân" Đinh Công Tuân
Ông In kể: “Đó là một ngày mùa đông giá lạnh, Tuân bỏ đi không nói một lời nào. Ban đầu, vợ chồng tôi cứ nghĩ nó đi theo bạn bè đi chơi đâu đó một vài ngày rồi về, nhưng đợi mãi chẳng thấy nó đâu. Lo lắng, người nhà và nhiều người xung quanh đã chia nhau đi tìm, sau mới phát hiện hóa ra nó ở trong rừng”.

Thỉnh thoảng có người đi rừng nhìn thấy Tuân, dân bản lại chia nhau đi tìm. Có lúc tìm vào cả hang sâu cách bản cả chục km, nằm ở những dãy núi cao chất ngất bên bờ sông Đà nhưng không thấy gã đâu. Có lần, không biết bằng cách nào gã lại mò lên được hốc đá trên vách núi thẳng đứng. Gã cứ ngủ ở hốc đá đó. Mọi người phát hiện cũng chỉ biết lắc đầu, không tiếp cận được gã.

Nhắc lại quãng thời gian đó, Tuân cười và bảo rằng như có người cầm tay mình rồi cứ thế dẫn vào trong rừng. “Trong rừng sung sướng lắm, mát mẻ, không khí trong lành, lại không bị người ta trêu chọc. Có gì ăn nấy, con thú, con chim nó sống được là mình sống được. Nước trong khe, quả trên cây cứ thế lấy mà dùng, không chết được đâu” - Tuân cho biết.

Điều lạ là cứ mỗi khi có người nhà tìm đến, thì Tuân lại cảm thấy đầu đau như búa bổ, rồi như có tiếng nhắc nhở phải chuyển qua chỗ khác sinh sống ngay tức khắc.

Vì quá lo lắng cho Tuân, gia đình và dòng họ quyết định họp bàn và đưa ra phương án sẽ mời thầy cúng. Thầy cúng phán rằng, Tuân bị con ma rừng lôi kéo, ám hại nên không thể về nhà được. Thầy cúng hứa sẽ làm lễ "giải cứu" Tuân khỏi sự kìm kẹp của ma rừng.

Chừng một tháng rưỡi kể từ ngày "dị nhân" bỏ trốn, anh em trong nhà mới phục bắt được đưa về bản. Và cũng phải mất đến hơn 1 tháng nữa bồi dưỡng, tập luyện, Đinh Công Tuân mới dần từ bỏ được những tính cách hoang dã, bắt nhịp với cuộc sống bình thường. 

Cũng chẳng thể hiểu tại sao, từ lúc “hạ sơn”, Tuân bỗng có nhiều “tài lẻ” hơn hẳn, lại không còn phá phách như trước nữa. Bố mẹ, anh em, bà con lối xóm cứ ngẩn tò te khi chứng kiến "dị nhân" ăn bóng đèn, tự sửa chữa đồ điện, dẫn điện qua người, lắp ráp, chế ra các đồ điện dân dụng… Không ai biết những khả năng này từ đâu mà Tuân có. 

Nhìn đứa con khờ khạo ngày ngày cứ cặm cụi sửa chữa đồ điện, rồi chữa cả xe máy mà gia đình ông In vui mừng đến phát khóc.


Còn tiếp…

Thúy Hồng - Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn