Chuyện ghi ở ngôi trường 'đặc biệt' không có giáo viên nữ

Giáo dụcThứ Năm, 30/01/2014 03:32:00 +07:00

Ngôi trường trên Cao Sơn, xã Lũng Cao, “biệt khu” của huyện Bá Thước (Thanh Hóa) là nơi đặc biệt không có giáo viên nữ.

  • “Cõng” chữ vượt núi

Cao Sơn là tên gọi chung của 3 bản vùng cao: Son, Bá, Mười thuộc xã Lũng Cao. Đây được coi như “biệt khu” của huyện Bá Thước (Thanh Hóa). 

Trước kia, muốn lên được Cao Sơn, không còn cách nào khác là phải chơi trò mạo hiểm “leo núi không dây”. Để vượt qua được đỉnh Phà Hé cũng phải mất gần nửa ngày trời lăn lộn  với quãng đường mòn, dốc đá dựng đứng gần 10km. 

Để lên được Cao Sơn phải vượt qua nhiều chặng đường núi khoảng 10km

Sau 3 tiếng hành quân gấp gáp , Son, Bá Mười đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Bản làng thoáng ẩn, thoáng hiện với lác đác những nếp nhà sàn lưng nương, khuất sau những trảng rừng cao vút. Vẻ đẹp bình dị của Cao Sơn vẫn còn hiện hữu trên những con nương mới được khai phá, những khoảnh ruộng bậc thang còn in màu đất mới.

Cao Sơn bình lặng nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, nơi đó có một ngôi trường “đặc biệt”- Ngôi trường không có giáo viên nữ.  

Cao Sơn bình lặng
Năm  2008, trường phổ thông Cao Sơn chính thức được thành lập. Hiện tại nhà trường có 89 học sinh theo học ở 2 cấp (1 và 2).
Trước đây để tìm được con chữ, đa phần học sinh phải theo học tại điểm trường gần nhất bên tỉnh Hòa Bình. Cũng chính vì khoảng cách địa lý và hoàn cảnh gia đình, nhiều học sinh đã phải bỏ học giữa chừng.

Thời điểm thành lập trường, 18 giáo viên nam với sức trẻ và nhiệt huyết đến từ các huyện khác nhau (Thọ Xuân, Vĩnh Lộc…) đã nhận lệnh điều động để lên công tác trên Cao Sơn. Ngày đó, hầu hết họ đang trong độ tuổi đôi mươi. 

Là người có nhiều năm công tác tại đây từ khi trường phổ thông Cao Sơn vẫn còn là khu lẻ, phòng học lợp bằng tranh tre nứa lá...thầy Trịnh Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường bồi hồi nhớ lại:
“Năm đó, khi mới ra trường, chúng tôi nhận được sự điều động của cấp trên lên vùng Cao Sơn công tác. Lên tới nơi mới biết, trên này khó khăn lắm! trình độ dân trí bà con còn thấp, đường đi thì chưa có, cơ sở vật chất trường học thì thiếu thốn không kể hết.
Lúc đó một số anh em trẻ như tôi cũng đôi lúc có phần nản trí...Nhưng rồi ở lâu thành quen, càng ở với bà con dân bản càng thêm yêu mảnh đất này”.
Trường phổ thông Cao Sơn nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển
Phần đa học sinh theo học tại trường phổ thông Cao Sơn chủ yếu là con em dân tộc Thái. Đối với trẻ vùng cao, do điều kiện khó khăn, nhiều khi thấy các em đến trường học vất vả, người thầy cũng không cầm được lòng.
“ Vào thời điểm đang còn học nhà tạm, nhìn các em nhỏ đi chân đất hàng cây số trong cái lạnh buốt của sương giá mà không cầm được lòng. Có những hôm mưa gió, các thầy trong trường phải đến từng gia đình học sinh để đón các em tới trường học.
Rồi khi đến trường cả thầy cả trò đều ướt sũng. Những lúc đó chỉ còn cách mang củi đốt để giữ ấm cho nhau, đồng thời động viên các em tiếp tục theo học”, thầy Dũng nhớ lại.
Nhưng khó khăn nhất đối với giáo viên vùng cao vẫn là đường xá đi lại. Để cõng con chữ lên tới vùng sơn cước, nhiều thầy giáo phải vượt bộ hàng chục cây số đường đồi núi để  đến trường:
“nói là đường cho hay thôi chứ thật ra muốn đi được đến trường thì gửi xe để đi bộ. Con đường duy nhất là men theo lối mòn khoảng 10km mà dân bản thường dùng để đi chợ dưới xuôi mới đến được trường học”, thầy Dũng tâm sự
Đối với các thầy giáo trẻ mới lên bản công tác, việc phải ngủ lại trong rừng vì chưa quen đường cũng là chuyện thường xuyên xảy ra.
Nhưng lâu rồi thành quen, cũng chính trong những thời điểm khó khăn đó, những đôi chân thêm chai sạn vì vượt rừng băng núi.
Để đưa được con chữ đến với miền sơn cước Cao Sơn, nghĩa làm Thầy trở nên biết mấy thiêng liêng. Rồi cũng chính những đôi chân trần, ánh mắt hau háu hiện lên nỗi “thèm” chữ của trẻ em vùng cao đã trở thành động lực cho những người thầy tâm huyết gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay.

Bén duyên với Cao Sơn

Sống ở một “thế giới” mà ở đó con người được coi như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, những thầy giáo thực hiện “sứ mệnh” gieo chữ trên đỉnh Cao Sơn chỉ biết bầu bạn với những trang giáo án, học sinh và sự che chở giúp đỡ của người dân bản địa. 

Rồi ở lâu, cái duyên nghiệp nó vận vào thân, có lẽ vậy mà không ít thầy giáo đã cống hiến trọn đời mình trên mảnh đất Cao Sơn khắc nghiệt này. Những câu chuyện đời, chuyện nghề ở ngôi trường không giáo viên nữ đôi khi làm người ta chạnh lòng.

Những người thầy vẫn miệt mài gieo chữ trên đỉnh Cao Sơn
Thầy Trần Ngọc Hải (SN 1982, quê Vĩnh Lộc) đã gắn bó với Cao Sơn 12 năm Thời đó, khi còn là cậu sinh viên mới chân ướt chân ráo ra trường, anh Hải được điều động lên Cao Sơn trong cảnh thiếu thốn trăm bề:
“Lúc đầu trên này chưa có điện, anh em vất vả lắm! Soạn giáo án đều tranh thủ buổi sáng để làm. Sóng điện thoại lại không có, nhiều khi khi cứ  mỗi khi đêm xuống thì nhớ nhà lắm!
Cứ khi nào được nghỉ lại leo xuống núi lấy xe chạy về nhà thăm gia đình. Lâu dần thành quen, bây giờ leo núi chỉ mất có 45 phút là đến trường. Còn như người bình thường không quen đường có khi mất vài tiếng”.
Sau những giờ dạy trên lớp với, các thầy còn phải dành thời gian để tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn hàng ngày
Có những lúc khó khăn vất vả, họ cũng ít có cơ hội tâm sự với người ngoài. Cũng từ đó, nghị lực sống và cống hiến của những thầy giáo vùng cao đã khiến nhiều người khâm phục:“
Nhiều khi biết trên này khó khăn, vất vả là thế nhưng khi đã về đến quê nhà thì tuyệt đối không đưa chuyện cuộc sống và sinh hoạt nói với gia đình để họ phải lo.
Khó khăn thì anh em cũng phải cố vượt qua, khắc phục dần dần.  Sống ở đây thầy nào cũng như thế chứ có riêng mình ai đâu.
Nhiều khi anh em hay tếu và động viên nhau bằng câu sống ở trên này mà thầy nào cũng lấy được vợ hết là may lắm rồi chứ còn đòi hỏi thêm gì nữa”, Thầy Dũng, quê Thọ Xuân chia sẻ.
Sống với những người dân thật thà, chất phát, tình yêu thương gắn bó với bản làng cứ lớn dần trong họ (thầy giáo - PV). Hễ khi có chuyện ma chay, cưới hỏi, dựng nhà thì tất cả thầy giáo trong trường đều tham gia với tư cách người dân trong bản.
Cũng không biết từ bao giờ những anh giáo làng đã trở thành thành viên thân thuộc được những người dân bản yêu quý như người thân trong gia đình. 
Các thầy giáo tại trường Cao Sơn đều phải tự túc trong sinh hoạt hàng ngày
Sau những giờ dạy trên lớp với, các thầy còn phải dành thời gian để tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Nhìn vườn rau, xanh tràn sức sống, ít ai nghĩ rằng đó lại là thành quả và công sức do chính những người “nông dân” vẫn hàng ngày cầm phấn trên tay đứng trên bục giảng. 
Mặt khác, để phục vụ cho việc sinh hoạt ăn uống, các thầy giáo trong nhà trường thường xuyên thay phiên, cắt cử nhau đi chợ nấu ăn: “Thường thì cứ khoảng 2 ngày thì anh em thay phiên nhau đi chợ 1 ngày.
Nếu anh em nào tranh thủ hết tiết, ngày nghỉ thì về nhà lấy thêm đồ để cải thiện bữa ăn”, thầy Tâm, một giáo viên trong nhà trường cho biết.

Trong gian khổ, ý chí và nghị lực của những người thầy vẫn bừng sáng trên từng khuôn mặt, cử chỉ và lời nói. Giờ đây, những thầy giáo làng vẫn cần mẫn chèo đò, đưa học sinh cập bến tương lai.

Thầy giáo tranh thủ soạn giáo án khi trời còn sáng
Trao đổi với PV, Cô Lê Thị Hiền – Phó phòng giáo dục huyện Bá Thước cho biết: Được sự  hỗ trợ động viên và chia sẻ từ chính quyền địa phương, hiện nay trường phổ thông Cao Sơn đã xây dựng được 3 phòng nội trú dành cho giáo viên, 9 lớp học với 89 học sinh theo học.
Trong những năm qua, chất lượng giáo dục nhà trường không ngừng tăng lên. Cá biệt trong những năm gần đây đã có học sinh nhà trường đạt giải cao trong các kỳ thì tỉnh, huyện./.
Bình luận
vtcnews.vn