Chuyên gia cảnh báo về thảm họa giẫm đạp tại VN

Thời sựThứ Tư, 24/11/2010 08:00:00 +07:00

(VTC News) - Tiến sĩ XHH Trịnh Hòa Bình cho rằng rủi ro tiềm ẩn khi tham gia các lễ hội cộng đồng là khá cao.

(VTC News) – “Thảm họa tại Campuchia cũng giống như một tiếng chuông cảnh báo, nếu Việt Nam không cẩn thận thì nguy cơ sẽ để ngỏ”, Tiến sĩ tâm lý Trịnh Hòa Bình nhận định về rủi ro thảm họa giẫm đạp có thể xảy ra tại Việt Nam.

Trao đổi với VTC News, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nói: "Chia buồn sâu sắc với nước bạn Campuchia, nhưng điều này cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa tới tính mạng con người khi tham gia những lễ hội lớn trong một không gian chật trội là cụ thể và hiện hữu.

Rủi ro tiềm ẩn trong các lễ hội cộng đồng cần được đánh giá đúng mực

Việt Nam chưa xảy ra vụ việc nào với thiệt hại tương tự nước bạn, nhưng cũng có nhiều điểm có thể khiến mọi người giật mình. Một năm nước ta có rất nhiều lễ hội.

Tại thủ đô Hà Nội mỗi khi tới dịp Tết dương lịch, Tết trung thu, 8/3… hoặc những sự kiện truyền thông quy mô lớn như Giờ Trái Đất, Lễ hội hoa… là lại chật kín người; Tết âm lịch thì có đỡ hơn do nhiều người ngoại tỉnh trở về quê, tuy nhiên vẫn có những thời điểm chen chúc như khoảnh khắc bắn pháo hoa lúc giao thừa chẳng hạn.
    
Một số người lớn lại cho trẻ con đi cùng, nhiều đứa bé khóc thét và đa số chúng sau đó sẽ được những người bố khỏe mạnh cho ngồi lên đầu, cả trẻ em và người lớn đều toát mồ hôi. Nếu chẳng may, những đứa trẻ rời tay khỏi cha mẹ chúng thì chỉ còn nước là nhờ tới công an như sự kiện bắn pháo hoa bế mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long vừa rồi.

Rủi ro cao trong lễ hội cộng đồng


Đánh giá về rủi ro tiềm ẩn trong lễ hội tương tự như ở Campuchia, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình (Viện Xã Hội Học) nóí: “xét về mặt logic thì có rủi ro, ứng xử của người dân trong quá trình tham gia sinh hoạt văn hóa lễ hội rất kém, chen chúc, thiếu ý thức cộng đồng, thiếu sự nhường nhịn… ”.

Trang Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Khieu Kanharith của Campuchia cho biết, có nguồn tin cho rằng nguyên nhân ban đầu của sự việc là một nhóm thanh niên đã nói đùa rằng chiếc cầu nơi mọi người đứng tham gia lễ hội nước tại Phnom Penh sắp bị sập dẫn đến mọi người bắt đầu hoảng loạn và tìm đường chạy thoát, giẫm đạp lên nhau.

Hàng chục bạn trẻ bị ngất trong sự kiện truyền thông MTV Exit

Về điều này, Tiến sĩ Bình nói: tâm lý hoảng loạn theo đám đông và hành vi thiếu ý thức (nói đùa gây hỗn loạn) như vậy có thể xảy ra ở một trình độ tổ chức xã hội còn chưa cao, năng lực ứng xử với hoàn cảnh thấp. Tuy nhiên, trong một xã hội hiện đại thì rủi ro cũng không phải là nhỏ.

Gần đây, lễ hội nhạc nhảy Love Parade tại thành phố Duisburg (Đức) vào ngày 23/7/2010 đã biến thành một thảm họa khi những người tổ chức không tính toán được lượng người sẽ tham gia lễ hội, đường vào quá tải, mọi người bị dồn vào các bức tường và 21 người đã thiệt mạng, hơn 500 người bị thương.

Một trong những quốc gia gặp nhiều thảm kịch lễ hội nhất là Ả-rập Xê-út, 1.426 người thiệt mạng trong thảm họa xô đẩy tại đường hầm Al-Ma'aisim vào lễ Eid al-Adha diễn ra trong ngày 2/7/1990, thảm họa diễn trong trong dịp lễ hành hương Hajj của người Hồi giáo vào các năm 1994, 2004, 2006 gây thiệt mạng tổng cộng 636 người… Trung Quốc, Ấn Độ cũng có hàng trăm người chết trong thảm họa vì xô đẩy diễn ra trong lễ hội.

Dịp Đại lễ vừa qua tại Hà Nội, may mà sự việc đã không tồi tệ hơn khi vụ nổ pháo hoa gây chết người xảy ra trước khi hàng chục nghìn người chen kín đường tới tham gia xem trình diễn pháo hoa nghệ thuật mừng đại lễ.

Hàng nghìn người dân chen chúc nhau khi tham gia lễ hội tại khu vực hồ Gươm

Mặc dù chúng ta không mong đợi, nhưng có những vấn đề phải tính đến: “thảm họa tại Campuchia cũng giống như một tiếng chuông cảnh báo, nếu chúng ta không cẩn thận thì nguy cơ sẽ để ngỏ”, tiến sĩ Bình nói thêm: “trong các dịp lễ hội văn hóa, các cơ quan tổ chức phải tính đến nhiều tính huống và các phương án xử lý khác nhau”.

Nhiều người dân thủ đô được hỏi đã cho biết rằng, một trong những phương án họ lựa chọn khi có lễ hội tại Hà Nội là… ở nhà, hoặc đi đâu đó ngoài Hà Nội.

Khi tham gia các chuyến bay, tiếp viên hàng không luôn hướng dẫn trước cho hành khách cách xử lý tình huống khi xảy ra sự cố. Thế nhưng, đưa ra cảnh báo và hướng dẫn xử lý là một điều hiếm thấy tại các lễ hội, một phần vì người phương Đông thường kiêng kị nói tới những điều rủi ro.

Về văn hóa lễ hội cũng như ứng xử khi tham gia lễ hội thì Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng, gắn liền với nền văn minh lúa nước, Việt Nam và Campuchia có nhiều nét tương đồng.

Để tăng khả năng sống sót khi bị kẹt trong một đám đông bắt đầu hỗn loạn vì một sự cố nào đó, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

- Bình tĩnh để xem xét thông tin về sự cố đang xảy ra (sự chính xác của thông tin, loại sự cố: cháy, nổ, sập công trình...)

- Trong những phút đầu tiên, tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông. Khả năng bạn bị kẹt lại trong đám đông lớn hơn rất nhiều so với cơ hội thoát ra được khi có cùng lúc nhiều người chạy về một hướng.

- Quan sát xung quanh tìm những vị trí bạn đã định vị sẵn (như tòa nhà, công viên... hay cửa thoát hiểm gần nhất) và tìm cách di chuyển về hướng đã định vị.

- Quan sát xung quanh để tìm những nhân viên cứu hộ, cứu nạn hoặc những người tham gia sự kiện mà họ biết nhiều thông tin hơn bạn. Thông thường, trong đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì rất ít người chú ý xung quanh. Họ thường chỉ nhìn về hướng phía trước nơi họ sẽ chạy đến. Có rất nhiều người biết hướng thoát nạn tốt nhất nhưng không ai nghe họ trong những trường hợp như vậy. Cũng có khi những người này đang ở vị trí cao hơn bạn (trên cây, bờ tường…) và từ vị trí này họ quan sát tốt hơn và xa hơn. Hãy cố gắng nhìn họ và theo chỉ dẫn của họ.

- Hãy tìm cách liên lạc với người thân và yêu cầu cung cấp thêm thông tin nếu họ đang ở một vị trí khác.

- Lưu ý những hậu quả của sự cố trực tiếp (khói, khí độc từ vụ hỏa hoạn). Bạn hãy quan sát hướng bay lên của khói để xác định hướng đi cho mình.
(Theo bác sĩ Quản Hồng Đức - công ty TNHH Dòng Kẻ)

Bài và ảnh:Dung Nguyễn




Bình luận
vtcnews.vn