Chuyên gia tội phạm học lý giải vì sao thảm sát nhiều người trong gia đình tăng đột biến?

Thời sựThứ Ba, 27/09/2016 17:15:00 +07:00

Chuyên gia tội phạm học cho biết, tất cả các đối tượng tội phạm nói chung chúng đều có một nỗi sợ hãi là bị phát hiện, bị bắt giữ và sợ bị xử lý trừng trị bởi pháp luật.

Nhìn một số vụ thảm án xảy ra tại Lào Cai, Yên Bái, Bình Phước, Nghệ An... và gần đây là Quảng Ninh, hầu hết nạn nhân bị sát hại thường là tất cả thành viên trong một gia đình.

Sẽ còn bao nhiêu ngôi nhà đang tiềm ẩn nguy cơ bất an như vậy? Tại sao các đối tượng ra tay lại vô cùng tàn ác? Làm thế nào để tránh và xử lý các tình huống khi chính bản thân mình gặp phải?

PV VTC News đã phỏng vấn Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học của Bộ Công An liên quan đến những vụ án mạng đau lòng, liên tiếp này.

1

Ngôi nhà của 4 nạn nhân bị sát hại ở Quảng Ninh

- Thời gian gần đây, những trường hợp mà kẻ thủ ác đến ngay ngôi nhà của nạn nhân và ra tay rất tàn bạo không phải là hiếm và đã có xu hướng gia tăng. Ông có thế nói rõ hơn về tâm lý của những kẻ tội phạm này?

Điều đầu tiên phải khẳng định những kẻ đột nhập bị hấp dẫn về tài sản. Mục tiêu chúng nghĩ đến là đột nhập vào để chiếm đoạt tài sản. Có thể ban đầu chúng không nghĩ đến việc tước đoạt sinh mạng của người khác, cái mà chúng quan tâm là tiền chứ không phải là sinh mạng của mình.

Tuy nhiên, trong tâm lý tội phạm, tất cả các đối tượng tội phạm nói chung chúng đều có một nỗi sợ hãi là bị phát hiện, bị bắt giữ và sợ bị xử lý trừng trị bởi pháp luật.

Nếu trong quá trình trộm đột nhập vào nhà mà chủ nhà không biết cách ứng xử, bằng những hành động mang tính bản năng hô hét, tri hô, lao vào ôm giữ thì vô hình chung kích hoạt nỗi sợ hãi trong chúng. Theo khả năng tự vệ dẫn dắt, chúng sẽ chống trả bằng mọi cách để chạy thoát, để đem được đồ đi. Trong quá trình chống trả, đấy chính là quá trình án mạng xảy ra.

- Trong trường hợp vụ án 4 bà cháu bị sát hại ở Quảng Ninh, khi những người yếu thế rơi vào tình huống nguy hiểm, họ phải làm gì để thoát hiểm?

Khi phân tích các vụ án chúng tôi thường dựa trên các tình huống khác nhau, nhưng có thể kể ra 4 tình huống cơ bản như:

Thứ nhất, trường hợp mình đang ở trong nhà (đặc biệt là vùng nông thôn, đất đai rất rộng), phát hiện ra ngoài sân, ngoài vườn có những tiếng động lạ, nghĩ đến chuyện có trộm đột nhập vào trong khuôn viên nhà mình, nhưng chưa vào nhà thì tôi tư vấn là tốt nhất không nên ra ngoài.

Cách tốt nhất lúc đó là hãy bật điện và có thể gọi điện cho công an, hoặc không gọi thật thì giả vờ gọi cũng được. Khi đối tượng ngại va chạm với chủ nhà vì sợ bị bắt, ta hãy lợi dụng ngay yếu tố tâm lý đó. Khi chúng thấy chủ nhà đã thức dậy, đã gọi điện báo công an kiểu gì chúng cũng tìm cách trốn đi.

13244735_976356372460712_7263906472455449929_n

Trung tá Đào Trung Hiếu (áo xanh) - chuyên gia tội phạm học của Bộ Công An 

Thứ 2, trong trường hợp đối tượng đã vào trong nhà rồi nhưng chưa động đến mình. Phát hiện nó đang lục lọi trong một cái phòng có cửa đóng chẳng hạn, trong nhà có trẻ con, có người già, không có khả năng tự vệ thì cách ứng xử khôn ngoan nhất là hãy giả vờ như không biết.

Hãy ra hiệu cho các thành viên trong gia đình im lặng. Nếu lúc đó chỉ cần có động thái tri hô, xông vào bắt

 
Ta phải nhớ rằng, trong mọi tình huống, điều ưu tiên số 1 là mạng sống.

Trung tá Đào Trung Hiếu

giữ nó là kích hoạt nỗi sợ bên trong, chúng lập tức ra tay chống trả ngay. Ta phải nhớ rằng, trong mọi tình huống, điều ưu tiên số 1 là mạng sống.

Nếu có thể, hãy di chuyển người nhà sang một phòng nào đó, đóng cửa lại, bật điện rồi gọi cho công an. Phía đối tượng không thể vào phòng được vì cửa đã đóng và đồng thời đã gọi công an thì chúng sẽ sợ và bỏ chạy.

Thứ 3, khi trộm đã đến bên và cầm giao khống chế, yêu cầu đưa tài sản, lúc đó là cướp rồi không phải trộm nữa thì phản ứng khôn ngoan nhất là chấp hành mọi yêu cầu của đối tượng. Không nên chống trả, nếu chúng yêu cầu đưa chìa khóa, đưa tiền, đưa vàng thì tốt nhất hãy ngoan ngoãn làm theo để giữ lấy mạng sống của mình.

Trong quá trình tiếp xúc với đối tượng, khi chúng thấy mình ngoan ngoãn chấp hành, không tỏ ra là mình đang quan sát để nhớ mặt chúng thì đối tượng nó không tập trung đến mình nữa. Đó là cơ hội để mình bỏ chạy ra những nơi an toàn.

Nếu như người biết rõ, có thể nhân cơ hội đó tấn công, đánh lại. Tình huống đánh lại phải xem xét tương quan lực lượng. Nếu 1-1 thì được chứ có 2 đối tượng trở đi thì mình không nên chống trả.

Thứ 4, theo tài liệu điều tra, đối với những tình huống cướp quen thì thường chúng sẽ tiêu diệt chủ nhà. Vì chúng biết, nếu như không tiêu diệt chủ nhà thì hành vi phạm tội của nó bị bại lộ. Do đó, với tình huống cướp quen vào nhà thì ta không ngoan ngoãn chấp hành nữa mà hãy tìm ngay những thứ, những vật dụng để có thể tự vệ ngay vì chúng sẽ tước đoạt sinh mạng của mình vì chắc chắn là như vậy.

- Những vụ án gần đây thường xảy ra ở các nơi ít dân cư, khu vực nông thôn, miền núi. Liệu đây có phải là mục tiêu lý tưởng của những loại tội phạm này?

Đúng là tình trạng người nông thôn ra thành phố hoặc đi xuất khẩu lao động bây giờ khá phổ biến. Đi làm xa và gửi tiền của về nhà xây những ngôi nhà rất lớn. Các tội phạm đột nhập nó cũng nhằm vào các gia đình có tiền. Biện pháp đầu tiên để phòng ngừa những trường hợp như vậy là phải kín cổng cao tường, rào dậu cho chặt.

860e67502201206a86b7c21c042ce1b9

 Phải cảnh giác trong mọi trường hợp tránh trộm đột nhập vào nhà. Ảnh minh họa

Hệ thống cửa nội bộ trong gia đình là phải kiên cố, đặc biệt là cửa tầng tum, cửa sổ phải gia cố cẩn thận. Cửa chính phải lắp đặt hệ thống khóa chống trộm và nếu như có thể lắp các thiết bị chống trộm, những loại khóa chống cắt. Trước khi đi ngủ, các gia đình cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cửa. Đặc biệt, lưu ý các cửa trên tầng thượng, những chỗ mà đối tượng thường xuyên đột nhập qua đường đó để vào.

Những gia đình gần những cây cột điện, những trụ cây xanh thì phải làm những hàng lưới rào để đối tượng trèo vào như vụ Lê Văn Luyện (Bắc Giang). Trong gia đình nên chuẩn bị sẵn những dụng cụ, đồ vật để khi cần có thể dùng làm vũ khí phòng thân.

Trong mỗi gia đình nên có cửa an toàn, để khi xảy ra những sự cố trong đêm ta đưa những người không có khả năng tự vệ trong đó để khóa lại thì sẽ ngăn cách được với bên ngoài, bảo vệ người ta trong cái phạm vi an toàn. Các gia đình cũng nên đặt ra các tình huống đột nhập có thể xảy ra để tính toán trước giải pháp xử lý tình huống. Tránh việc xảy ra rồi mới luống cuống, bối rối không biết xử lý như thế nào.

Tôi còn một lời khuyên cuối cùng là, không nên khoe giàu, khoe của, đặc biệt là những người hay khoe đồ, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội... Đấy là sự mời gọi đạo tặc nó đến nhà, nên tránh những việc phô trương về tài sản.

- Xin cảm ơn ông!

Video: Thảm sát chấn động Quảng Ninh: Rợn người lời khai của kẻ sát nhân

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn