Chuyện 'chăm gà hơn chăm vợ' của những người mê gà chọi đất Cố đô

Thời sựThứ Ba, 31/01/2017 07:49:00 +07:00

Nhiều người ở Huế vì mê gà chọi tới mức họ nói vui so sánh “chăm gà hơn chăm vợ”.

Chơi gà chọi là một thú chơi tao nhã có từ rất lâu đời, đặc biệt là với người dân xứ Huế. Hình ảnh những “trường chọi” đã trở nên quen thuộc và phổ biến trong những ngày Tết, lễ hội dân gian tại vùng đất Cố đô.

Đá gà là môn giải trí có từ xa xưa được nhiều người ưa thích. Nhiều người vì mê gà mà sẵn sàng dành cả ngày để cỗ vũ cho “dũng sĩ” của mình không biết mệt. Họ cảm thấy rất sảng khoái, vui mừng và hãnh diện khi "đấu sĩ gà" của mình lật kèo, thắng đòn.

Video: Xem những "chiến binh" gà ở Huế phân tài cao thấp

Chăm gà hơn chăm vợ

Vì quá đam mê và yêu thích gà đá mà ông Khưu Thoại Dũng (đường Hồ Đắc Di, thành phố Huế) “bỏ quên” cả vợ con để đi theo mấy anh gà chọi mặt đỏ tía tai.

Ông Dũng có "thâm niên" chơi gà chọi từ nhỏ. Tài sản lớn nhất của ông khi lấy vợ là cả một đàn gà mà ông chăm như chăm em bé. Hễ có tiền là ông lo mua thức ăn cho gà, thay bóng điện, mua màn mới, nâng cấp chuồng gà.

Mỗi sáng ngủ dậy, việc đầu tiên là ông xuống chuồng, rửa mặt, tỉa lông, chải chuốt cho gà. Gà mà lạnh là lo bật bóng sưởi ấm, gà nóng thì lo bật quạt, có nắng thì đưa gà đi phơi nắng.

anh 2

Nhiều người đàn ông ở Huế chăm gà chọi còn hơn chăm vợ. 

Thức ăn cho gà ngoài cám, lúa  ra thì phải bồi dưỡng hải sản cho gà chắc xương. Lươn, cá thì phải nướng lên cho thơm, mực cá các loại thì phải luộc hoặc hấp. Trưa nắng còn mua dưa hấu, cà chua để gà ăn cho mát, lâu lâu còn mua vitamin cho gà uống để sáng mắt.

Bà Phan Thị Phương (vợ ông Dũng) chia sẻ: “Nói đến yêu thích và say mê gà thì ông Dũng mà đứng thứ hai thì chắc không ai đứng thứ nhất. Ở trong nhà với vợ con chứ tâm trí luc nào cũng nằm ở ngoài cái chuồng gà ấy.

Ngủ mà con có khóc bên tai cũng không hay biết, chứ gà mà nó kêu một cái là quật dậy ngay. Đi đâu xa lâu ngày điện thoại về chưa hỏi thăm vợ con gì thì đã hỏi ngay đã cho gà ăn chưa, dọn chuồng chưa, mắc màn cho gà ngủ chưa. Coi vợ con có bằng mấy con gà của ổng mô”.

“Nhiều khi tức lắm, muốn thịt hết mấy con gà cho xong. Nhưng rồi thấy ỗng lo cho gà còn hơn lo cho bản thân thấy cũng tội lắm”, bà Phương tâm sự thêm.

Kỳ công chăm sóc “chiến binh” gà

Nuôi gà đá không đơn giản như nuôi gà bình thường, ngay từ đầu người nuôi phải biết chọn giống, tinh tường nắm bắt được tất cả những đặc điểm, từ màu sắc lông đến tướng mạo, tiếng gáy, mới có thể chọn đúng được chú gà để chăm nuôi thành “dũng sĩ”.

Thức ăn chủ yếu của gà chọi vẫn là cơm, thóc. Đây là những thực phẩm chính bảo đảm sự săn chắc của gà. Nhưng trước khi cho gà ăn, thóc phải được vo sạch, luộc lên rồi để khô. Thóc ngâm nảy mầm cho gà ăn là tốt nhất.

Nguồn nước uống cho gà cũng phải đảm bảo vệ sinh. Thường thì dùng nước đun sôi để nguội, nước uống phải được thay thường xuyên, không để bụi, bẩn. Trọng lượng của gà chọi phải được theo dõi thường xuyên

“Chó giống cha, gà giống mẹ” câu nói này của cha ông đều dựa trên những cơ sở khoa học nhất định. Gà con sinh ra thường giống mẹ, để có được những con gà hay người ta luôn chú ý đến gà bố mẹ, nhất là gà mẹ phải mạnh khỏe, nhanh nhẹn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

anh 1

Để có một "chiến binh" gà thực thụ đòi hỏi người chơi phải rất kỳ công từ khi chọn giống, chăm sóc cho đến huấn luyện. 

Ông Đinh Hữu Hoàng (trú Cồn Hến, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế), một người đã có thâm niên lâu năm trong giới chơi gà chọi chia sẻ: “Chọn được con gà tốt, nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách thì cũng coi như không”.

Theo ông Hoàng, chọn được gà ưng ý, có chế độ chăm sóc đặc biệt. Đầu tiên phải để các “chiến kê” trải qua quá trình luyện tập với những bước kỹ thuật chỉ có người trong giới mới hiểu. Đó là “luyện hơi” cho gà bằng cách dùng bao bịt mỏ, quấn chân gà. Công việc này cứ làm một tuần làm một lần để luyện cho gà dai sức.

Hàng ngày phải dùng nghệ vàng giã nhỏ, trộn với rượu, một chút muối… đun sôi, để ấm rồi bóp cho gà, vỗ và mát xa cho gà sau đó đưa gà ra phơi nắng. Dùng nước hỗn hợp của các loại lá như: ổi, chè xanh, chè khô lau sạch nghệ ở mình gà. Cứ làm như vậy thường xuyên sẽ giúp da gà được săn chắc và dày. Khi chiến đấu, đối phương có mổ hay đá cũng không hề hấn gì.

Một ngày của gà được khởi động bằng việc phơi sương, phơi nắng, rồi bọc thêm đồng vào chân cho gà chạy bu (chạy lồng) để xương thịt dẻo dai, cơ bắp săn chắc và tăng khả năng di chuyển. Sau đó đun nước sôi, để ấm rồi dùng khăn mặt thấm nước, chườm đắp vào cơ thể gà để cho gà rắn rỏi và da có độ lỳ. Cuối cùng là “vần” cho gà “rạn đòn”.

Hễ gà mà ốm quá thì phải bồi dưỡng tăng cân, tăng sức khỏe. Còn những con mập rồi thì phải có chế độ ăn hãm lại, giảm béo tăng cơ bắp.

Sau 10 tháng kể từ khi nở, chủ gà có thể cho gà thi đấu giao hữu bằng cách cho “vần” ở sới nhà. Đây là cách giúp gà tích lũy thêm kinh nghiệm trận mạc và cũng là cách để chọn ra chú gà chiến xuất sắc nhất đem đi thi đấu.

Xuân Trường – Nguyễn Vương
Bình luận
vtcnews.vn