Truyền thông ‘giết chết’ vận động viên và nhiều sự thật về Triều Tiên thế nào?

Thể thaoChủ Nhật, 17/09/2017 07:26:00 +07:00

Nhiều thông tin đến từ các cơ quan truyền thông, thậm chí cả các cơ quan truyền thông rất lớn, dường như đang phản ánh sai sự thật về tình hình Triều Tiên và trong số đó có cả lĩnh vực thể thao của Triều Tiên.

Một trong số những tin đồn mà truyền thông quốc tế tạo dựng về Triều Tiên là việc vận động viên Triều Tiên bị xử tử nếu chỉ đạt được kết quả tồi khi thi đấu. Branislav Moro, huấn luyện viên người Serbia từng dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ của Triều Tiên từ năm 2015 đến năm 2016 đã bác bỏ hoàn toàn điều này.

Vị huấn luyện viên này đã được gặp riêng chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và nhận xét rằng ông Kim Jong-un là một người rất thân thiện. “Tôi có thể nói với bạn rằng ông ấy là người rất dễ chịu và có học thức, ông ấy dành 8 năm để học tại Thụy Sĩ và tôi nghĩ rằng ông ấy biết điều gì là tốt và điều gì là xấu”, huấn luyện viên Moro cho biết.

1057446941 - bong chuyen trieu tien - 01 - Hui Pom-ri

 Hui Pom-ri, vận động viên đội tuyển bóng chuyền nữ Triều Tiên trong trận đấu với đội tuyển Ba Lan tại thành phố Kazan, 2017. (Ảnh: Sputnik)

Huấn luyện viên Branislav Moro nhận định rằng Triều Tiên là quốc gia được tổ chức tốt và có thể đương đầu với mọi thách thức, do đó người dân Triều Tiên không hề thiếu ăn dù cho những lệnh cấm vận đang ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của đất nước này.

Trong khi đó, theo ông Moro, truyền thông thường có cái nhìn thiếu thiện cảm về Triều Tiên, thậm chí đưa những thông tin sai lệch hoàn toàn so với thực tế. Ông đưa ra một ví dụ, đó là tin đồn cho rằng vận động viên Triều Tiên bị xử tử vì kết quả không tốt khi tham gia những giải đấu quốc tế.

1057447535- bong chuyen trieu tien - 02

 Người Triều Tiên mặc đồ bơi và chơi bóng chuyền tại công viên nước Munsu, ngày 1/12/2015. (Ảnh: AP)

“Ví dụ, khi tôi ngồi cạnh một trong những vận động viên ‘đã bị xử tử’ và tôi cảm thấy cực kỳ xấu hổ khi nói với anh ấy rằng anh ấy được cho là đã chết. Tôi còn dùng điện thoại để lên mạng và xác nhận về danh tính của anh ấy. Rốt cục, có quá ít thông tin trung thực về anh ấy ở trên mạng”, ông nói.

Nhà báo và chuyên gia Viễn Đông Borislav Korkodelovic cũng đồng ý với quan điểm của Moro về việc truyền thông nước ngoài thường đưa tin sai sự thật về Triều Tiên. Ông Korkodelovic nhấn mạnh rằng các cơ quan truyền thông quốc tế thường thiếu khách quan khi đưa tin về những cải cách do chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện.

Video: Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ đội tuyển bóng đá Triều Tiên

“Ông ấy tập trung vào phát triển vũ khí hạt nhân nhưng ông ấy cũng thực hiện cải cách kinh tế, và thị trưởng trở nên có tính mở hơn. Tháng 11/2016, tôi gặp những người Triều Tiên đào tẩu và họ không thích Kim Jong-un, nhưng ngay cả họ cũng khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã có những cửa hàng hiện đại với nhiều hàng hóa. Khoảng 90% hàng hóa tại đó được nhập từ Trung Quốc”, ông Korkodelovic giải thích.

Nhà báo Korkodelovic cũng cho biết dù điều kiện tại Bình Nhưỡng tốt hơn hẳn so với vùng nông thôn, nhưng thực tế là GDP năm 2016 của TrIều Tiên tăng 3,9% so với năm 2015.

BKCD109 - AP 3

Bên trong một cửa hàng tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. (Ảnh: AP)

“Họ vẫn đang tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của mình, trong khuôn khổ những gì lệnh cấm vận không cấm – đó là sự thật. Cần lưu ý rằng dù cho những lệnh cấm vận khắc nghiệt có hiệu lực từ năm 2006, thì người ta vẫn có thể khẳng định rằng thực tế phương Tây đã cấm vận Triều Tiên từ năm 1945, mọi người đã quá quen với điều này”, ông Korkodelovic nói.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị Aleksandar Pavic lập luận rằng Bình Nhưỡng không hề khiến cho tình hình tại bán đảo Triều Tiên trở nên bất ổn, không như cách mà Mỹ muốn để có lý do duy trì sự hiện diện quân sự tại khu vực.

Ông Pavic cũng nhấn mạnh thêm rằng sau Thế chiến II, Triều Tiên cũng bị chia cắt như Đức. Tuy nhiên, ông Pavic nhận định rằng không thể thống nhất hai miền Triều Tiên theo cách mà người Đức thực hiện để thống nhất đất nước mình bởi giữa hai quốc gia này có rất nhiều điểm khác biệt căn bản.

north-korea-nuke-backpacks-1 4

Quân nhân Triều Tiên duyệt binh cùng "ba lô hạt nhân".

Theo chuyên gia Pavic, trong thời kỳ chia cắt, tại nước Đức chưa bao giờ xảy ra bất cứ một cuộc chiến tranh nào tương tự như bán đảo Triều Tiên, cũng như trong thời kỳ tồn tại của mình, Đông Đức không hề bị cô lập như Triều Tiên hiện nay.

“Triều Tiên là một trường hợp đặc biệt... Việc thống nhất trở nên bất khả thi chừng nào những tuyên bố hiện tại vẫn được duy trì và các bên tiếp tục tham gia những cuộc tập trận quy mô lớn”, ông Pavic nhận định.

Chuyên gia này cũng nhận định rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình chừng nào những cuộc tập trận như tế vẫn được tiếp tục thực hiện. Điều này ngăn chặn hoàn toàn hy vọng đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên tương tự thỏa thuận với Iran và nhóm P5+1.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn