Chuyên gia Việt Nam: Ghép đầu người không hoang đường nhưng quá khó khăn

Sức khỏeThứ Năm, 14/01/2016 07:52:00 +07:00

PGS – TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc BV Việt Đức cho rằng, ca ghép đầu người vào năm 2017 không phải chuyện hoang đường nhưng sẽ rất khó khăn

(VTC News) – PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc BV Việt Đức cho rằng, ca ghép đầu người vào năm 2017 không phải chuyện hoang đường nhưng sẽ rất khó khăn và thành công ở mức độ thấp.

Chia sẻ với VTC News về ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới dự kiến diễn ra vào năm 2017, Anh hùng lao động - Thầy thuốc nhân dân - PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc BV Việt Đức, chuyên gia đầu ngành trong ghép tạng khẳng định: “Đây không hề là chuyện hoang đường. Nhưng tôi nghĩ ca này thành công ở mức độ thấp và rất khó khăn vì hiện nay, mổ nối tủy sống gần như trên thế giới chưa đâu làm được”.

 AHLĐ-TTND-PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc BV Việt Đức, chuyên gia đầu ngành trong ghép tạng
Cũng theo PGS Quyết, nối tủy sống vẫn được tiến hành nối nhưng nối để có chức năng thì không dễ dàng gì.

"Tách tủy sống ra ở dưới sẽ liệt nên theo tôi tiến trình này có thể thành công nhưng còn cần thời gian lâu dài, vì nền khoa học nói chung và nền y học nói riêng chưa hiểu đến tận ngọn ngành thấu đáo chức năng của hệ thần kinh. Xử lý ca này khá khó khăn.

Tôi lấy ví  dụ như ghép gan, tim, thận thì chúng tôi hiểu rõ chức năng của gan, tim, thận. Vì nối mạch máu đơn giản, cái khác cũng đơn giản hơn nhưng nối thần kinh thì không như vậy. Nó không đơn thuần về ngoại khoa mà phải hiểu sâu về thần kinh", PGS Quyết nói.

Trong ca ghép đầu người theo dự kiến thực hiện tại Trung Quốc năm 2017, các bác sĩ thực hiện cho biết sẽ cần một con dao đặc biệt và 'thành phần ma thuật' giúp gắn kết đầu với thân. Ekip đang chờ hoàn thiện ‘con dao mổ’ đặc biệt.

Sergio Canavero, nhà giải phẫu học thần kinh Italy tuyên bố có thể thực hiện ca cấy ghép đầu ngườinăm 2017.
Nói về “con dao đặc biệt để mổ”, PGS Quyết vẫn khẳng định không thể nói điều gì xảy ra vì nhân loại chưa hiểu hết ngọn ngành về thần kinh.

Và việc nghiên cứu, nối đầu chuột của một trong những bác sỹ tham gia ca mổ sẽ là cơ sở để các bác sỹ dựa vào đó đưa ra phương án tối ưu. Từ đó, tiến hành ghép đầu người. Nhưng vị chuyên gia này đã phải thực nghiệm trên chuột 1.000 con mới được 1 con,  và ghép trên người thì khác hoàn toàn.

Clip 3D mô phỏng chi tiết quá trình cấy ghép đầu người


PGS Quyết bày tỏ, nhiều bác sỹ Việt Nam từng học ở nước ngoài nên hoàn toàn có thể học được cách ghép, nhưng ông Quyết không khỏi có một số băn khoăn. Ông nói: "Việt Nam sẵn sàng có bác sỹ ngoại khoa và thần kinh để đi học nhưng xin nói là thế giới ghép thận năm 1952, ghép gan từ năm 1963 nhưng Việt Nam ghép thận 1992, và mới đây 2004 mới ghép  gan. Do đó, cũng không phải đơn giản để tiến hành.

Thế giới thành công, Việt Nam có bác sỹ sẵn sàng học nhưng để Việt Nam ghép thành công còn phải lâu dài".

Trước đó, PGS – TS Trịnh Hồng Sơn- Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng cho biết, sau ca ghép đầu người đầu tiên vào năm 2017, Việt Nam sẽ sẵn sàng mời các chuyên gia chuyển giao kỹ thuật này.

Thông tin thêm về kỹ thuật ghép đầu người đang chuẩn bị trên thế giới, ông Trịnh Hồng Sơn cho biết, ê kíp dự kiến đã được chuẩn bị và đào tạo kỹ gồm 150 người, thời gian ca phẫu thuật dự kiến trong 2 ngày.

Clip: Ca cấy ghép đầu người chấn động giới y khoa


Hiện tại, kỹ thuật ghép đầu đã được thực hiện thử nghiệm trên khoảng 1.000 con chuột, sau khi được cấy ghép đầu những con chuột này có thể thở, nhìn thấy và uống nước nhưng chỉ sống được vài phút.

Nguyễn Tâm
Bình luận
vtcnews.vn