Chuyện đặc biệt ở thủ đô: Ngôi làng ăn tết thịt chó

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 02/03/2013 03:57:00 +07:00

Người dân đón tới… 2 cái tết trong tháng giêng. Và đặc biệt, cứ mỗi độ xuân sang, cả làng đều… ăn thịt chó.

Ở Yên Trường, người dân đón tới 2 cái tết trong tháng giêng. Và đặc biệt, cứ mỗi độ xuân sang, cả làng đều… ăn thịt chó.


Thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng giống như bao nhiêu ngôi làng khác đều đón Tết Nguyên đán như mọi miền ở nước ta.

Có điều lạ là ở nơi đây, người dân đón tới… 2 cái tết trong tháng giêng. Và đặc biệt, cứ mỗi độ xuân sang, cả làng đều… ăn thịt chó. Tục lệ này đã tồn tại hàng trăm năm nay, tạo nên một nét văn hóa riêng biệt ở vùng quê Yên Trường.

Ăn tết hai lần

Chúng tôi về thôn Yên Trường vào đúng dịp xuân mới, sắc hoa đào vẫn còn nở rộ, không khí tết vẫn chưa lắng xuống. Một ngôi làng nhỏ với 53 dòng họ, hơn 400 hộ dân suốt bao thế hệ qua vẫn luôn duy trì 2 phong tục kỳ lạ.

Năm nào cũng vậy, ngày 30 tháng giêng, ở đây có thêm một ngày tết gọi là “Tết cùng” và đã là đầu năm mới thì cả làng đều… ăn thịt chó. Từ lâu, 2 phong tục đó đã trở thành những điều không thể thiếu trong những ngày đầu xuân.

Nhờ sự giới thiệu của người dân trong làng, chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Văn Vân (62 tuổi). Ông Vân kể lại rằng, tục lệ này đã có từ rất lâu, tương truyền từ thời vua Tự Đức, khi bọn giặc Cờ Đen dạt vào miền Bắc nước ta gây nên họa thổ phỉ vào cuối thể kỷ 19.

Giặc Cờ Đen (hay còn gọi là Hắc Kỳ Quân) vốn là tàn quân của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc.

Mâm thịt chó đầu xuân ở thôn Yên Trường 
Sau khi khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc bị triều đình phong kiến Mãn Thanh đàn áp đẫm máu, nhiều toán nghĩa quân phải dạt vào miền Bắc nước ta. Khi giặc Cờ Đen vào đến thôn Yên Trường thì cũng đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Trong làng ai nấy đều sợ hãi. Để tránh bị giặc tàn sát và cướp bóc, dân làng đã rủ nhau ném tất cả đồ ăn tết của mình như bánh chưng, xôi, thịt… xuống những chiếc giếng ở trong làng.

Hôm sau, giặc kéo đi, người dân lại cùng nhau ra vớt những thứ đã vứt xuống giếng và ngạc nhiên khi thấy vẫn còn ăn được. Nghĩ là lộc trời ban nên sau đó cả làng quyết định tổ chức lại tết năm đó, rồi đặt tên là "Tết lại" hay "Tết cùng". "Tết cùng" diễn ra đúng vào ngày 30 tháng giêng âm lịch.

Ông Vân dẫn chúng tôi ra chiếc giếng cổ mọc đầy rêu và dương xỉ. Ông bảo: "Câu chuyện tôi được nghe cha mẹ kể lại từ thời còn bé, những chiếc giếng cổ của làng tôi đã có từ hàng trăm năm nay. Nó như một minh chứng rõ nét nhất cho ngày "Tết cùng" ở quê tôi. "Tết cùng" là cái tết to thứ hai trong tháng giêng ở làng chúng tôi".

Ngày "Tết cùng" ở thôn Yên Trường diễn ra hết sức long trọng. Nhà nhà làm cỗ, người người đi chơi, thăm hỏi lẫn nhau. Có thể về quy mô thì không bằng Tết Nguyên đán, tuy nhiên hầu như những thứ có trong ngày "Tết cùng" không khác mấy so với Tết Nguyên đán. Vẫn có rượu, thịt, bánh chưng xanh... Vẫn là không khí náo nức đón xuân đã in sâu trong tâm trí của mỗi người dân Yên Trường.

Xuân sang, cả làng… ăn thịt chó

Như bao ngôi làng khác, Yên Trường đón Tết Nguyên đán với đầy đủ tập tục, lễ nghi nhưng có một nét độc đáo mà không ở nơi nào có, đó là tục ăn thịt chó đầu xuân.

Thông thường, trong quan niệm của nhiều vùng đồng bằng Bắc bộ, người ta hay kiêng cữ một vài điều như: Kiêng cho xin lửa, kiêng quét nhà, kiêng nói những điều hàm ý xui xẻo... Đặc biệt, vào những ngày tết, hầu hết gia đình nào cũng kiêng ăn thịt chó, thịt vịt, cá mè...
Giếng cổ ở Yên Trường 
Sự kiêng kị đó nhằm tránh những điều đen đủi sẽ gặp phải trong suốt cả năm. Ấy thế mà ở thôn Yên Trường, ăn thịt chó lại trở thành “tục lệ” không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.

Ông Đỗ Xuân Hùng cho biết: “Là thế hệ con cháu, tôi cũng chỉ biết đó là tập tục do cha ông chúng tôi truyền lại. Cho đến tận ngày nay, 2 tục lệ tốt đẹp này vẫn được người dân chúng tôi duy trì và coi như một nét đẹp văn hóa của làng.

Ngày "Tết cùng" ở quê tôi hầu như không khác gì Tết Nguyên đán. Vẫn bánh chưng xanh, thịt, rượu đầy mâm, con cháu tụ họp đông đủ. Nếu có khác thì chỉ là thiếu cây đào, cây quất bởi ngày đó đào và quất đã tàn mất rồi”.
Được biết, những ngày đầu tháng hay ngày rằm, người dân thôn Yên Trường rất coi trọng việc kiêng ăn thịt chó. Họ cũng kiêng kị không khác gì ở các nơi khác.


Ông Đỗ Xuân Hùng, trưởng thôn Yên Trường, cho chúng tôi biết: “Thường thì ngày rằm và mùng 1 đầu tháng, đến 90% người dân quê tôi kiêng ăn thịt chó nhưng tết thì không. Riêng ngày mùng 4 tết hằng năm, người dân thôn tôi lại cùng nhau ăn thịt chó, đây là tập tục lâu đời của làng chúng tôi”.

Qua tìm hiểu tại địa phương, chúng tôi được biết phong tục ăn thịt chó này bắt nguồn từ xa xưa. Tương truyền, thế hệ những người đi trước ở làng Yên Trường rủ nhau đi Tết thanh minh và ăn thịt chó vào mùng 4 tháng giêng âm lịch. Ban đầu chỉ có một vài dòng họ trong thôn.

Sau đó, thấy các dòng họ đó đều ăn nên làm ra nên tất cả các dòng họ còn lại đều đi lễ thanh minh và ăn thịt chó vào ngày mùng 4 tết. Sau khi lễ thanh minh về, mọi người tập trung ở nhà trưởng họ hay nhà thờ họ để cùng nhau thưởng thức "cầy tơ 7 món".

Thế hệ này truyền cho thế hệ khác mà không một ai thắc mắc hay nghi ngờ. Để chuẩn bị cho ngày đặc biệt này, người dân nơi đây phải đặt hay chuẩn bị thịt chó từ nhiều ngày trước đó, bởi hầu hết vào ngày mùng 4 tết tất cả các cửa hàng thịt chó đều hết hàng.

Ông Hùng cho biết thêm: “Không biết ở đâu thế nào, chứ ở quê tôi nếu nói ăn thịt chó gặp vận đen thì không phải. Bao đời nay, dân làng tôi ăn thịt chó mà chả thấy… đen gì. Con cái chúng tôi vẫn khỏe mạnh, học hành thành đạt, kinh tế vẫn phất lên trông thấy.

Từ người già đến người trẻ, tất cả cùng ngồi vào mâm ăn cỗ, đông hơn cả đám cưới. Thịt chó được chế biến thành nhiều món, từ xào cho tới nấu. Trong mâm chỉ toàn thịt chó, trừ những ai không ăn được thịt chó thì mới ăn những thức ăn khác”.

TheoNông thôn ngày nay
Bình luận
vtcnews.vn