Chuyện khó hiểu ở bãi gửi xe công viên Thống Nhất

Kinh tếThứ Ba, 02/11/2010 06:56:00 +07:00

(VTC News) - Đi tập thể dục không phải mua vé còn đi chơi thì mất tiền. Khách than giá vé cao, nhân viên gắt gỏng... là những nghịch lý ở công viên Thống Nhất.

(VTC News) - Người dân đi tập thể dục có thể ra vào công viên thoải mái nhưng nếuđi chơi lại mất tiền. mua vé. Khách thắc mắc giá vé cao lập tức bị nhân viên trông xe gắt gỏng, quát mắng... đó là những gì "tai nghe mắt thấy" tại bãi trông xe ở công viên Thống Nhất.

Từ lâu, khách đến công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn bị những người thu phí trông xe ở đây “móc túi” nhưng phải "ngậm bồ hòn" làm ngơ vì: “có thắc mắc được đâu. Bây giờ họ đòi vậy, chẳng nhẽ mình lại cãi nhau với họ. Đôi co với người trông xe cũng chẳng giải quyết được việc gì”, không ít người gửi xe tại công viên Thống Nhất ấm ức cho biết.

Giá vé xe cao: Chủ trông xe "cấm" khách hàng phàn nàn

Có mặt tại điểm trông giữ xe trên đường Lê Duẩn, cổng vào công viên Thống Nhất (do Công Ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Thống Nhất quản lý), pv VTC News ghi nhận phí gửi xe tại đây đắt hơn 2,5 lần so với giá ghi trên vé. Nếu người dân tỏ ra bất bình,
căn vặn về giá vé quá cao ngay lập tức sẽ bị những người trông xe ở đây quát mắng thậm chí lớn tiếng dọa nạt.

Khoảng 4h30 chiều ngày chủ nhật (24/10), tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, Hoài Nam - sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc Dân - dẫn người yêu vào công viên dạo mát. Cùng với vé ra vào, Nam phải trả 15.000 đồng cho 1 xe máy và 2 người. “Mình biết họ thu giá quá “chát” nhưng đi một mình thì khác, lâu lâu mới đưa bạn gái đi chơi, chẳng nhẽ lại kì kèo thêm bớt", Nam kể. Cũng giống Nam, để không "mất mặt" trước phái đẹp,  nhiều đấng mày râu sẵn sàng rút hầu bao và đã vô tình tạo điều kiện cho những người trông xe thỏa sức làm giá.

Giá vé gửi xe tại Công viên Thống Nhất bị thu khống lên 5.000 đồng/xe so với mức quy định. Bác Nguyễn Hoài An, một người thường xuyên đi tập thể dục ở đây, nhận xét: "Khách hàng càng đôi co thì càng “chết tiền”...".

Hàng ngày, hàng trăm khách gửi xe bị "móc túi" khi phải trả giá vé cao gấp đôi so với qui định tại Công viên Thống Nhất.

Cầm tấm vé trên tay, chị Bùi Phương - nhân viên của một công ty truyền thông tại Hà Nội, tỏ ra khá bất ngờ bởi thời gian chị đi chơi là 16h30, trong khi vé trên tay chị lại ghi “Vé ban đêm”. Theo đó, mức phí bị thu  tương đương 3.000 đồng/xe.

Có thể coi, đây là “mánh lới” mới trong việc thu phí trông xe mà nếu khách hàng không để ý sẽ mặc nhiên cho rằng: Mình trả tiền đúng theo mức qui định ghi trên vé. Như vậy, bằng việc trà trộn, vé ban ngày thành vé ban đêm, mỗi vé, các nhà xe thu lời thêm 2.000 đồng. 

Thắc mắc với bảo vệ trông giữ xe về việc thu tiền vượt mức, chị Phương nhận được câu trả lời: “Chúng mày lằng nhằng quá… 4.000 đồng/1 người (vé ra vào – pv), 5.000 đồng 1 xe nhưng tao chỉ lấy 8.000 đồng. Miễn trình bày”. Bất ngờ trước thái độ của nữ nhân viên trông xe, chị Phương đứng thần người ra một lúc. Thấy mọi người gửi xe lúc đó đang chăm chú nhìn vào mình, người trông xe này vội vàng  xua tay: “Vô lý thì nhanh trả tiền xe rồi đi vào đi”  và đổi giọng:  “Cô chú bớt cho 1.000 đấy, ở đây thu 5.000 đồng cơ”.

Khách đi chơi công viên vào ban ngày nhưng nhận được vé gửi xe ban đêm.

Trước bức xúc và thắc mắc của nhiều người về giá trông vé “cắt cổ” tại công viên Thống Nhất, pv VTC News đã có buổi làm việc với 
ông Nguyễn Văn Hán - Trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Thống Nhất. Ông Hán cho biết: Việc thu phí vé xe đạp, xe máy là theo qui định của thành phố, tuy nhiên, trong quá trình làm việc, các nhân viên trông xe thu quá mức cho phép là vi phạm của người lao động trong công tác quản lý vé và thu phí vé.

Ông Hán khẳng định: “Những trường hợp thu không đúng khi có phản ánh sẽ có biện pháp xử lý bằng hình thức kỉ luật”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về mức kỉ luật cụ thể, ông Hán trả lời chung chung: “Xử lý như thế nào thì có nội quy luật lao động của công ty, tùy thuộc mức độ vi phạm mà kỷ luật”.

Về việc kiểm tra, thanh tra các điểm trông giữ xe của công viên Thống Nhất, ông Hán phân trần: Các nhiệm vụ kiểm tra thuộc về một xí nghiệp Dịch vụ Văn hóa và phục vụ công cộng. Về phía Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Thống Nhất, ông Hán nói: “Tất nhiên là chúng tôi có kiểm tra nhưng phải nói thật, không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể đứng ở cổng để giám sát người trông xe”. Theo ông Hà, vi phạm có thể lại tái diễn khi người kiểm tra, giám sát đi khỏi.

Khách hàng: "Sao giá vé cao thế?". Nhân viên trông xe: "Miễn trình bày!"

Liệu người dân có thể yên tâm về chất lượng dịch vụ trông xe tại đây, ông Hán không dám khẳng định: “Chúng tôi không thể nói là hiện tượng này sẽ chấm dứt hay không chấm dứt”. Ông chỉ nhấn mạnh: Ban quản lý sẽ luôn luôn thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở, giáo dục  nhân viên thực hiện tốt theo đúng nội qui và qui chế, “còn nếu người nào đó cố tình vi phạm thì chúng tôi sẽ xử lý” và “nếu tái phạm, sẽ có biện pháp xử lý nặng”.

Chuyện lạ ở công viên Thống Nhất: “Đi giày thì không mất vé, đi dép thì phải mua vé”

Ngoài việc thu vé xe cao hơn gấp 2,5 lần so với qui định, theo ghi nhận của pv, việc thu phí ra vào ở công viên Thống Nhất cũng không theo nguyên tắc nào.

Công viên Thống Nhất có tất cả 4 cửa, tuy vậy, mỗi cửa lại hoạt động theo một cơ chế khác nhau. 3 cửa có tấm biển đề chữ “Vé ra vào, người lớn: 4.000 đồng, trẻ em: 2.000 đồng” đặt ngay ngắn trên bàn, còn lại 1 cửa thì không có biển báo.

Việc thu vé ra vào tại các công viên theo nguyên tắc là được phép, theo đúng qui định của Thành phố, tuy nhiên, từ lâu, đây là cái “cớ” rất mập mờ mà những người trông xe đưa ra để "chặt chém".  Theo quan sát của pv, tại điểm trông giữ xe này, khi khách ngẩn ngơ hỏi “sao đắt thế”, người trông xe nhanh nhảu trả lời: “Tính cả phí ra vào nữa”. Tuy nhiên, nếu khách hàng yêu cầu, người trông xe mới xé vé đưa cho khách, còn không, họ sẽ lẳng lặng "ỉm" đi. Thậm chí, nhiều người gửi xe còn lầm tưởng: Vé gửi xe cũng chính là vé ra vào và giá tiền đã cộng gộp luôn trong đó.

Khách hàng đề nghị mới có vé vào cửa, còn không, nhân viên sẽ "ỉm" đi.

Chị trông xe tại cửa công viên Thống Nhất trên đường Lê Duẩn lý giải: Vé ra vào không cần thiết, khách thường vất đi luôn, nên chúng tôi không đưa vé. Nhiều khi có người hỏi: “Vé xe là vé vào luôn hả chị?”, chị này chỉ gật đầu ậm ừ cho qua chuyện.  

Giá thu vé xe cũng mỗi nơi mỗi khác, thậm chí là “tùy hứng”, tùy người, tùy từng hoàn cảnh mà người trông xe mặc sức điều chỉnh giá xe tăng lên hay hạ xuống. Tầm 18h, tại cổng chính công viên Thống Nhất trên đường Trần Nhân Tông, ban đầu khi khách vào gửi xe, người trông xe "hét" giá: 5.000 đồng, kèm lời nhắn “trông đến 22h”. Tuy nhiên, khi khách nói “chỉ vào chơi”, chị hạ xuống 4.000 đồng/vé với lời giải thích: “Vé gửi xe buổi tối 3.000 đồng nhưng chị lấy 4.000”. Không chịu trả quá mức qui định, khách hàng căn vặn khi tấm vé có "niêm yết" là 3.000 đồng/xe do Cục Thuế Hà Nội qui định, có dấu đỏ của Bộ Tài chính, nhân viên trông xe này mới “xuống nước”: Vậy thì đưa 3.000 đồng đi”.

“Quan trọng là cách quản lý và phát hiện vi phạm như thế nào thôi, còn công viên nào chẳng thế. Lớ ngớ thì bị “chém ngọt” còn vặn vẹo thì được thu đúng. Mình đã từng đi 2, 3 công viên trong địa bàn Hà Nội và đều chuẩn bị tâm lý trước về việc “hét” giá của những điểm trông xe xung quanh đấy”, một bạn trẻ nói.  

Một bất cập nữa cũng cần nói đến đó là: Hầu hết những người đi tập thể dục, mặc quần áo thể thao ngang nhiên đi vào cổng mà không cần dừng lại trả tiền, còn những chàng trai – cô gái, những đôi vợ chồng trẻ dìu tay vào cửa lại phải chi tiền. Người phụ nữ hơn 40 tuổi, thường xuyên đi chạy bộ ở công viên Thống Nhất ghé tai chúng tôi nói về “bí quyết” để không mất tiền thu phí ra vào như sau: “Đi giày thì không mất vé ra vào, còn đi dép, đi guốc, lịch sự giống như đi chơi thì phải mua vé”.

Mặc quần áo thể thao thì không phải mua vé vào cửa, còn mặc quần áo đi chơi thì mất tiền mua vé. (Ảnh minh họa, Khởi Nguyên).

“Mình thấy rất bất hợp lý, chẳng lẽ có sự phân biệt giữa người đi chơi và người đi tập thể dục ở công viên”, Quốc Huy, sinh viên của trường Đại học Bách Khoa trong một lần tới đây chơi đã thắc mắc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hán (đại diện Ban quản lý công viên Thống Nhất) thừa nhận: “Đây là mâu thuẫn mà chính chúng tôi cũng rất khó khăn trong công tác quản lý của công viên”. Một mặt ông Hán khẳng định rằng: Không có sự phân biệt giữa người đi chơi và người đi tập thể dục. Tuy nhiên, mặt khác, ông lại Hán cho biết: Một số dân xung quanh khu vực này thường xuyên đi tập thể dục vào buổi chiều, những người trông cổng đã quen mặt nên vào không mất phí, còn những người khác mặc quần áo thể thao khi vào cổng vẫn mất vé như thường.

“Trong kinh doanh, mục đích của chúng tôi là phải tận thu, chống thất thoát nhưng cũng có những khó khăn trong việc quản lý" – ông Hán nói.

Ông Hán nhắc lại: Việc thu phí sai qui định đó là sự gian lận, thay mặt Ban quản lý, ông gửi lời cảm ơn VTC News đã phản hồi và đưa ra được bẳng chứng nhân viên vi phạm để Ban quản lý kịp thời xử lý, tránh tình trạng nhân viên trông xe “móc túi” người tiêu dùng.

Clip: Nhân viên trông xe "làm giá" tại công viên Thống Nhất



Bài, ảnh: Khởi Nguyên


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gialà bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.

Bình luận
vtcnews.vn