Chuyện 'cậu bé Lưỡi Trai' ăn xin giữa Hà Nội

Thời sựThứ Tư, 01/06/2011 03:40:00 +07:00

(VTC News) – Cậu bé lặng lẽ nhìn theo những bước chân hối hả. Cậu chả ước ước gì, chỉ mong mẹ đến sớm để đưa cậu về với cô em gái bé bỏng...

(VTC News) – Cậu bé đứng lặng lẽ nhìn theo những bước chân hối hả chạy lên xe để về kịp tổ ấm của mình. Cậu chả ước ước gì cả, chỉ mong mẹ đến sớm để đưa cậu về với cô em gái bé bỏng đang đợi anh ở nhà…

Chú bé Lưỡi Trai

“Nhà cháu ở Thanh Hóa, bố cháu đi bể ở miền Nam, mỗi năm về nhà 2 lần,  mẹ ở nhà nuôi hai em và ông nội bị bệnh” – chú bé ăn xin ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội bắt đầu kể cho tôi nghe về gia đình mình.

Cậu bé ấy mới 13 tuổi nhưng đã phải đi làm để lấy tiền nuôi ông nội và cô em nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Trong năm học, cậu ở nhà với mẹ ở Thanh Hóa, nhưng đến kỳ nghỉ hè thì lại cùng mẹ và ông lên Hà Nội “hành nghề” ăn xin.

Lưỡi Trai được một người bán nước cho tiền. Ảnh: HT 

Tôi gọi cậu là Lưỡi Trai, vì cậu bé ấy đội đến hai cái mũ trên đầu. Một cái để tránh mưa nắng, một cái để đựng tiền ăn xin.

Lúc mới gặp, khi bị tôi kéo vào quán nước cạnh phố Gầm Cầu, Lưỡi Trai cứ run run. Vừa khai tên tuổi, quê quán với tôi, mắt cậu bé vừa rơm rớm nước mắt vì sợ tôi sẽ bắt đi nơi khác.

“Ngày trước, cháu đi ăn xin cũng bị mấy chú ấy bắt” – Lưỡi Trai kể về ngày cậu bé bắt đầu theo mẹ lên Hà Nội học nghề “Cái Bang” này. Có thể những người giữ chú bé lại ngày đó là trật tự phường nên không làm gì Lưỡi Trai mà chỉ hỏi han vài câu rồi lại thả ra.

Đợi mẹ ở bến xe

Nhà của Lưỡi Trai ở một xóm trọ gần đường tàu. Cậu ở với ông nội, mẹ và em gái nhỏ.

Hàng ngày, mẹ cậu ở nhà trông em, nấu cơm cho Lưỡi Trai và ông đi ăn xin. Mỗi người một hướng, tối đến mới gặp lại nhau.

“Địa bàn” ăn xin của chú bé 13 tuổi ấy là quanh quanh chợ Đồng Xuân, bốt Hàng Đậu, chợ Long Biên.

Lưỡi Trai đi quanh quẩn các cửa hàng, đến trước cửa các ngôi nhà để mong có người hảo tâm giúp đỡ. Cậu bé chỉ lẳng lặng đứng bên ngoài những nơi đó, tay cầm mũ hoặc một chiếc túi màu đen nhưng không hề lèo nhèo xin tiền khách.

Nhìn bộ dạng của cậu, ai cũng hiểu, nên cũng có nhiều người cho tiền. Lưỡi Trai bảo với tôi, mỗi ngày cậu cũng kiếm được mười mấy tờ 1 nghìn và 2 nghìn trong túi.

Cậu "đi làm "từ 6 giờ 30 sáng. Đến tối thì đợi mẹ đón ở bến xe buýt Long Biên. Vì Lưỡi Trai không nhớ đường về nhà (vốn rất ngoằn nghèo) nên cứ đến 7 hoặc 8 giờ tối là lại đợi mẹ đến đón về.

Những ngày đầu lên Hà Nội, cậu bé bị lạc thường xuyên. Mẹ Lưỡi Trai phải đi tìm vất vả mới thấy con. Nên từ đó, mẹ rặn cậu, khi chưa quen đường về, tạm thời cứ đến bến xe cho dễ nhớ. Mẹ sẽ đến đón cậu vào buổi tối.

Nhưng Lưỡi Trai không có đồng hồ, nên mỗi khi trời tối, cậu lại phải hỏi người đi đường để biết mấy giờ mà còn về bến xe đợi mẹ.

Giữa nơi mênh mông biển người ấy, cậu bé đứng lặng lẽ nhìn theo những bước chân hối hả chạy lên xe để về kịp tổ ấm của mình. Cậu chả ước ước gì cả, chỉ mong mẹ đến sớm để đưa cậu về với cô em gái bé bỏng đang đợi anh ở nhà…

Những đứa bé bán rong

Mấy hôm gần ngày 1/6 này, tôi đi tìm Lưỡi Trai khắp nơi để tặng cậu món quà. Nhiều người chỉ cho tôi những đứa trẻ đi lang thang khác. Đứa thì bán kẹo cao su, đứa thì bán thuốc.

Ở phố Gầm Cầu, tôi bắt gặp hai em lang thang như vậy, vừa đi vừa hút thuốc lá phì phèo. Một cảm giác giật thót, nhói đau trong người.

Liệu sau này, Lưỡi Trai có như vậy hay vẫn sẽ giữ được sự trong trẻo của mình?

Sớm bươn chải kiếm sống, các em nhỏ này sẽ vượt qua được những cám dỗ, để vươn lên trưởng thành? 

Tôi hỏi người bán nước nơi tôi gặp cậu lần đầu, họ bảo không thấy Lưỡi Trai mấy hôm nay rồi. Có lẽ cậu về quê với mẹ vài ngày chăng?

Giữa hơn chục đứa trẻ lang thang quanh khu phố này, có lẽ Lưỡi Trai còn may mắn hơn các bạn vì vẫn được sống với mẹ và ông. Nhiều em khác phải đi làm ở các tiệm ăn hoặc bán hàng rong trên phố, mỗi năm chỉ được về nhà 1 lần vào dịp Tết.

Phải đối mặt với quy luật sinh tồn khi còn quá trẻ, phải sống gần những tay anh chị đã lớn, liệu có bao nhiêu đứa bé ấy vẫn còn ngoan hiền?

Tôi nhớ có lần, Lưỡi Trai bảo rằng, cậu ước sau này lớn lên sẽ được đi biển như bố, thành thuyền trưởng của một con tàu thật lớn. Còn tôi thì ước mùa hè trôi đi thật nhanh, để những cậu bé như Lưỡi Trai được trở về quê học hành, sống gần với người thân và bạn bè. Cùng với sự quan tâm phải ngày một tốt hơn của chính quyền địa phương, những chú bé như Lưỡi Trai mới sớm thành người, để biến những ước mơ ấy thành sự thật.

Hoàng Lan

Để biết điểm 6 môn thi TỐT NGHIỆP CẤP III sớm nhất 
Bạn hãy soạn tin: THI3 <TenTinh> <SoBaoDanh> gửi 8730

Xem điểm của Số báo danh 123 tại Hà Nội, soạn: THI3 Hanoi 123 gửi 8730

Xem điểm thi của Số báo danh 123 Huế, soạn: THI3 Hue 123 gửi 8730

Điểm thi 8730 - Nhắn tin hôm nay – báo ngay khi có điểm 

Bình luận
vtcnews.vn