Chuyên gia Việt Nam: 'Singapore hạn chế dân chủ, nhưng phù hợp'

Thời sựThứ Tư, 25/03/2015 11:51:00 +07:00

Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á đánh giá ông Lý Quang Diệu là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại ở Châu Á và trên thế giới trong thế kỷ 20 và 21.

(VTC News) – Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á đánh giá, Singapore mang dấu ấn ông Lý Quang Diệu có hạn chế dân chủ nhưng phù hợp với hoàn cảnh của đất nước này.

Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu qua đời ngày 23/3 ở tuổi 91 sau thời gian dài điều trị viêm phổi. Trong suốt thời gian điều hành đất nước, ông đã đưa Singrapore từ một nước nhỏ, nghèo tài nguyên thiên nhiên thành đất nước lớn mạnh, được mệnh danh là "con rồng Châu Á".

PV VTC News phỏng vấn PGS.TSKH Trần Khánh, Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á để có những đánh giá toàn diện hơn về sự đóng góp của ông Diệu cho sự phát triển của Singapore.


Lý Quang Diệu
Ông Lý Quang Diệu được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất Chấu Á và thế giới  
- Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã vận dụng triết lý nào để có một đất nước Singapore phát triển thịnh vượng như ngày hôm nay, thưa ông?

Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đề ra chiến lược phát triển quốc gia dựa vào chính thực tiễn điều kiện của đất nước Singapore, dựa trên sự am hiểu tường tận về yếu tố địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa của khu vực.

Ông Lý Quang Diệu thể hiện tư tưởng nếu muốn địa vị quốc gia được củng cố thì kinh tế phải phát triển. Ở đó, người dân phải có công ăn việc làm, đất nước phải có sức cạnh tranh cao.

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã hiểu rõ Singapore là một đất nước nhỏ bé nên muốn phát triển phải đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với môi trường quốc tế.

Vì vậy, chính sách giáo dục cũng phải có sự thay đổi trong từng giai đoạn cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Ông Lý Quang Diệu cũng cho rằng, đất nước muốn phát triển thịnh vượng phải có sự công bằng. Công bằng ngay chính trong việc phân phối thành quả lao động. Thành quả của sự phát triển ấy phải được phân phối một cách tương đối công bằng đến với người dân.

Tư tưởng này của ông Lý Quang Diệu đã khuyến khích người dân vươn lên bằng lao động sáng tạo, khuyến khích mọi thành phần kinh tế vươn lên cạnh tranh lành mạnh.

PGS Trần Khánh
 PGS.TSKH Trần Khánh, Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á (Ảnh: Phạm Thịnh)
- Singapore là một đất nước có diện tích nhỏ trong khi xung quanh là những quốc gia rất lớn. Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã giải quyết mâu thuẫn này như thế nào, thưa ông?


Ông Lý Quang Diệu cho rằng muốn giải quyết mâu thuẫn này, Singapore phải hội nhập một cách toàn diện vào hệ thống toàn cầu.

Ông Lý Quang Diệu đã nhìn thấy được vị trí địa chiến lược của đất nước mình để từ đó nâng lên trở thành sức cạnh tranh. Singapore đã sử dụng nhân tố quốc tế để trở thành động lực phát triển đất nước.

Kinh nghiệm này rất phù hợp với một nước có diện tích nhỏ bé như Singapore.

- Để có sự được phát triển ổn định, triết lý về trị nước của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu có gì đặc biệt?

Ông Lý Quang Diệu cho rằng cần phải có sự kết hợp giữa pháp trị và đức trị trong việc lãnh đạo đất nước.

Lãnh đạo đất nước trước hết phải bằng pháp luật. Tức là phải xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện và đồng bộ. Trong một nhà nước pháp quyền, con người thượng tôn pháp luật để chống lại mặt trái của kinh tế thị trường và sự ích kỷ của cá nhân.

Bên cạnh đó, ông Diệu cũng sử dụng biện pháp đức trị. Đó là sự gương mẫu của người lãnh đạo. Trong mọi hoạt động, người lãnh đạo phải luôn gương mẫu đi đầu.

Bản thân ông Lý Quang Diệu kết hợp hài hòa hai điều này. Ông đã tiếp thu giá trị văn hóa phương Đông kết hợp văn hóa phương Tây một cách hiệu quả.

Lý Quang Diệu - Hành trình từ cậu bé tới Thủ tướng Singapore



Nguồn: Straits Times

- Tuy nhiên, tư tưởng trị nước của ông Lý Quang Diệu không hẳn đã nhận được sự đồng tình của tất cả mọi người?

Cũng có ý kiến của một số nhà nghiên cứu ở nước Phương Tây cho rằng Singapore hạn chế dân chủ nhưng tôi cho rằng điều đó là phù hợp với hoàn cảnh của đất nước này.

Ở một đất nước có 90% người châu Á, trong đó có tới 80% người gốc Hoa, ở một quốc gia có diện tích nhỏ, ảnh hưởng lớn của văn hóa Á Đông thì ông Lý Quang Diệu đã kết hợp tinh hoa của phương Đông và Phương Tây.


 

Ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore từ một nước nghèo nàn thành một đất nước giàu có, uy tín. Công dân Singapore hiện nay khi đi ra ngoài thế giới được nể trọng.
 
Ông Lý Quang Diệu là một con người đầy bản lĩnh. Ông dám đấu tranh vì lý tưởng của mình. Khi thiết kế chính sách, ông căn cứ vào điều kiện thực tiễn để đưa ra chứ không áp dụng một cách máy móc.


Ông là người có bản lĩnh, lập trường vững vàng. Ông đã từng phải chịu sức ép rất lớn nhưng kiên định nên đã có được thành công. Ông là người gương mẫu trong hành động, lời nói, và cả trong đời tư nên được người dân rất tin tưởng.

Ông cũng coi lãnh đạo là một nghiệp. Cái nghiệp đó phải đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên hàng đầu. Lý thuyết thì ai cũng biết nhưng quan trọng là thực tế.

- Điều gì đã làm nên thành công của Đảng Hành động Nhân dân Singapore do Lý Quang Diệu sáng lập từ năm 1959 đến nay?

Đảng Hành động Nhân dân Singapore có người đứng đầu Đảng cũng là đứng đầu cơ quan hành pháp. Chính sách của Đảng được thể hiện qua chính sách của nhà nước chứ không có sự phân biệt rõ đâu là Đảng, đâu là nhà nước.

Đường lối của Đảng được thể hiện trong chính sách của nhà nước. Người cầm quyền vừa đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu bộ máy hành pháp.


Người đứng đầu gương mẫu và họ làm theo đúng chức năng được giao.

Lý Quang Diệu
Ông Lý Quang Diệu qua đời sáng 23/3 
- Tổng thống Mỹ Obama từng nhận xét ông Lý Quang Diệu “là một trong những nhân vật huyền thoại của châu Á trong các thế kỷ 20 và 21”. Ông thấy thế nào?


Tôi nghĩ là ông Lý Quang Diệu là lãnh tụ vĩ đại ở Châu Á trong các thế kỷ 20 và 21. Ông là người có ảnh hưởng tương đối sâu rộng ở trong khu vực và thế giới. Ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore từ một nước nghèo nàn thành một đất nước giàu có, uy tín. Công dân Singapore hiện nay khi đi ra ngoài thế giới được nể trọng.

Thành công ông Lý Quang Diệu để lại là kinh nghiệm cho nhiều nước. Những phát biểu của ông có tầm lan tỏa, được nhiều nhà khoa học, chính trị trên thế giới đánh giá cao.

Ông Lý Quang Diệu là vừa người thành công trong thực tiễn vừa có lý luận sắc bén. Triết lý của ông không xa rời hiện thực, đóng góp cho sự phát triển thế giới. Tôi cho rằng, điều đó là đóng góp vĩ đại của Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu là người đấu tranh có trách nhiệm với hòa bình của khu vực và thế giới. Ông cũng là một trong những người sáng lập ra tổ chức ASEAN, là người có nhiệt tâm với đoàn kết khu vực. Ông luôn có tư tưởng đấu tranh cho hòa bình của khu vực và thế giới.

- Tình cảm của ông Lý Quang Diệu dành cho lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cũng rất đặc biệt?

Khi ông Lý Quang Diệu còn nắm quyền lãnh đạo đất nước, ông luôn ủng hộ Việt Nam ra nhập ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế.

Ông cũng là người ủng hộ doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam đưa nước này trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Ông cũng đã nhiều lần tới thăm và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông mong muốn kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng hơn vào thị trường quốc tế. Những mong muốn đó rất chân thành mà không phải lãnh tụ nào cũng làm được việc đó.

Video: Người dân Singapore tiếc thương ông Lý Quang Diệu

Nguồn: Straits Times

- Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ việc đầu tư cho giáo dục, thu  hút nhân tài trong tư tưởng của Lý Quang Diệu?

Ông Lý Quang Diệu hiểu rằng Singapore là một đất nước nhỏ, người đông, duy chỉ có vị trí tốt. Nếu vị trí tốt mà không có con người thì không làm được gì.

Vì vậy, ông Lý Quang Diệu đã chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra những công dân có kỹ năng làm việc ở bất cứ đâu.

Những công dân Singapore phải thành thạo nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Trong giai đoạn đầu, ông Lý Quang Diệu cũng kêu gọi các nước tư bản đầu tư giáo dục tại đất nước này.

Từ một nước phụ thuộc vào giáo dục của Anh Quốc, Singapore trở thành trung tâm của giáo dục của khu vực và thế giới. Giáo dục của họ tiếp thu tinh hoa của giáo dục Âu Mỹ, có sự cạnh cạnh tranh, phù hợp với kinh tế thị trường.

Người tài ở đâu cũng có thể nhập cư vào Singapore. Các trường đại học, viện nghiên cứu thu hút đông chuyên gia giỏi làm việc. Nhân tài không chỉ ở trong kinh tế, khoa học và cả lãnh đạo với chế độ đãi ngộ lớn.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn