Chuyên gia giải mã 'quái thú' xuất hiện ở Vĩnh Phúc

Thời sựThứ Sáu, 06/03/2015 07:06:00 +07:00

PGS.TS Hà Đình Đức đã cung cấp thông tin về con vật lạ được phát hiện tại Vĩnh Phúc đang gây xôn xao dư luận.

(VTC News) - PGS.TS Hà Đình Đức đã cung cấp thông tin về con vật lạ được phát hiện tại Vĩnh Phúc đang gây xôn xao dư luận.  

Mấy ngày gần đây, một người dân tại Vĩnh Phúc được cho là đã bắt được một con vật lạ có màu xám tro, da trơn, đầu dẹp, có 4 chân… Khi hình ảnh con vật này được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý rất lớn của cộng đồng.

Nhiều người không biết đây là con vật gì nên đã đặt tên cho nó những cái tên như: “Cá trê tiến hóa thành khủng long”, “thằn lằn ngoài vũ trụ”, “thạch sùng phiên bản vũ trụ” hay thậm chí là "quái thú"…. Tuy nhiên, có người lại cho rằng đây là loài kỳ nhông (hay kỳ giông) khổng lồ ở Nhật Bản, không có phân bố tại Việt Nam.

 Con vật là được phát hiện tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Internet

Sau khi quan sát, PGS.TS Hà Đình Đức đã chia sẻ với PV VTC News những nhận định về con vật có hình thù lạ nói trên.

Video: Bí mật về những quái thú trong các bộ phim Hollywood


Theo nhận định của PGS.TS Hà Đình Đức, đây là con vật thuộc bộ lưỡng cư giống như ếch nhái, thường có thể gọi là con sa giông, có khi người ta gọi là cá cóc (vì có hình dạng giống ếch nhái, cóc, nhưng sống dưới nước). 

Loài này thường được phát hiện sống ở vùng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Ngoài ra, chúng từng được phát hiện ở vùng núi Tân Sơn, Phú Thọ.

 
 Theo PGS.TS Hà Đình Đức thì đây là con cá cóc. Ảnh: Internet

"Tuy nhiên, cá cóc được phát hiện trước đây ở nước ta chỉ to bằng ngón chân cái. Cá cóc có kích thước, trọng lượng lớn như vừa phát hiện tại Vĩnh Phúc nói trên là rất lạ, chưa từng thấy", ông Đức nói.

- Vậy theo ông, tại sao con cá cóc này lại có kích thước và trọng lượng lớn khác thường như vậy?

Nếu nói đó là điều bất thường thì cũng không đúng. Bởi ở một số nước trên thế giới, điển hình là Nhật Bản thì loài này còn có thể có con dài tới 1,5 -1,8m. 

 

Nếu nói đó là điều bất thường thì cũng không đúng,bởi ở một số nước trên thế giới, điển hình là Nhật Bản thì loài này còn có thể có con dài tới 1,5 -1,8m.

PGS.TS Hà Đình Đức
 
- Nhiều người nói rằng, con vật phát hiện tại Vĩnh Phúc là loài kỳ nhông, hay kỳ giông chỉ sống ở Nhật Bản, không có tại Việt Nam. Theo ông nhận định này có đúng không?

Cá cóc là loài thuộc bộ lưỡng cư có đuôi, sống dưới nước, cụ thể là tại các vùng núi cao, nơi có nước chảy và nhiệt độ thấp. Trong khi đó, kỳ giông, kỳ nhông, hay còn gọi là con nhông là loài sống trên cạn. Hiện nay, một số người dân ở miền Nam nước ta vẫn nuôi để lấy thịt. Không phải loài này chỉ có ở Nhật Bản.

- Vậy loài cá cóc có giá trị như thế nào?

Sa giông, hay cá cóc không có giá trị kinh tế mà chỉ có giá trị khoa học. Bởi loài này rất hiếm, số lượng ít hơn rất nhiều so với ếch nhái. 

- Thịt của cá cóc có sử dụng để ăn được hay không?

Loài này không có độc, nhưng tôi chưa thấy ai ăn thịt chúng cả.

- Ông có thể cho biết thêm một số đặc điểm đặc trưng của cá cóc?

Hình thức sinh sản của cá cóc rất đặc biệt. Chúng không giao phối như các loài động vật khác. Khi tới mùa sinh sản (mùa mưa), con đực sẽ tiết ra những túi tinh. Con cái sẽ sử dụng một huyệt, tức bộ phận sinh dục để làm rách những túi tinh đó rồi thụ tinh. Sau đó con cái đẻ trứng. Trứng cá cóc bám trên rong rêu rồi dần dần nở ra cá cóc con.

- Xin cảm ơn ông! 

Minh Quyết (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn