Chuyện buồn của cặp vợ chồng 'siêu đẻ' giữa thủ đô

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 02/01/2015 06:08:00 +07:00

Có những lúc nhà không đủ gạo, anh Năm chị Hải đành nấu cháo nhường cho các con ăn, vợ chồng nhịn đói.

(VTC News) - Có những lúc nhà không đủ gạo, anh Năm chị Hải đành nấu cháo nhường cho các con ăn, vợ chồng nhịn đói.


Kỳ 2 (Kỳ cuối): Cám cảnh thân cò
 
Khi tôi đặt câu hỏi tại sao biết sinh nhiều con sẽ khổ mà vẫn cứ sinh, chị Hải lắc đầu ngán ngẩm: “Tôi bận rộn quanh năm suốt tháng, cũng không biết dính bầu lúc nào. Chỉ khi thai được 4-5 tháng thì mới phát hiện ra. Lúc đó, tôi cũng không dám phá bỏ, nghĩ giữ lại cái đức cho các con được chào đời, nên cứ sinh thôi”.

Do sinh quá nhiều con nên bố mẹ phải chọn những cái tên đặc trưng cho dễ nhớ. Theo chị Hải, có đứa thì đặt tên theo số như Ngô Doãn Nhất, Ngô Doãn Tám; đứa thì đặt tên theo rau củ như Bầu, Bí; có những đứa lại đặt tên theo cách thông thường như Phúc, Đức, Thảo... 

Khi con cái ngày một nhiều, căn nhà nhỏ trong xóm Cổ Bản của cặp vợ chồng “siêu đẻ” ngày càng chật chội, không đủ chỗ cho chừng ấy con người chui ra chui vào.

Dân làng thương tình nên cho anh Năm chị Hải dựng tạm một căn lều gần nhà văn hóa xóm để mấy người con lớn tuổi nhất chuyển ra ở đó. Nhiều lần, chính quyền định thu hồi lại mảnh đất nhưng vì gia đình quá nghèo, lại đông con, không biết ở đâu khác, nên cuối cùng lại thôi.

Hiện hai cô con gái đầu đã đi lấy chồng ở xa. Tuy nhiên, nhân khẩu trong gia đình đặc biệt này không vì thế mà giảm đi, ngược lại còn tăng thêm khi anh con trai cả và con trai thứ lại lấy vợ, đưa dâu về nhà chồng cùng sinh sống và “đóng góp” thêm 3 đứa cháu.

Hết cách, chị Hải phải dựng thêm 2 căn lều rách nát ở ngoài đồng, chỗ hàng ngày chị vẫn quần quật cùng các con vớt ốc, bắt cá, chia nhau ra ngủ và sinh hoạt ở đó.
Căn lều ngoài cánh đồng của cặp vợ chồng 'siêu đẻ'
Một túp lều khác, nơi ở tạm của các con anh Năm, chị Hải 
Bình thường, các thành viên của đại gia đình ở mấy địa điểm khác nhau trong xóm, nhưng cứ đến bữa là lại tụ tập về căn nhà 30 mét vuông giữa xóm Cổ Bản. Những lúc ấy, mọi người ngồi chật ních, chen chúc.

Chị Hải cho biết, trung bình mỗi bữa gia đình ăn tổng cộng hết 5kg gạo, cho nên chuyện gạo đong thiếu hụt từng ngày cũng là điều dễ hiểu, chưa kể thức ăn cũng là một gánh nặng khủng khiếp.

Anh Năm mang tiếng là trụ cột trong gia đình nhưng gần như chả giúp được gì nhiều, vì mắc nhiều bệnh. Đã vậy, những lúc ông chồng vào viện điều trị, chị Hải lại phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mượn tiền chạy chữa. Thấy gia đình nghèo, mọi người cũng không muốn cho vay. Mà quả thực, nợ nần nhà chị ngày càng chồng chất.

Ruộng không có, cả nhà trông chờ vào cái đầm cá mà chính quyền cho gia đình đấu thầu khai thác. Một ngày của chị Hải bắt đầu từ lúc 2h sáng và làm luôn chân luôn tay cho đến khi tối mịt. 

Chị dậy sớm để đi mót rau muống. Ra đầm giữa đêm tối, chị cứ lặn lội, chỗ nào thấy có rau mọc dài thì hái, hái cho đến tinh mơ mang về cho các con ở nhà phân loại, rồi đứa con gái lớn mang ra chợ bán kịp buổi sáng. Những đứa con khác lại tiếp tục cùng mẹ ra đồng bắt tôm bắt cá, gom góp tiền đong gạo.

“Đi chợ được hôm nào thì hôm đó có chút tiền mua đồ ăn. Tiền kiếm được quá ít trong khi nhà quá nhiều miệng ăn nên không tích lũy được gì. Tài sản của gia đình chẳng có gì, ngoài đàn con nhỏ”, chị Hải ngậm ngùi.

Hiếm hoi lắm chị Hải mới mua được miếng thịt cải thiện. Thế nhưng, bữa cơm có thịt rất tủi vì trong bữa ăn cứ đứa nọ lườm đứa kia. Thịt bày ra đĩa chúng tranh nhau gắp, đứa nào chậm có khi chả được miếng nào. 

Có những lúc nhà không đủ gạo, anh Năm chị Hải đành nấu cháo nhường cho các con ăn, vợ chồng nhịn đói.
Những đứa trẻ cứ lớn lên hồn nhiên như cây cỏ 
Lo cái ăn đã cực, lo cái mặc còn vất vả hơn. Chẳng đứa trẻ nào của anh chị có được quần áo mới. Những lúc rảnh rỗi, chị Hải tranh thủ đi gom đồng nát. Nhà nào có quần áo cũ bỏ đi, mà còn lành lặn thì chị mang về cho các con mặc, gọi là “cũ người mới ta”.

Vì biết gia đình nghèo khó, nên chính quyền cũng cố gắng tạo điều kiện tối đa cho các con của cặp vợ chồng “siêu đẻ” được đi học. Tuy nhiên, chỉ có Ngô Doãn Tới là đến lớp 11. Bị bạn bè trêu chuyện bố mẹ đẻ nhiều, lại không có tiền, Tới buồn chán bỏ học đi làm thuê. Những đứa còn lại chỉ học đến tiểu họ.

Điều mà anh Năm, chị Hải lo nhất là tương lai của con cái mình khi tất cả đều không được học hết phổ thông, lại không có nghề nghiệp gì khác trong tay, chỉ biết ngày ngày theo bố mẹ ra đồng mò cua bắt ốc.

Đến cậu con trai cả, mang tiếng đã lập gia đình, có vợ có con nhưng cũng không biết làm gì ngoài việc phụ giúp gia đình. Chị Hải bảo gì thì cậu làm vậy. Cậu con trai thứ cũng mới lấy vợ, vợ theo chồng về nhà không có nghề ngỗng gì cả, chỉ biết trông con và nấu cơm cho cả nhà, khiến gia đình lại càng thêm gánh nặng.
Chị Hải mong rằng mình vẫn còn sức khỏe để lo cho đàn con bữa ăn đủ no mỗi ngày 
Tôi chào chị Hải ra về, người đàn bà “siêu đẻ” thở dài lúc chia tay: “Bố cháu bệnh tật thế không còn biết sống được bao lâu nữa, tôi còn sức thì chỉ biết cố gắng lo cho các con ăn đủ no là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng cái đầm cá mà tôi cùng các con vẫn mò cua bắt ốc hàng ngày đó là của nhà nước, nếu sau này người ta thu hồi lại thì gia đình tôi không biết kiếm nguồn sống ở đâu nữa ”.

Rời mấy túp lều nhà chị Hải, đi một đoạn đường ngắn là ra đến quốc lộ, hai bên nhà cửa san sát. Tôi cũng chẳng thể hiểu được vì sao, giữa lòng thủ đô, còn có câu chuyện kỳ lạ như vợ chồng Ngô Doãn Năm – Đặng Thị Hải.


Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn