Chuyện khó tin về một ngôi làng dành cho… bồ nhí

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 31/08/2012 12:26:00 +07:00

Những người đàn ông kinh doanh giữa hai vùng với đầu óc nhạy bén và sự tính toán của mình đã gây dựng nên một làng bà hai, hay còn họi là “làng bồ nhí”.

Ở Thâm Quyến, có một ngôi làng mà chỉ cần phóng tầm mắt vài trăm mét là đã có thể nhìn thấy Hong Kong. Những chuyến ô tô chở hàng qua cửa khẩu, những người đàn ông kinh doanh giữa hai vùng với đầu óc nhạy bén và sự tính toán của mình đã gây dựng nên một làng bà hai, hay còn họi là “làng bồ nhí” nức danh Trung Quốc.


Để có được thông tin chân thực về làng bố nhí Hải Loan tại Thâm Quyến, Trung Quốc, nữ phóng viên của một tờ báo danh tiếng tại Thượng Hải đã đích thân thâm nhập vào làng bồ nhí nổi tiếng tại thành phố Thâm Quyến để được “tận mục sở thị” cuộc sống của những “phận liễu mang kiếp chồng chung”. Dưới đây là những trải nghiệm của nữ nhà báo sau chuyến xâm ngôi làng “có một không hai” này.

Dưới sự giúp đỡ của một người đồng nghiệp tên là Từ Tiêu, tôi đã được cô chở bằng xe riêng tới làng bồ nhí, chúng tôi đỗ xe cách đó khá xa và đi bộ vào trong làng. Từ Tiêu cảnh báo tôi rằng, gần đây có một nơi mà chỉ cần biết bạn là phóng viên, họ sẽ lập tức hành hung và đập vỡ máy ảnh tác nghiệp của bạn khiến tôi cũng có chút lo lắng bất an.

Làng bồ nhí 

Đúng như những gì Từ Tiêu dặn dò, khi chúng tôi vừa mới tới cổng thôn đã lập tức trở thành tâm điểm chú ý của mấy gã “trai làng” lảng vảng ở đây. Tôi thấy thật kỳ lạ bởi tôi luôn nghĩ rằng mình đang đi điều tra về thân phận những người phụ nữ cam chịu làm phận lẽ chứ nào đâu có phải đi điều tra về tệ nạn xã hội ma túy hay mại dâm mà những con người ở đây lại phải dữ dằn và cảnh giác cao độ đến vậy. Nhưng may mắn, chúng tôi đã lọt qua được cửa ải đầu tiên để tiếp cận gần hơn với những điều chân thực ở đây.

Làng bà hai cũng có nguồn gốc lịch sử

Nói đến làng bà hai người ta thường nghĩ ngay tới những cô gái trẻ, chấp nhận gá thân cho người đàn ông có điều kiện để được hưởng thụ một cuộc sống an nhàn, và cũng như những hiện tượng khác trong xã hội, làng bồ nhí cũng có nguồn gốc lịch sử của nó.

Từ những năm 80 của thế kỷ 20, một nhóm thương nhân Hong Kong, dân “cổ cồn trắng” và cả những tài xế xe tải đã bắt đầu đổ bộ vào Thâm Quyến, cùng với bản chất công việc bôn ba và nhu cầu đàn ông, họ đã có những mối quan hệ ngoài luồng và số lượng những bà “vợ hai” cũng tăng lên từ đấy.

Lâu dần, những người cùng chung cảnh ngộ này đã tụ tập thành nhóm và chung sống gần nhau, “làng bà hai” Hải Loan cũng ra đời từ đó, trở thành chốn nương thân của không ít những cô gái trẻ mưu cầu được đổi đời.

Theo thống kê gần đây nhất thì 80% ông chủ của những phòng nhì tại làng bồ nhí Hải Loan đều là các tài xế và 100% đều là người Hong Kong.

Lập phòng nhì để thỏa mãn nhu cầu “thích, tiện, rẻ”

Trong suốt quá trình tìm hiểu về làng bà hai ở Thâm Quyến, tôi luôn canh cánh bên mình câu hỏi: “Đâu phải người đàn ông nào cũng muốn mua dây buộc mình để phải chu cấp cho một người đàn bà cố định và chỉ để tạt qua với nhau dăm thì mười họa. Nhất là, với những người đàn ông có điều kiện kinh tế như họ thì cái gọi là vui chơi qua đường hay bóc bánh trả tiền là điều nằm trong tầm tay”.

Người bạn đồng nghiệp Từ Tiêu của tôi vốn cũng có thâm niên trong việc điều tra về làng bồ nhí Hải Loan, Thâm Quyến, cô ấy đã giải đáp cho thắc mắc của tôi mà nghe chừng rất hợp tình hợp lý: Ngồi từ làng bồ nhí nhìn sang bên kia bức tường là đã có thể nhìn thấy cửa hải quan giữa Hong Kong và Thâm Quyến, như vậy đồng nghĩa với việc dân lái xe hoặc dân kinh doanh Hong Kong chỉ mất vài phút để có thể tới đây.

Những cô bồ nhí ở Hải Loan 

Ăn uống ngủ nghỉ là nhu cầu tối thiểu của con người, nếu chỉ có một mình họ cũng sẽ phải chi tiền cho những sinh hoạt đó với chi phí tiền thuê nhà nghỉ khoảng 100 đến 150 tệ một đêm. Ví dụ như một người lái xe chẳng hạn, một tuần họ phải sang đây ba, bốn lần, vậy là họ mất gần 2000 tệ cho khoản tiền ngủ nghỉ, đó là chưa kể chi phí ăn uống hay phụ phí lặt vặt khác. Tổng số tiền này có khi lên tới 5000 tệ trở lên mỗi tháng.

Vậy là, với đầu óc nhạy bén và nhu cầu của những người đàn ông kinh doanh thường xuyên xa nhà, họ đã nghĩ ngay tới một biện pháp “thích, tiện, rẻ” đó chính là thuê một căn phòng hoặc căn nhà cố định và “thuê” luôn cả một người đàn bà đại lục để tiện bề trông nom nhà cửa.

Hơn thế, họ còn chăm sóc những ông chồng hờ với phương châm “không gian này, người đàn bà này, từ bếp tới giường, từ bát tới tình đều thuộc quyền sở hữu và sử dụng của bản thân, hơn nữa chất lượng phục vụ còn khá cao”.

Những “cuộc hôn nhân đắng chát” hay cái giá của sự đổi đời?

“Cuộc hôn nhân đắng chát” là thực trạng và cũng là kết cục của những người phụ nữ cam chịu kiếp chồng chung tại làng bồ nhí. Bởi, trong số họ chẳng mấy ai đến với nhau bằng tình yêu đích thực, hoặc giả tình cảm đó cũng không còn trọn vẹn khi bị chi phối cả về phương diện tình cảm lẫn khoảng cách thời gian.

Nhưng điều kỳ lạ ở làng bồ nhí Hải Loan là những bà hai ở đây đều rất trân trọng những ông chồng hờ của mình, có lẽ một phần vì một tháng họ mới được gặp “chồng” vài ba lần trong khoảng thời gian ngắn ngủi được báo trước. Và, điều kỳ lạ là, tuy phải thường xuyên “xa mặt cách lòng” như vậy nhưng những bà vợ hờ ở đây hiếm khi vụng trộm hoặc cao chạy xa bay với người đàn ông khác.

Khi tiếp xúc với những người phụ nữ ở đây, tôi càng thấm thía hơn chân lý đó bởi họ không đẹp, không cao sang hay sành điệu như hình dung của chúng ta về những cô bồ nhí nhan nhản của những “đại gia” trong xã hội. Họ là những người phụ nữ hết sức bình dị, thậm chí còn thô kệnh và có chút quê mùa.

Từ Tiêu cho tôi biết về “yêu cầu tổng thể” mà cô điều tra được từ những ông chồng hờ ở làng bồ nhí chỉ vẻn vẹn vài đặc tính: “dịu dàng, hiền lành, khoan dung, chịu khó”. Cánh đàn ông còn thẳng thắn tuyên bố rằng “Tìm một bà vợ bé hay cô bồ nhí an toàn hơn rất nhiều so với việc chung chạ bên ngoài”.

Trước đây, cánh tài xế và một vài phụ nữ trong làng Hải Loan phần lớn đều tự quen biết và đến với nhau, chấp nhận cảnh “già nhân ngãi non vợ chồng”. Thế nhưng sau này khi làng bồ nhí hình thành thì đã có những người đã chớp lấy cơ hội kinh doanh và thành lập nên những trung tâm môi giới trá hình để mai mối cho những người có nhu cầu tìm vợ bé từ Hong Kong tới.

Những người phụ nữ nông thôn học vấn thấp, nhẹ dạ và cả những người lười lao động, thích ăn sung mặc sướng chính là đối tượng khai thác triệt để của những trung tâm mai mối này. Có những câu chuyện cười ra nước mắt xảy ra tại đây là cứ bên cạnh một trung tâm mai mối lại thấy xuất hiện phòng khám tư với tấm biển bắt mắt “Ở đây có dịch vụ vá trinh”.

Câu chuyện mà A Muội, một trong những phụ nữ của làng bồ nhí Hải Loan là một trong những hoàn cảnh của hàng trăm “bà hai” ở đây. Sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo, 13 tuổi A Muội đã thoát ly lên thành phố để mưu sinh. Cuộc sống đô thị khắc nghiệt đã khiến cô bé non nớt sớm bị đào thải.

Sau vài năm bôn ba nơi đất khách quê người đủ đến tuổi trưởng thành, A Muội được người ta mai mối làm vợ hờ của một người đàn ông Hong Kong. Lần đầu tiên gặp gỡ đã khiến A Muội hoảng hồn vì người đàn ông này già bằng cả tuổi cha mình. Cô kiên quyết từ chối cuộc mai mối này nhưng người làm mai cảnh cáo cô rằng, cô đã không còn con đường nào để rút lui.

Ông lão sau khi gặp A Muội đã rất ưng ý rồi dẫn cô và người làm mối đi ăn cơm. Vừa ăn xong, mới kịp lau mồm, ông ta đã nhanh chóng muốn đưa cô đi thuê nhà. Việc thuê nhà cũng diễn ra hỏa tốc, một căn hộ nhỏ hai phòng ngủ một phòng khách đã được ông lão ưng ngay. Sau đó chỉ mất vài tiếng để sắm thêm chăn ga gối đệm, bàn ghế, tủ giường và những đồ gia dụng khác trong gia đình. Đợi tới khi bố trí dọn dẹp xong xuôi đã là 2 giờ sáng.

Vậy là đêm đó, A Muội đã trở thành “phòng nhì” của ông lão người Hong Kong. Ông lão giục A Muội tắm gội. Cô phải tỏ ra vui vẻ và làm theo lời ông ta. Sau khi tắm gội xong, A Muội khẽ thở dài và chui vào trong chăn, nhắm mắt lại… Cô muốn vùng khỏi vòng tay của ông già đó, nhưng nửa đêm nửa hôm như vậy cô biết chạy đi đâu trong khi trên người không có lấy một đồng xu dính túi.

Liệu sẽ còn bao nhiêu cô gái đang và sẽ sống kiếp vợ hờ như A Muội? Và những “cuộc hôn nhân chát đắng này” liệu có mang lại sự đổi đời cho những cô gái mang thân tầm gửi? Câu hỏi đó sẽ vẫn tồn tại trong xã hội và sẽ không bao giờ có lời giải đáp khi chính những cô gái trẻ không đủ nghị lực để bước qua số phận và những cám dỗ của cuộc đời.


TheoBáo Gia đình và Cuộc sống

Bình luận
vtcnews.vn