Chuyện hai thợ rắn liều mạng bắt rắn hổ chúa ‘khủng’ ở Gia Lâm

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 20/12/2013 07:01:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù bị bắt, nhưng con rắn lớn vẫn rất lành, không nổi giận, tấn công, tìm cách thoát thân.

(VTC News) - Mặc dù bị bắt, nhưng con rắn lớn vẫn rất lành, không nổi giận, tấn công, tìm cách thoát thân.

Kỳ 3: Cái chết đau lòng của thợ rắn

Nghĩ cặp rắn hổ chúa lớn sống ở bụi duối trên nền ngôi chùa cổ, gọi là chùa Tân, ở xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội), là rắn thiêng, nên anh Nguyễn Văn Tuấn ra sức bảo vệ, ngăn chặn nhiều thợ rắn có ý định bắt cặp rắn này.

Hầu hết thợ rắn đã nghe lời anh, không dám bắt cặp rắn này, thậm chí có thợ rắn đã bỏ chạy khi thấy cặp rắn hổ chúa quá lớn, hình thù có nhiều điểm kỳ dị.

Thế nhưng, với hai thợ rắn không sợ trời, không sợ đất ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), thì anh Tuấn không thể can ngăn được. Câu chuyện đau lòng và có phần kỳ bí, kinh hãi này, nhớ lại, anh Tuấn vẫn còn rợn cả người.

hổ chúa
Cặp rắn trú ngụ trong bụi duối giữa vườn cam của anh Tuấn 

Một ngày đầu tháng 10 âm lịch, năm 2011, mới 6 giờ sáng, khi anh Tuấn vừa thức dậy, thì thấy hai người đàn ông, độ ngoài 30 tuổi, đi trên hai xe máy dừng ở đầu nghĩa địa. Mỗi người cầm một cái thuổng, xách theo một chiếc lồng sắt, với túi vải để sẵn bên trong.

Hai thợ rắn lúi húi ở nghĩa địa một lát thì ghé vào túp lều nhà anh Tuấn xin chén trà nóng, ngồi nói chuyện về rắn rết.

Anh Tuấn không nói gì về hai con rắn khổng lồ ở bụi duối, thế nhưng, một thợ rắn bảo: “Em đang định qua phà Khuyến Lương, sang bên kia sông bắt rắn thì nhìn thấy bụi duối này. Giữa cánh đồng rộng mà có bụi cây thì dễ có rắn trú ngụ.

Tụi em đi một vòng trong nghĩa địa thì thấy ở đây có dấu vết hai con rắn to lắm. Nhìn vết bò là em biết hổ chúa rồi. Hôm nay chắc bọn em phải đào bới cả ngày mới bắt được nó…”.

hổ chúa
Hai con rắn thường bò vào nghĩa địa Kim Lan phơi nắng 

Nghe hai thợ rắn nói thế, anh Tuấn nổi da gà. Anh nhớ lại: “Tôi kể lể rất chi tiết về cặp rắn, nói đó là “rắn thần”, không thể giết hại được nó. Tuy nhiên, những lời can ngăn của tôi chẳng thủng được lỗ tai hai tay thợ rắn này.

Hai cậu bắt rắn còn bảo tôi rằng, chúng nó đi bắt rắn hơn 10 năm, toàn tóm rắn ở đình chùa, vì ở đình chùa đổ nát người ta không dám bắt mới có rắn to trú ngụ, mà chẳng việc gì. Tôi càng khuyên giải, họ càng cười cợt cho tôi là gan bé, mê tín dị đoan vớ vẩn, nên tôi không biết phải nói thêm thế nào nữa, mà tôi cũng không có quyền gì để can ngăn họ. Cặp rắn ấy có phải tôi nuôi đâu mà cấm được họ bắt”.

Uống nước và rít mấy điếu thuốc lào xong, hai thợ rắn đi về phía bụi duối đào bới. Cứ độ nửa tiếng, anh Tuấn lại tạm dừng công việc, đến bụi duối xem hai thợ rắn đào bới. Khu vực đó có 2 cây duối to, một cây nhỏ hơn, cùng một số cây dại mọc um tùm.

Hai thợ rắn phát cỏ, làm lộ những miệng hang, rồi cứ thế hì hục đào. Hang rắn nhẵn thín, chỉ to cỡ bắp chân. Hang rắn không ăn sâu xuống lòng đất, mà chạy ngang mặt đất. Chỗ nông chỉ cỡ gang tay, chỗ sâu chưa đến nửa mét.

hổ chúa
Cỏ cây rậm rạp dưới gốc duối cạnh nghĩa địa là nơi trú ngụ lý tưởng của rắn 

Thợ rắn vừa đào vừa nói với anh Tuấn rằng, trong hang chắc chắn có hai con rắn đang trú ngụ. Họ không giải thích vì sao họ chắc chắn như thế, nhưng anh biết rằng, kinh nghiệm bắt rắn cả chục năm, họ đều có bí quyết riêng.

Thợ rắn đào đến khoảng 11 giờ trưa, vòng từ cây duối lớn nhất, qua gốc cây giữa, đến cây phía tây thì dừng lại. Lúc đó, anh Tuấn cũng có mặt. Một người cầm đuôi con rắn kéo ra từ lòng đất.

Con rắn dài tới 2,5 mét được lôi ra ngoài. Thợ rắn một tay cầm đuôi, một tay nắm vào giữa thân nó. Mặc dù bị bắt, nhưng con rắn lớn vẫn rất lành, không nổi giận, tấn công, tìm cách thoát thân.

Anh ta lôi tuột con rắn này ra vườn cam của anh Tuấn, thợ kia tiếp tục đào hang, tìm con tiếp theo. Tuy nhiên, anh này đào được vài nhát thuổng thì kêu đã hết hang, không tìm thấy con rắn còn lại đâu nữa.

Cả hai thợ cùng rất ngạc nhiên khi chỉ bắt được một con. Bản thân anh Tuấn cũng thấy kỳ lạ, bởi hai con rắn này luôn ở bên nhau suốt bao năm qua.

hổ chúa
Anh Tuấn chỉ nơi hai thợ rắn ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) bắt được một con rắn hổ chúa 

Hình ảnh con rắn mà hai thợ rắn bắt được vẫn còn in đậm trong tâm trí của anh Tuấn. Thợ rắn khẳng định chắc chắn đó là rắn hổ chúa. Con rắn có những khoanh màu đen nhạt, da mốc thếch thể hiện nó đã sống rất nhiều năm.

Cũng theo lời kể của anh Tuấn, điều kỳ lạ là trên đầu nó có miếng thịt nhú lên, như mào con gà sít (mào mới nhú).

Hai thợ rắn cũng bày tỏ sự ngạc nhiên, rằng con rắn này quá hiền lành, chả khác gì rắn nước. Rắn hổ chúa là loài cực kỳ hung dữ, nếu gặp nguy hiểm, nó sẽ tấn công quyết liệt.

Với con rắn to thế này, nó giết trâu mộng chỉ bằng một cú đớp. Nếu con người bị hổ chúa cắn, chỉ độ chục phút sau là tắt thở.

Anh Tuấn kể: “Tôi lấy đủ lý lẽ để nói, đề nghị hai ông thợ rắn thả con rắn về bụi duối, nhưng hai ông ấy còn nổi cáu với tôi, bảo là mất công đào bắt cả buổi sáng, chẳng có thằng thợ rắn dở hơi nào lại đem thả ra.

Hai gã thợ rắn ấy nhốt con rắn vào bao vải, cho vào trong lồng sắt, rồi nổ máy đi mất. Tôi cũng không hỏi tên, chỉ nghe hai ông ấy nói ngoài 30 tuổi, nhà ở cách bệnh viện huyện Văn Giang 3km”.

hổ chúa
Hình ảnh con hổ chúa bò từ bụi duối ra vườn cam của anh Tuấn. (Ảnh do anh Tuấn chụp bằng điện thoại) 

Đúng một tuần sau, vừa ăn cơm trưa xong, anh Tuấn phóng xe máy ra vườn cam, thấy chiếc xe tải nhỏ chở đầy vàng mã đỗ chắn đường vào nghĩa địa.

Ông Vũ Thế Khanh: “Chuyện đồn đại thần linh biến thành rắn là nhảm nhí. Đấy toàn là chuyện hoang đường, không có thật. Ở nước ta, khắp nơi nảy nòi ra chuyện thờ cúng những con rắn lạ, rồi thần rắn nhập vào người sống, là biểu hiện của mê tín dị đoan. Những chuyện đó toàn tào lao, bịa đặt. Việc anh thợ bắt rắn bị chết chỉ là ngẫu nhiên mà thôi. Mỗi ngày, khắp đất nước có vô số người chết đột tử, chết tai nạn, chứ chẳng có thánh thần nào quở phạt. Đổ cho thánh thần hại người, là xúc phạm thánh thần ghê gớm”.  
Đang chưa hiểu có chuyện gì lạ lùng, thì gặp ngay ông thợ rắn hôm trước. Thợ rắn này hốc hác mặt mũi, kể với anh Tuấn: “Hôm đó anh can mãi mà bọn em không nghe, nên mới ra nông nỗi này. Thằng bạn em vừa chết hai hôm nay anh ạ”.


Theo lời kể của anh này, sau khi bắt được “ông rắn” ở bụi duối cánh đồng Kim Lan, hai thợ rắn đem về nhà cân thử, thì được ngót 7kg. Mấy lái rắn đến trả 10 triệu đồng, nhưng hai thợ rắn không bán, đòi 20 triệu.

Vài hôm sau thì một chủ nhà hàng ở Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội) gọi điện bảo đã có người ăn, nên gọi anh bạn mang rắn đến. Anh kia chở con rắn đến Lệ Mật, giao cho chủ nhà hàng vào lúc 11 giờ trưa.

Giao xong rắn, về đến nhà là 12 giờ. Anh này rửa ráy tay chân, mặt mũi, vừa chuẩn bị ngồi vào mâm cơm, thì đột ngột gục xuống, hộc máu mồm chết luôn lại chỗ. Bác sĩ đến xem xét thì kết luận là do nhồi máu cơ tim.

Cái chết của anh thợ rắn dấy lên lời đồn, rồi gia đình sợ quá, nghe lời thầy cúng, làm cả con rắn khổng lồ bằng vàng mã, chở đến bụi duối cạnh nghĩa địa xã Kim Lan để hóa. Gia đình này cúng 3 ngày liền, rồi không thấy quay lại nữa.

Điều kỳ lạ là, sau khi một con rắn bị bắt, anh Tuấn không bao giờ gặp con rắn còn lại nữa. Khu vực nghĩa địa thi thoảng vẫn xuất hiện rắn, nhưng chỉ có những con rắn trên dưới 1kg.

Từ sau vụ đó, người dân quanh vùng cũng đồn đại ầm ĩ, và đặc biệt sợ hãi bụi duối, không dám bén mảng đến nữa. Bụi duối cạnh nghĩa địa và nền móng ngôi chùa Tân càng trở nên huyền bí.

Phong Đặng

Bình luận
vtcnews.vn