Chuyện hồi sinh của những thiên thần nhỏ ở Hải Phòng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 20/09/2010 02:50:00 +07:00

(VTC News) - Mẹ Liên bảo: “Các con chỉ sống được qua vài mùa trung thu nữa thôi, nên muốn các con có được những đêm trung thu thật ý nghĩa”.

(VTC News) - Trong những ngày này, trẻ em cả nước đang chuẩn bị đón ngày lễ trung thu thật ý nghĩa. Các bé được rước đèn ông sao, xem múa lân, múa rồng, chơi nhiều trò chơi, rồi ngắm trăng và có những mơ ước trong sáng. Trong một căn phòng ở ngoại ô TP. Hải Phòng, những đứa bé mang AIDS cũng mong từng ngày được trông thấy chị Hằng tròn vành vạnh. Có lẽ đây là năm đầu tiên các bé có một đêm trung thu trọn vẹn.


Trong số những cháu đang tập dượt múa hát, chuẩn bị cho ngày lễ trung thu, tôi chú ý đến cháu Lều Thành Công. Cậu bé nhỏ loắt choắt, song có khuôn mặt rất vui tươi và thích thể hiện. Bé cứ tranh giành với các chị để được làm MC, giới thiệu chương trình. Bé Công sinh năm 2006, đã mất cả bố lẫn mẹ, mới được các mẹ ở Trung tâm giáo dục Thanh Xuân (TP. Hải Phòng) đưa về nuôi dưỡng từ đầu năm nay.

Các thiên thần nhỏ ở Trung tâm Thanh Xuân. 

Mẹ Công là gái mại dâm, lại nghiện, nên dính AIDS. Bố Công là ai cũng chẳng biết, nhưng theo mẹ bé, thì cũng đã chết vì AIDS. Hai kẻ nghiện ngập, bị AIDS lang chạ với nhau, sinh ra bé. Bé Công đáng thương cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Trước khi mẹ Công chết, thì ông bà ngoại cũng đã chết vì ma túy. Công phải sống với cụ ngoại, sinh năm 1942. Cụ ông đã mất từ đâu. Các cô, các bác đều ngồi trại vì liên quan đến ma túy.

Cụ bà già yếu, chẳng làm được gì kiếm sống. Hàng xóm cho gì, thì hai cụ cháu ăn vậy. Bé xíu, Công đã ốm yếu, sống lay lắt như con thú bị trọng bệnh. Công yếu đến nỗi không há được miệng mà nhai, cụ phải nghiền nát đồ ăn rồi đổ vào miệng. Cứ một thìa cơm nghiền, phải kèm 3 thìa nước bé mới nuốt được.

Bé Lều Thành Công rất thích được làm MC. 

Bệnh nặng, ăn uống thiếu thốn, nên Công rơi vào trạng thái ngắc ngoải chờ chết. Cái bụng trướng phình, tay chân lở loét, ruồi muỗi bâu đầy. Cụ ngoại kêu hàng xóm chuẩn bị chôn cất giúp.

Khi xóm làng đang bàn tính quyên góp để làm mai táng cho cháu, thì các đồng đẳng viên phát hiện đưa cháu về trung tâm. Được sự chăm sóc, điều trị tận tình của các mẹ, bé Công đã từ cõi chết trở về. Bé còn còi cọc, song cái bụng trướng phình đã xẹp đi và trông khỏe mạnh như những bé bình thường. Để cứu được cháu từ cõi chết trở về, không thể nào kể hết công lao của các mẹ, các cô ở trung tâm này.

Ngồi giữa gian phòng nhỏ, trên tường dán đủ các hình thù vui tươi, nghe bác sĩ Phạm Bích Thủy – Giám đốc Trung tâm Thanh Xuân kể tường tận về từng cháu, thấy hoàn cảnh cháu nào cũng thương tâm khủng khiếp. Cháu nào cũng bố chết, mẹ chết, cả bố mẹ đều chết, hoặc đang chờ chết vì AIDS.

Bác sĩ Phạm Bích Thủy và một thiên thần nhỏ. 

Bé Nguyễn Mai Khánh Linh, sinh năm 2004, bụ bẫm, trắng trẻo, đôi mắt to tròn, mái tóc đen mềm. Nếu dán hai chiếc cánh vào lưng, có lẽ cháu sẽ biến thành thiên thần trong những câu chuyện cổ tích.

Nhà bé Linh nằm dưới chân núi, ở đảo Cát Bà. Mẹ yêu đương với một người đàn ông có vợ, là cán bộ của huyện. Tuy nhiên, khi có bầu, ông ta không nhận. Chán đời, mẹ bé đi làm nghề bán dâm, rồi bị AIDS lúc nào chẳng biết. Ông ngoại mất sớm, bà ngoại già yếu, đi vá lưới thuê mỗi ngày được 15 ngàn, không đủ nuôi cô con gái nằm một chỗ chờ chết.

Các bé tập dượt văn nghệ cho đêm trung thu. 

Hàng ngày, bà đi vá lưới thuê từ sáng sớm đến tối mịt, nên cứ nấu cơm để đó, khi nào đói, cháu tự xúc ăn. Bé Linh tiểu tiện bừa bãi trong nhà, chiều về bà dọn. Không có ai chăm sóc, cháu bị muỗi, dĩn đốt khiến lở loét khắp người. Được chính quyền giúp đỡ thủ tục để hàng tuần về Hải Phòng lấy thuốc ARV, song bà ngoại cháu đi được vài lần thì bỏ vì chẳng có tiền để mua vé tàu xe đi lại. Biết rằng hai mẹ con chẳng sống được mấy ngày nữa, nên không ai thiết tha điều trị cho cháu.

Xót xa cho hoàn cảnh cháu Linh, các cán bộ Trung tâm Thanh Xuân đã đưa cháu về chăm sóc. Do uống thuốc không đều đặn, cháu bị kháng thuốc, nên phải chuyển sang phác đồ điều trị 2. Sau vài tháng điều trị, lượng hồng cầu trong máu đã gần như các bé bình thường, cháu trở nên hồng hào, xinh xắn như một thiên thần.

Một thiên thần nhỏ có HIV. 

Kể lại chuyện mẹ cháu, các cán bộ đều xót xa. Tháng trước, mẹ cháu đã gắng gượng đến thăm. Mẹ cháu mặc áo kín mít, trùm khăn kín mặt. Toàn thân chị lở loét do bệnh AIDS đã ở giai đoạn cuối. Nhìn người đàn bà này, chị Thủy biết rằng mẹ cháu chẳng sống được mấy ngày nữa, chắc gắng gượng đến nhìn con lần cuối. Mẹ nhìn cháu mà chẳng nói được điều gì, nước mắt cứ rơi lã chã. Từ bấy đến nay, không thấy chị trở lại thăm con, chẳng biết chị còn sống hay đã chết. Cả đời cháu sẽ sống nhờ Nhà nước và các mẹ ở Trung tâm Thanh Xuân.

Bé Hiền My cũng là một trong những thiên thần bé nhỏ. Đôi mắt to tròn, hàng mi cong vút mà chứa đựng nhiều nỗi buồn. Quê bé ở huyện An Lão. Bố bé nghiện, bị AIDS, chết đúng mùng 4 Tết. Khi gia đình đang làm tang ma thì sáng mùng 5 mẹ bé cũng chết theo. Mẹ bé lây AIDS từ bố và cũng đã ở giai đoạn cuối.

 

Ông bà quá già, đi làm thuê làm mướn mà không nuôi nổi cháu, cứ vứt vạ vật. Các mẹ ở trung tâm nghe tin về nỗi khổ của cháu thì tìm về tận nơi. Bà cháu vái như tế sao, xin các mẹ cứu giúp. Ở quê nhà, người ta kỳ thị, khiến cháu sống trong tủi hờn. Bà cháu kể, hồi mẹ cháu còn sống, mang quần áo ra ao làng giặt, cả làng quây lại phản đối vì sợ con virus lây qua nước!

Cháu Vũ Văn Huy (quê ở thị trấn Minh Đức) còn kể với tôi rằng, từ ngày cháu bị AIDS, cả làng cách ly khỏi cháu luôn. Cháu sang hàng xóm chơi, bác hàng xóm cầm dao dí vào cổ quát: “Từ nay trở đi, mày mà sang đây tao giết”. Đến tuổi đi học, bà dẫn đi, trường buộc phải nhận, nhưng cô giáo bắt ngồi một mình một bàn. Bị phụ huynh phản đối quá, nhà trường cấp cho bộ sách rồi bảo bà dự dạy cháu.

Các bé được học chữ trước khi vào lớp 1. 
Chăm chú học bài. 

Cháu nào, cảnh nào cũng đầy nước mắt tủi phận. Nhỏ nhất là cháu Thùy, mới 2,5 tuổi, vừa được các mẹ đưa về 2 tháng nay. Mẹ đẻ ra cháu, biết cháu cũng nhiễm AIDS từ mẹ, nên mẹ trốn bệnh viện bỏ cháu lại. Bà nội xót nên mang cháu về nuôi. Rồi bố chết, mẹ chết, ông nội thì chết từ lâu rồi.

Hàng ngày, bà đi nhặt phế liệu từ sáng đến đêm. Bà gom phế liệu vứt đầy căn nhà nhỏ xíu, bỏ mặc cô cháu bò lổm ngổm trên đống rác nghịch bẩn. Hôm các mẹ ở trung tâm đến nhà, nhìn thấy cháu, nước mắt cứ ứa ra. Cháu bé tí tẹo, lở loét, ngồi nghịch rác, bẩn thỉu kinh khủng. Cháu đã bị viêm phổi nặng, biểu hiện của sự suy giảm miễn dịch trầm trọng. Được các mẹ chăm sóc, thuốc thang suốt 2 tháng nay, cháu đã khá hơn nhiều.

Mát-xa cho con. 

Hàng ngày, các mẹ ở trung tâm chỉ có mỗi việc chăm sóc các cháu. Các mẹ thay nhau chăm sóc các cháu 24/24. Mỗi cháu mỗi ngày uống cả đống thuốc, giờ uống thuốc đều đặn và chính xác từng phút. Đến giờ đi học, các mẹ có nhiệm vụ đưa các cháu lớn đến trường tiểu học cách trung tâm vài trăm mét. Tan học, các mẹ lại chờ ở cổng để đưa các cháu về. Những cháu dưới 6 tuổi thì được các mẹ dạy tại trung tâm.

Bữa ăn của các mẹ có thể rau đậu, nhưng các cháu thì phải đầy đủ dưỡng chất mới đảm bảo sức khỏe, chống được bệnh tật. Nhìn bữa trưa của các cháu với bát cơm to tướng, đầy ú ụ thịt, rau, mà lòng tôi thấy ấm lại.
Các mẹ có thể ăn rau, ăn đậu, nhưng các con phải đầy đủ dưỡng chất. 

Trung thu sắp đến, các cháu sẽ có quà từ một số đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm ở thành phố. Các mẹ ở trung tâm tất bật chuẩn bị cho đêm đón trung thu của các cháu ý nghĩa nhất. Các cháu say mê tập múa hát từ sáng sớm đến tối, cả bài hát tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Mẹ Liên bảo: “Các con chỉ sống được qua vài mùa trung thu nữa thôi, nên muốn các con có được những đêm trung thu thật ý nghĩa”. Mẹ nói, mà nước mắt cứ chực trào ra.








Phạm Ngọc Dương


Bình luận
vtcnews.vn