Chuyện cây bồ đề huyền bí có '4 chân' ở đất cố đô

Thời sựThứ Tư, 10/02/2016 10:56:00 +07:00

Cây bồ đề hàng trăm năm tuổi có dáng “tứ trụ” như bốn cái chân cắm sâu vào đất vây quanh một cái am nhỏ linh thiêng, huyền bí.

(VTC News) - Cây bồ đề hàng trăm năm tuổi có dáng “tứ trụ” như bốn cái chân cắm sâu vào đất vây quanh một cái am nhỏ linh thiêng, huyền bí.

Cây bồ đề có hình dáng đặc biệt này nằm trước số nhà 99 đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Miếu trời ban

Dân xứ Huế vẫn gọi cái miếu dưới gốc cây bồ đề “tứ trụ” là “miếu trời ban" bởi không cần đến gạch đá để xây dựng, ngôi miếu này được tạo lên từ các rễ cây mọc đan xen vào nhau, cắm sâu vào lòng đất.
Các rễ cây đan với nhau với bốn chân cắm xuống đất tạo thành ngôi miếu trời ban.
Các rễ cây đan với nhau với bốn chân cắm xuống đất tạo thành ngôi miếu "trời ban".  
Ngôi miếu tự nhiên này có các gốc cao khoảng 1,8m, to chừng một người ôm, chiều dài hai gốc cách khoảng 2,5m, rộng cách khoảng 1m. Hai trụ bên trong ôm trọn cái am nhỏ đã được xây dựng trước đó.Hai gốc sau cao hơn hai gốc trước chừng 40cm, tạo thành một mái xuôi ra cạnh đường.

Chính giữa “tứ trụ” là một khoảng trống lớn, bên trong có 2 lư hương, ly nước, quả bồng đựng đồ cúng, lọ hoa và đèn thắp. Phía trên có xếp 3 lư hương.
 

Cụ Nguyễn Phượng (93 tuổi), có nhà gần cây bồ đề cho hay:  “Năm 1967 tôi tới đây sinh sống thì cây bồ đề đó đã cao lớn rồi. Qua nhiều năm, rễ cây phát triển to ra, uốn tạo hình 4 cột trụ rất độc đáo và đẹp mắt”.

Theo lời của cụ Phượng tại khu vực này ở thời nhà Nguyễn có rất nhiều cây bồ đề, nhưng sau này mở rộng đường nên bị chặt hết, trừ cây bồ đề độc đáo này.

Ông Nguyễn Sinh (56 tuổi) thông tin: “Cây cổ thụ đó không phải do người trồng mà nó tự mọc lên. Niên đại của cây  ít nhất khoảng 100-150 năm. Từ một cây nó phát triển ra 4 gốc, đây là cây mọc hoàn toàn tự nhiên, không ai tạo dáng gì cả”.

Một trụ của cây bồ đề một người ôm không hết.
Một trụ của cây bồ đề một người ôm không hết. 
 
Nơi trú ngụ của những vong hồn

Dân bản xứ vẫn gọi cây bồ đề “tứ trụ” một cách đầy tôn kính là “cây Ngài”. Nó được coi là nơi trú ngụ của những vong hồn tử nạn vì tai nạn giao thông.

Theo cụ Nguyễn Phượng, trước giải phóng đường Nguyễn Sinh Cung còn nhỏ hẹp, ít nhà cửa và đây cũng là “điểm đen” về tai nạn giao thông.

Người dân gọi cây bồ đề này là “cây Ngài” chắc hẳn cũng có lý do của họ. Xung quanh cây cổ thụ này có rất nhiều câu chuyện gợi lên sự linh thiêng và tôn kính của người dân xứ Huế.

Trước ngày giải phóng đất nước, con đường Nguyễn Sinh Cung còn nhỏ hẹp, ít nhà cửa nên tai nạn thường xuyên xảy ra.

“Cách đây đã vài chục năm gần chỗ cây bồ đề này có người đàn ông bị chết do va chạm xe cộ. Sau đó, nhiều vụ tai nạn chết người cũng xảy ra tại đoạn đường này.

Dân ra gốc cây bồ đề thắp hương cho các vong hồn chết đường, chết xá. Lạ là sau đó tai nạn giảm dần, miếu cũng trở thành nơi thờ tự cho những vong hồn tử nạn do tai nạn giao thông”.

Miếu là nơi trú ngụ của những vong hồn tử nạn vì tai nạn giao thông.
Miếu là nơi trú ngụ của những vong hồn tử nạn vì tai nạn giao thông. 

Tiếng linh thiêng của “cây Ngài” không chỉ tồn tại ở phường Vỹ Dạ mà còn lan xuống cả một số vùng quê xứ Huế.

“Trước khi người dân chưa cúng thì có nhiều tai nạn xảy ra lắm, nhưng sau này có cúng nên giảm bớt rất nhiều”, ông Nguyễn Quang Dư (57 tuổi), thôn Nam Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay.

Ông Nguyễn Phương cho biết thêm, dân địa phương không ai động chạm hay báng bổ cây bồ đề.

Có người chặt vài cành thì bị ngã, có người thì về nhà bị đau. Riêng chỉ có chủ của một khách sạn nằm dưới gốc cây bồ đề mới có thể tỉa cây vì là người thường xuyên nhang khói cho miếu.

Cây bồ đề tươi tốt cao choán lấy một khách sạn to lớn.
Cây bồ đề tươi tốt cao choán lấy một khách sạn to cao. 

Vì sự linh thiêng của ngôi miếu dưới gốc cây bồ đề và cũng thể hiện tấm lòng với những vong hồn không may tử nạn nên hằng năm dân bản xứ thường tổ chức lễ cúng tại miếu.

“Ngày 23/5 âm lịch thì cúng thịt heo, hoa quả, áo binh…để báo ơn trên, ngày Tết đầu năm thì cúng lớn hơn, bà con tổ chức cúng xóm ở gốc cây, làm khoảng 3 mâm gồm xôi, thịt heo, hoa quả…để nguyện cầu cho âm siêu, dương thái”, bà Phan Thị Thu Vân (55 tuổi)  cho biết. 


Nguyễn Vương - Tuấn Hiệp
Bình luận
vtcnews.vn