Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Ánh Viên không thất bại, Hoàng Xuân Vinh làm điều kỳ diệu

Thể thaoThứ Bảy, 13/08/2016 10:02:00 +07:00

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, những gì mà Ánh Viên đã thể hiện tại Olympic Rio 2016 không phải là một sự thất bại.

“Olympic Rio 2016 là giải đấu thất bại của tôi. Tôi sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong tương lai để không lập lại thất bại tương tự. Tôi xin lỗi tất cả mọi người vì đã làm không tốt”, Nguyễn Thị Ánh Viên rớm nước mắt chia sẻ sau khi kết thúc phần thi ở vòng loại 200m hỗn hợp tối 8/8.

Anh-Vien

 

Tuy nhiên với chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT thì những gì mà Ánh Viên đã thể hiện không phải là một sự thất bại.

Ông Minh phân tích: “Việc đầu tư cho Ánh Viên không phải là đấu trường Olympic. Đấu trường chính chúng ta hướng tới vẫn là ASIAD 2018.

Olympic với Ánh Viên còn 1 khoảng cách xa. Đòi hỏi Ánh Viên có huy chương điều không thể. Mục tiêu của Ánh Viên là lọt vào chung kết nội dung 400m hỗn hợp. Tiếc là cô thiếu 0.31 giây so với người cuối cùng vào chung kết.

Ánh Viên là một chứng minh rõ nét cho việc ngành thể thao tập trung đầu tư những năm qua là có hiệu quả và phản ánh đúng quy luật tìm kiếm được 1 trẻ em tài năng, tập trung đưa tới những trung tâm tốt để huấn luyện và thành tích lên cao.

Chúng ta nên nhớ, chỉ trong 4 năm mà Ánh Viên đứng đầu Đông Nam Á, có HCĐ ASIAD, Huy chương Cup thế giới và bây giờ tiếp cận được những người vào chung kết Olympic tlà điều hết sức đáng khen ngợi.

Với một VĐV trẻ như Ánh Viên để đạt kiện tướng quốc tế cần phải mất từ 8 đến10 năm. Nên việc Ánh Viên lần này thi đấu không như chúng ta mong đợi, tôi cho không có nghĩa là thất bại”.

Theo chuyên gia từng nhiều năm là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự các kỳ SEA Games, ASIAD thì thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại Rio 2016 chính là cử tạ.

“Chúng ta có 2 VĐV ưu tú là Thạch Kim Tuấn (hạng 56kg) và Vương Thị Huyền (hạng 48kg) tham gia tranh tài ở Olympic với hy vọng giành huy chương. Cơ sở của hy vọng này là họ hiện đứng trong top đầu thế giới ở nội dung mà họ thi đấu. Thế nhưng cả 2 đã thi đấu không thành công, thậm chí dưới sức.

Chúng ta phải chấp nhận sự thật này như lời ông Vũ Đình Kháng, lãnh đội cử tạ đã nói: “Đây là một thất bại kinh hoàng”.

Nguyên nhân chắc chắn sẽ được phân tích kỹ nhưng qua quá trình thi đấu mọi người cũng đã thấy có những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm” – Ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

Kim-Tuan

 

Cuối cùng, nhắc tới nhân vật được xem là người hùng của thể thao Việt Nam tại Rio 2016 và là nhân vật xuất sắc nhất lịch sử các kỳ dự Thế vận hội của thể thao nước nhà từ trước đến nay – xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh dùng hai chữ: “Kỳ diệu”.

"Chúng ta rất vui mừng với những gì mà anh Hoàng Xuân Vinh đã làm được tại Olympic lần này. Nó hết sức kỳ diệu.

Tấm HCV và HCB môn bắn súng của Hoàng Xuân Vinh có ý nghĩa ở điểm sau:

Thứ nhất: bản chất của thể thao thành tích cao là quá trình tuyển chọn trẻ em có tài năng, tổ chức huấn luyện trong hệ thống nhiều năm để biến những trẻ em có tài năng đó thành những VĐV ưu tú.

Những gì anh Hoành Xuân Vinh vừa làm được khẳng định, trẻ em Việt Nam, thanh niên Việt Nam, VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với VĐV của các nước khác ở đấu trường lớn nhất, khó khăn nhất.

Thứ hai : Theo thống kê, các kỳ Olympic gần đây luôn có trên 200 quốc gia tham dự. Nhưng chỉ có trên dưới 70 quốc gia giành được huy chương từ HCĐ trở lên. Riêng HCV, con số này chỉ vào khoảng 35 đến 45 hoặc 48 quốc gia. Điều đó càng cho thấy giá trị của những tấm huy chương mà anh Vinh giành được.

Đây là thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam trong 36 năm tham dự Olympic, hay kể cả trước đó lãnh thổ Việt Nam dự Olympic Helsinki từ 1952.

Xuan-Vinh

 

Thứ ba: Ngay sau khi kỳ ASIAD Quảng Châu 2010 không thành công, tiếp đến là những thất bại tại Olympic London 2012 rồi SEA Games 2013 ở Myanmar, chúng ta đã có những chuyển hướng quan trọng về định hướng phát triển thể thao thành tích cao. Bằng chứng cho sự thay đổi rõ nét ấy là thành tích nổi bật của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 ở Singapore với những môn Olympic.

Sau SEA Games 28, chúng ta tiếp tục đầu tư có trọng điểm với khoảng 50 VĐV cho chiến dịch Olympic. Do điều kiện cơ sở vật chất còn kém nên chúng ta tập trung đưa các VĐV ra nước ngoài tập huấn, thi đấu và chúng ta đã có kết quả hơn cả mong đợi" - Ông Minh phân tích.

Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn