Chuyện của những “Héc-quyn” làm báo

Tổng hợpThứ Năm, 28/03/2013 10:48:00 +07:00

Nếu cuộc sống được ví như một bức tranh đa màu, những người “chép lại” nên bức tranh đó cũng nên được vinh danh như những nghệ sĩ đích thực.

Nếu cuộc sống được ví như một bức tranh đa màu, những người “chép lại” nên bức tranh đó cũng nên được vinh danh như những nghệ sĩ đích thực. Hàng ngày, hàng giờ, không quản vất vả, đội quân “thợ chép tranh” này vẫn cần mẫn trên các con đường, cập nhật đủ màu sắc cho bức tranh cuộc sống thêm phong phú. Họ chính là những phóng viên thời sự. Lao động trí óc nhưng lại cần thiết có một sức khỏe đủ đáp ứng yêu cầu của lao động chân tay, khỏe cả về trí lẫn lực, đó là những ấn tượng đầu tiên khi nhắc tới những “chú ong thợ” này.

 

Quay phim Trần Nam

Cuối năm 2012 vừa qua, trang CarreerCast.com vừa đưa ra danh sách 10 công việc áp lực nhất năm 2013 thông qua sự đánh giá mức độ gây stress của 200 việc làm khác nhau dựa trên các yếu tố như độ nguy hiểm, khả năng tăng trưởng, thời gian, di chuyển, điều kiện làm việc… Phóng viên là một trong những nghề dẫn đầu với mức độ stress lên tới gần 47%. Ðiều này cũng cho thấy phần nào về những con người dám đương đầu với thử thách khi lựa chọn nghề báo để xây dựng sự nghiệp.

Thể lực tốt, trí lực vững vàng, sự dẻo dai, năng động, sự nhạy cảm, tinh tường…, đó chỉ là một vài yếu tố cần đáp ứng cho công việc này. Phóng viên thời sự, có thể gọi là đội quân tinh anh nhất trong số những người làm báo. Họ vẫn được gọi bằng cái tên thân mật là những “Héc-quyn” làng báo, không chỉ bởi những tiêu chí có phần hơn người trong tiêu chuẩn chọn “đúng người đúng việc” mà còn bởi tinh thần dám đương đầu thử thách khi dấn thân vào môi trường khắc nghiệt như nghề báo!

Ðài truyền hình KTS VTC, giống như những đơn vị báo chí khác, cũng luôn sẵn sàng nhiều đội quân tinh anh như thế. Khoác lên mình chiếc máy quay, cây bút, những phóng viên thời sự rong ruổi khắp mọi nẻo đường, thường trực tại những điểm nóng nhất, cập nhật kịp thời thông tin về mọi sự kiện, tiêu điểm nóng diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống thực.

 Đặng Thùy Trang

Ăn thời sự, ngủ thời sự và bệnh nghề nghiệp

Trong số những cô gái “thép” nổi tiếng của ban thời sự, nhiều đồng nghiệp dành không ít sự nể trọng tới Ðặng Thùy Trang. Thùy Trang sinh năm 1982, tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, hiện đang là trưởng phòng tin chính trị, ban thời sự, kênh VTC1, là phóng viên chuyên trách Thủ tướng với hoạt động vô cùng năng nổ. Phóng viên chuyên trách Thủ tướng, từ trước đến giờ là “đặc quyền” của phóng viên nam. Trong lịch sử, rất ít báo đài có phóng viên nữ nhận nhiệm vụ này, cũng dễ hiểu vì đây là một công việc vất vả cả về thể xác lẫn tinh thần.

Lịch làm việc của Thủ tướng cũng rất đặc thù vì Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất nên mảng hoạt động cũng bao trùm nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội và tất cả các ngành, đòi hỏi phóng viên phải có kiến thức tổng hợp. Bên cạnh đó cũng cần kiến thức chi tiết vì mỗi ngành lại có những thuật ngữ chuyên ngành riêng cần thích nghi và tìm hiểu. Xác định ngay từ đầu rằng đây không phải chuyên ngành của mình nên mất mấy tháng đầu, Thùy Trang phải học cách viết bài, cách dự hội thảo, cách nghe các quyết định của Thủ tướng để về tổng hợp được thành tin.

Chính điều này đã giúp Trang có được kinh nghiệm để biết được rằng khi tiếp cận vấn đề mới thì cần phải xử lý như thế nào. Những ngày đầu tiên “đầu quân” về VTC, Thùy Trang đảm nhận vị trí biên dịch phim tài liệu quốc tế rồi sau đó là chương trình “Thế giới Mobile”. Nhận thấy đây là môi trường có thể phát huy được, Thùy Trang hết sức tự tin khi “khoác” lên mình chức danh phóng viên VTC mỗi lần tác nghiệp.

Khi chương trình “Việt Nam Online” bắt đầu lên sóng thì Thùy Trang chuyển sang chạy tin tức thời sự. Cho đến khi ban thời sự được thành lập, Thùy Trang cùng các anh chị em đồng nghiệp thuộc ban VTC5 cũng được chuyển về làm việc tại đây với công việc của các phóng viên thời sự. Ðược sự tín nhiệm của lãnh đạo Ðài, từ đầu năm 2012, Thùy Trang chính thức trở thành trưởng phòng tin chính trị, ban thời sự, kênh VTC1, làm công việc của một quản lý.

 Đặng Thùy Trang trong một lần tác nghiệp

Phóng viên chuyên trách Thủ tướng là từ chuyên dùng trong giới báo chí, chỉ những phóng viên chuyên đi theo đưa tin về các hoạt động của Thủ tướng trong các chuyến làm việc cả trong và ngoài nước. Ðây là một công việc khắc nghiệt, không có nhiều người có thể trụ vững lâu vì sự nặng nề và áp lực. Ðến nay, Trang đã có 2 năm rưỡi kinh nghiệm, công việc hiện nay quá vất vả nhưng vì việc thay đổi người vốn là tối kị trong nhiệm vụ của vị trí phóng viên chuyên trách Thủ tướng nên Thùy Trang vẫn cố gắng hết sức đảm nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ.

Trước khi nhận công việc của phóng viên chuyên trách Thủ tướng, Trang cũng từng có cơ hội tham dự nhiều chuyến công tác của Chủ tịch nước hay Tổng bí thư. Việc đi làm tin trong các hoạt động có sự tham gia của các lãnh đạo Ðảng và Nhà nước không còn xa lạ  với Thùy Trang nữa, nên khi nhận nhiệm vụ mới, Trang khá bình tĩnh.

Xác định công việc và nhiệm vụ của một phóng viên chuyên trách là phải đáp ứng đầy đủ thông tin các hoạt động của Thủ tướng, Thùy Trang vẫn hết sức cố gắng bằng nhiều cách để bao quát và tránh sót tin đến mức thấp nhất có thể, ngay cả đối với một số sự kiện bị ban tổ chức từ chối cho tác nghiệp. Ðối với phóng viên chuyên trách, khi tham dự một sự kiện không chỉ đơn giản là đưa tin mà còn phải xây dựng quan hệ bởi vì từ đó mới có được đầu mối cho những lần làm việc sau.

Vì đây là các lãnh đạo cấp cao nên thời gian làm việc đôi khi cũng rất đột xuất, có khi chỉ thông báo trước khi sự kiện diễn ra khoảng 1, 2 giờ đồng hồ. Nếu chỉ căn cứ vào lịch làm việc hàng tuần đều đặn nhận được, sẽ chỉ đáp ứng được một phần công việc. Cái khó của phóng viên là xây dựng mối quan hệ làm sao để khi có những lịch làm việc đó, sẽ lập tức có người gọi điện thoại thông báo kịp thời.

Nhắc đến bệnh nghề nghiệp, Trang cười hỉ hả và cho biết bệnh của mình là không ít. Là phóng viên truyền hình nên khi xem thời sự sẽ không xem như một khán giả, mà luôn tìm cách bắt lỗi, thậm chí mỗi lần đọc báo hay tivi, cô cũng đều chỉ chăm chăm đọc tin chính trị. “Ðến mức, chồng cũng phải quát lên rằng ở cơ quan làm việc chưa đủ hay sao mà về đến nhà còn xem nữa”, Trang vui vẻ.

Trần Nam là phóng viên theo dõi mảng tài chính - ngân hàng của phòng Kinh tế, kênh thời sự chính trị tổng hợp VTC1. Tốt nghiệp khoa Báo viết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ra trường, công việc phóng viên truyền hình đến với anh rất tự nhiên. Trần Nam có một niềm đam mê đặc biệt với kinh tế và nhạy cảm với các con số từ nhỏ nhưng lại yêu thích nghề báo. Biết rằng phóng viên kinh tế luôn đòi hỏi phải có một sự hiểu biết và kiến thức nhất định về lĩnh vực mình phụ trách, Trần Nam luôn xác định tự học là chính.

Nguyễn Tuấn Dương trong buổi PV nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Xây dựng nguồn tin là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ một phóng viên nào. Ðối với phóng viên kinh tế, việc này đôi khi còn là cả một sự tế nhị. Bởi nếu là những tin quảng bá, phóng viên chắc hẳn sẽ được chào đón nhiệt tình, nhưng tình thế sẽ bị đảo ngược trong trường hợp động tới những khó khăn trong nội tình của họ. Ngoài ra, sự chính xác cũng là yếu tố tạo áp lực cho phóng viên khi vào việc. Một thông tin không tốt và không chính xác về một ngân hàng, có thể gây ra hậu quả khó lường, dẫn tới sự sụp đổ của một hệ thống.

Khi ngành ngân hàng “chết” sẽ dẫn đến việc kéo theo tới 90% doanh nghiệp sụp đổ, 10% doanh nghiệp còn lại trước sau gì rồi cũng đi tong bởi không thể làm gì khi không còn người hợp tác, vắng bạn hàng… như vậy là cả nền kinh tế sẽ không thể đứng vững. Chính vì điều này, mỗi một thông tin đưa ra đều được Nam và các anh em đồng nghiệp chuẩn bị rà soát lại thật cẩn thận trước khi phát sóng.

Song song với việc theo dõi tin trong mảng ngân hàng, Trần Nam kiêm luôn công việc của phóng viên chuyên trách Phó thủ tướng phụ trách Tài chính ngân hàng và Nông nghiệp Vũ Văn Ninh. Ngoài thực hiện các bản tin hàng ngày, Nam còn xen kẽ thực hiện các chuyên đề kinh tế. Nhân sự phòng kinh tế ít ỏi với 11 người nhưng phụ trách khối lượng công việc lớn, với 9 bản tin chung và 1 bản tin riêng của phòng kinh tế.

Trong khi nền kinh tế Việt Nam với vô vàn vấn đề, sự kiện và biến động hàng ngày, áp lực công việc quả là không ít. Nhưng xác định mình là những phóng viên thời sự, các anh chị em trong phòng đều bảo nhau mỗi người nên phấn đấu giống như một người lính chiến, việc gì cũng có thể làm được.

Phan Anh Tuấn tự nhận mình là một trong những phóng viên thời sự có tuổi đời già dặn trong ban. Sinh năm 1975, tốt nghiệp Ðại học Khoa học xã hội và nhân văn, khoa Tâm lý xã hội học, Anh Tuấn đầu quân về đài VTC từ năm 2007. Hiện nay anh đang giữ nhiệm vụ theo dõi mảng thị trường và Bộ Tài chính thuộc phòng kinh tế kênh VTC1… Vốn quen với các chương trình chuyên đề, có thời gian nghiền ngẫm và xem đi xem lại nhiều, khi chuyển sang phóng viên thời sự với các bản tin liên tiếp.

Anh Tuấn cũng có không ít bỡ ngỡ và áp lực về thời gian. Nhưng sau khi làm quen công việc, anh luôn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng sự nhiệt huyết và dẻo dai của mình không hề thua một đồng nghiệp kém tuổi nào. Ðối với anh, sự già trẻ chỉ dùng để chỉ yếu tố kinh nghiệm chứ không phải nhắc đến tuổi tác. “Phóng viên thời sự không có già, chỉ có trẻ mà thôi”, Anh Tuấn vui vẻ cho biết. Lấy bản thân mình làm ví dụ, anh cho rằng một phóng viên thời sự luôn phải giữ được sự năng nổ và quyết liệt trong công việc, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Là một trong những người đầu tiên gắn bó với chương trình “Chuyện doanh nhân”, số đầu tiên về nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Khiêm để lại cho Anh Tuấn khá nhiều kỷ niệm. Ðứng trước nhân vật là một chuyên gia kinh tế hàng đầu, là “cây đa, cây đề” nên anh cảm thấy khá nhiều áp lực vì nếu làm chưa tới thì sẽ rất có lỗi với khán giả. Suy nghĩ về việc xây dựng hình ảnh cho phóng sự đã choán hết tâm trí của Anh Tuấn lúc bấy giờ.

Cuối cùng thì những công sức của anh cũng được đền đáp, khi chương trình về ông Cao Sỹ Khiêm đã nhận được không ít lời khen ngợi của khán giả và đồng nghiệp. Những hình ảnh giản dị nhưng nhiều sức gợi và những tự sự của chính nhân vật về mình đã mang lại thành công cho đoạn phóng sự. Chương trình tiếp theo về nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng lấy của anh không ít thời gian nghiền ngẫm.

Một trong những ấn tượng ban đầu về nhân vật này đó là đôi mắt sáng tinh anh không thua kém gì các bạn trẻ mặc dù tuổi của cô đã gần 70. Hình ảnh nữ chuyên gia Phạm Chi Lan đứng giữa các bạn sinh viên trẻ trung mà Anh Tuấn dàn dựng lại đã biểu đạt được sự thông minh và ham học hỏi của nhân vật. Chính những chi tiết tưởng chừng rất đơn giản này đã giúp mang tới sự thành công cho chương trình.

 

Thực hiện chương trình “Chuyện doanh nhân” song song với công việc theo dõi tin kinh tế, giữa một bên là những câu chuyện tĩnh và một bên là tin thời sự cần tính nhanh nhạy, Anh Tuấn đã chọn cách dung hòa giữa hai thứ: “Trong những cái tĩnh sẽ cố gắng thổi sự nóng bỏng vào câu chuyện, ví dụ như chọn các đề tài thời sự để cùng bàn luận với nhân vật”. Khi thực hiện những bản tin kinh tế, Anh Tuấn luôn tâm niệm cần phải đưa yếu tố dễ hiểu lên đầu.

Bởi theo anh, báo hình cũng có đặc điểm riêng. Ðối với một bài báo giấy hoặc báo mạng, nếu không hiểu thì độc giả có thể xem lại nhưng điều đó sẽ không thể đối với một bản tin truyền hình. Vì thế, anh rất hạn chế dùng các thuật ngữ khó hiểu khi làm tin. “Ðặc thù gì thì đặc thù, đối với các loại tin thời sự, khán giả phải cảm thấy dễ hiểu trước đã”, Anh Tuấn khẳng định. Nhắc đến công việc, Anh Tuấn không muốn nói nhiều tới những khó khăn về đường sá, leo đồi vượt núi, thức khuya dậy sớm, bởi lẽ đối với các phóng viên thời sự chuyện đó là quá thường.

Việc quan trọng nhất nằm ở chất lượng tin bài, bởi thế nên mỗi lần đi làm là mỗi lần phóng viên phải chuẩn bị thật kỹ càng và chu đáo, kể cả những biện pháp thay thế trong trường hợp “cháy kịch bản” hay tình huống phát sinh. Nhiều khi vất vả lại nằm ở chỗ từ những sự việc hết sức nhàm chán nhưng vẫn có thể tạo nên sự thu hút và cái mới, thông tin đắt giá, hữu ích cho khán giả. Hay quan sát và tỉ mỉ, hai điểm đó trở thành bệnh nghề nghiệp của anh từ lúc nào không hay. “Mọi người xung quanh cũng hay thốt lên rằng sao ông này tinh thế”, Anh Tuấn cười lên vui vẻ.

 

Công việc không dành cho người yếu

Yêu nghề, nhưng Ðặng Thùy Trang không phủ nhận công việc đã khiến mình hao tổn nhiều về trí lực, nhan sắc, thời gian. Nhiều khi đi công tác, cô phải tranh thủ từng giây đi đường xử lý tin, cắt hình, gọt tiếng ngay trên xe. Yêu cầu về thể lực cũng là bắt buộc vì nếu yếu ớt chắc sẽ không thể làm nghề. Trong đó, “trì” phải là yếu tố đầu tiên, đi xe ô tô không say, có thể đánh máy trên đường mà không bị chóng mặt. Bên cạnh đó, sự chính xác luôn là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ một tin tức nào, nhưng có lẽ đối với tin chính trị thì sẽ không chỉ đơn thuần là thế.

Một tin văn hóa hay thể thao nếu không chính xác, khán giả sẽ cười phóng viên. Nhưng nếu một tin chính trị không chính xác, lúc ấy mọi chuyện sẽ trở nên nghiêm trọng. Vấn đề kỹ thuật cũng là mối bận tâm không nhỏ đối với một phóng viên truyền hình. Việc phải xử lý tin trong vòng một giờ đồng hồ ngay sau khi hội nghị kết thúc để kịp thời chuyển về Ðài cho kịp giờ phát sóng nay đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện với Thùy Trang.

Hiện nay, chiếc USB 3G đã trở thành một phương tiện làm việc quen thuộc đối với phóng viên trong mỗi lần công tác xa. Tuy nhiên, việc truyền tin vẫn có thể trở thành vấn đề lớn đối với phóng viên trong trường hợp nơi đến không có… sóng di động. Nhớ lại ngày đưa tin hôm khánh thành thủy điện Sơn La vừa qua, vốn quen việc nên Thùy Trang vẫn đinh ninh rằng ngay trong khi sự kiện đang diễn ra nhưng mình vẫn có thể gửi tin về Ðài.

Tuy nhiên, những cố gắng này vẫn hoàn toàn bị bất lực vì đúng lúc chuẩn bị gửi tin về thì cô phát hiện ra tại đây không hề có sóng 3G. Chuyện này cũng xảy ra như cơm bữa tại các chuyến công tác nước ngoài bởi có một số nơi, mạng internet cực kỳ kém. Cho đến giờ, Trang vẫn không thể nào quên cảm giác thực sự… ức chế đến phát khóc khi xử lý tin xong xuôi rồi nhưng khi gửi mail, phần hiển thị download các file vẫn cứ chạy mãi mà không có dấu hiệu kết thúc để có thể gửi đi, giờ phát sóng thì đã cận kề.

Nhiều khi, áp lực thời gian căng thẳng đến mức phóng viên cũng phải tìm đủ mọi cách giúp đỡ từ dân địa phương. Có lúc, không thể sử dụng được nguồn mạng internet có sẵn, phóng viên lại sẵn sàng chạy vào quán internet, trụ sở công ty hay thậm chí là nhà riêng, rút phăng dây mạng ra để… cắm nhờ.

Sự chênh lệch múi giờ giữa các quốc gia đôi khi cũng mang lại không ít sự phiền toái. Trong trường hợp các nước có múi giờ sau Việt Nam thì phóng viên sẽ có một khoảng thời gian dư dả để chuẩn bị bài vở, nhưng đối với những quốc gia có giờ đi trước Việt Nam thì quả là vô cùng căng thẳng. Trang kể vào đợt đi công tác Trung Quốc vào hồi năm ngoái, trong chuyến công tác rất quan trọng của Thủ tướng và lãnh đạo nước láng giềng, cần phải đưa tin ngay.

Nhưng thật không may khi đã đến sát giờ phát sóng mà tất cả những gì cả ê kíp có chỉ là một bản tin bằng giấy. Vậy là mấy anh em lại phải xắn tay áo cùng ngồi xử lý chỉ riêng một cái tin đó: người thì hì hụi gõ lại, người gọi điện xác thực thông tin, chép lại phần kiểm tra đó, người soát lại lần cuối trước khi gửi tin về nước. Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, mạng internet của Trung Quốc lại rất tệ khiến việc gửi bài cũng gặp khó khăn.

Loay hoay đến 6h45 phút chiều, khi chỉ còn ít phút nữa là đến giờ phát sóng thì đột nhiên, không hiểu may mắn thế nào mà mạng đột nhiên lại chạy được. Vậy là Trang lại gấp gáp gửi tin về Ðài cho đồng nghiệp ở nhà xử lý. Một ngày dù có vất vả đến đâu nhưng khi bài vở xong xuôi, đến buổi tối vẫn cảm thấy vui vẻ. Còn “hại thần kinh” nhất đó là những khi không thể gửi được bài vở, hay bài về chậm giờ phát sóng. “Mọi khó khăn đều có thể vượt qua được, kể cả những khó khăn về thể xác khi di chuyển trong thời gian công tác đều không thành vấn đề, miễn là mạng internet phải ổn định để gửi tin về nhà thành công”, Thùy Trang tâm sự.

“Thời gian khắt khe đến khắc nghiệt”, đó là cảm nhận của Thùy Trang về công việc của phóng viên chuyên trách. Sự đúng giờ luôn được thực hiện một cách nghiêm túc đến từng giây phút. Trước mỗi buổi làm việc, phóng viên luôn phải chờ đợi và có mặt trước ít nhất là 5 phút, cũng có khi sự kiện chỉ cho phóng viên vào trong vòng 5 phút, buộc cả ê kíp phải tranh thủ. Lúc ấy, nếu đi muộn thì coi như hỏng việc. Chỉ đến khi bài gửi về xong xuôi và suôn sẻ, mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Có những chuyến đi, áp lực về thời gian khắt khe đến mức, ngay sau khi Thủ tướng kết thúc công việc ở một nước đã phải lập tức ra sân bay di chuyển tới nơi khác. Như vậy tức là cả đoàn chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi là nửa giờ hay một giờ đồng hồ để hoàn thành tin bài để gửi về nước, vì nếu lên máy bay rồi thì không thể gửi được nữa. Những chuyến đi như vậy, quả là căng thẳng đến vô cùng! Ði công tác liên miên, những ngày không phải đi công tác cũng thường xuyên trực xuất bản tin. Bình thường, chỉ sau 19h, thậm chí có những ngày 21-22h Trang mới có mặt ở nhà.

Sang nước ngoài, vấn đề ăn uống cũng là thứ sẽ mang đến phiền phức nếu không có sự chuẩn bị chu đáo. Trang kể, mỳ gói là thứ thường thấy trong hành lý mỗi chuyến công tác ngắn ngày. Còn với những chuyến đi dài, thường sẽ có một bếp ăn tự phát ngay nơi đất khách. Trước khi lên đường, đoàn báo chí sẽ có sự phân chia cụ thể về đồ nấu ăn, thôi thì đủ cả, mỗi người một thứ: người mang gạo, người mang nồi, người mang bí, dưa chuột… những mâm cơm đúng chất Việt nóng hổi phục vụ đoàn báo chí trên đất khách đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên.

Trang kể, có lần đi công tác 5 ngày ở Hà Lan, khi đã hết đồ ăn, mấy anh em lọ mọ đi hỏi dân địa phương đường đến siêu thị, do không hiểu ý nên đi lòng vòng mất khá nhiều thời gian mới phát hiện siêu thị ở ngay gần khách sạn mình ở. Tìm mua được một ít đùi gà và bắp cải đem về luộc, đã thấy ngon lắm rồi. Có khi vừa đổ nước sôi vào bát mỳ, lại bị gọi lên đường, vậy là đem cả bát mỳ lên xe vừa đi vừa ăn cho kịp giờ.

Trong 2 năm rưỡi làm phóng viên chuyên trách Thủ tướng, Thùy Trang đã đi qua 20 quốc gia, có nhiều nước đã quay lại đến mấy lần. Việc xuất ngoại vì công việc đã trở thành điều quen thuộc với cô đến mức coi chuyện công tác nước ngoài cũng không có gì khác một chuyến đi công tác tỉnh, vì cũng là một hành động xách va li ra khỏi nhà. Việc thăm thú, ngắm cảnh vốn là điều thú vị đối với những người có cơ hội ra nước ngoài, nhưng đối với những phóng viên thời sự Thùy Trang, có khi chẳng có thời gian nào để tận hưởng, trừ đôi phút rảnh rỗi tách đoàn đi mua sắm quà kỷ niệm cho người thân và gia đình ở Việt Nam.

Ðối với phóng viên Phạm Khắc Phục, “cơ động” là cụm từ không thể thiếu khi nhắc đến công việc của mình. Sinh năm 1984, tốt nghiệp Ðại học Ngoại ngữ, về công tác tại Ðài truyền hình KTS VTC từ năm 2007, Khắc Phục nhanh chóng được biết đến như một phóng viên trẻ năng động của ban thời sự.

Theo dõi mảng An ninh Quốc phòng, việc thường xuyên tiếp xúc với công an, bộ đội đã giúp anh rèn luyện tính kỷ luật. Quen việc, Khắc Phục luôn đặt mình vào trạng thái sẵn sàng. Chỉ cần một cuộc gọi thông báo, bất kể sáng sớm hay nửa đêm là anh đều có thể lên đường. “Làm việc với công an, điều đầu tiên là phải đúng giờ. Không bao giờ có chuyện sai lệch giờ hẹn hay chậm dù chỉ một phút”, Khắc Phục chia sẻ.

 

Khi ngân hàng nhà nước, phủ chủ tịch trở thành… “nhà”

Việc đi lại và di chuyển là một trong những “đặc điểm nhận dạng” của nghề báo. Ðối với những phóng viên phụ trách mảng, ắt sẽ có một số địa chỉ liên hệ làm việc thường xuyên. Việc có thêm những “ngôi nhà” thứ hai, thậm chí thứ ba, thứ tư, thứ “e nờ”… cũng là điều tất yếu.

Trần Nam coi việc ra vào Ngân hàng Nhà nước trở thành một thói quen. Một tháng trung bình hai lần, Trần Nam lại có mặt ở Ngân hàng Nhà nước. Ðến nỗi hầu hết bảo vệ và lễ tân tại đây cũng quen với sự có mặt của anh. “Nhiều khi cứ thấy mặt tôi là họ lại chẳng buồn hỏi giấy tờ nữa”, Trần Nam cười vui. Nam coi đây là một trong những điểm thú vị của nghề nghiệp mang lại, vì không phải ai cũng có cơ hội được ra vào tự do tại các địa điểm “ra khó vào khó” như những nơi anh đến.

Năm 2010, Trần Nam đã rất xúc động khi được Ngân hàng Nhà nước tặng danh hiệu “Nhà báo vì sự nghiệp ngành ngân hàng” và trở thành người duy nhất đại diện các nhà báo lên phát biểu ý kiến và góp ý trong buổi lễ đánh dấu sự chuyển đổi giữa website Ngân hàng nhà nước sang Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước. Ðây là điều khiến Nam cảm thấy vinh dự vì những cố gắng của mình đã được ghi nhận.

Thường xuyên làm việc với Thống đốc ngân hàng, nói chuyện với các giám đốc ngân hàng thương mại và nhiều chuyên gia có tiếng trong ngành tài chính nhưng phóng viên kinh tế vẫn chỉ là những người thường giản dị, không có gì khác các công chức sống nhờ lương và nhuận bút. Nhiều khi Nam cũng hơi chạnh lòng khi so sánh nghề nghiệp của bản thân với bạn bè cùng tuổi, có những bạn học kinh tế, ngày nay đều đã thành công trong sự nghiệp với mức thu nhập đáng mơ ước. Nhưng bù lại, nghề báo cũng mang lại niềm vui nho nhỏ, ví dụ như giúp phóng viên có thể tiếp xúc với những nhân vật quan trọng mà ít người dân thường nào có thể gặp được.

Ðiều an ủi nhỏ bé mà Trần Nam có thể tự hào đó là hiện giờ anh có thể gặp và nói chuyện với không ít Bộ trưởng, Cục trưởng, nhân vật lãnh đạo nổi tiếng một cách hết sức bình thường và dễ dàng. “Cũng tự hào lắm khi theo nghề này, nhất là khi biết rằng một thông tin mà mình đưa ra có thể khiến cho cộng đồng thay đổi cách nhìn”, Trần Nam tâm sự. “Phóng viên kinh tế, nhìn vào điều gì cũng phải chỉ ra được bản chất vấn đề”, anh rút ra được điều này nhờ một người đồng nghiệp khi cả hai tham dự một hội nghị hợp tác giữa hai đơn vị. Từ bài học này, Nam đã tự tin khi hơn tiếp cận các vấn đề kinh tế và dễ dàng hơn trong việc tìm và triển khai đề tài.

Phủ Chủ tịch hay các cơ quan công quyền quan trọng của Thủ đô Hà Nội, vốn cũng là những địa điểm luôn được bảo vệ tuyệt mật và liệt vào danh sách những chốn “thâm cung bí sử” với người bình thường. Nhưng đối với Thùy Trang, đây gần như là “nhà”, bởi có khi, chị qua lại làm việc với thời gian không kém gì ở nhà thật. Công việc bận rộn nhưng bản thân Trang vẫn luôn coi mình là một người may mắn. May mắn vì được theo đuổi công việc mà mình yêu thích, và còn bởi những “đặc quyền” tinh thần riêng của các phóng viên thời sự mà chắc chắn không phải ai cũng có thể có được.

Câu chuyện của Thùy Trang, Trần Nam, Khắc Phục, Tuấn Dương chỉ là một vài trong số vô vàn chuyện nho nhỏ của những “héc-quyn” làng báo. Vẫn còn rất rất nhiều những mảnh ghép khác, thật hơn, sống động hơn và cũng ly kỳ không kém đang hiện hữu trong nghề nghiệp vốn được coi là nguy hiểm và áp lực này.

 Trên tất cả, những “Héc-quyn” có thực vẫn cần mẫn viết tiếp những câu chuyện đang tiếp diễn và thay đổi không ngừng về cuộc sống thực quanh ta.

Thu Hương

Ban thời sự, Kênh VTC1, Đài truyền hình KTS VTC




Bình luận
vtcnews.vn