Chuyển biến giáo dục mầm non miền núi

Tổng hợpThứ Hai, 20/08/2012 11:15:00 +07:00

Nghị quyết 142 của HĐND tỉnh về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non miền núi giai đoạn 2009 - 2015

Nghị quyết 142 của HĐND tỉnh về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non miền núi giai đoạn 2009 - 2015 ban hành vào tháng 7.2009  được ví như làn gió mới giúp bậc học mầm non ở miền núi phát triển. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua...

Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Ba, huyện Đông Giang) được đầu tư xây dựng khá khang trang 

Khởi sắc

Nếu như trước đây Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần trong công tác đầu tư thì nay ngân sách chi cho giáo dục mầm non tăng lên rất nhiều và thậm chí “bao cân” tất cả. Cùng với đó là sự ưu tiên các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, chương trình kiên cố hóa trường - lớp học của Chính phủ. Nhờ vậy, chỉ sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 142 của HĐND tỉnh. Năm 2012 giáo dục mầm non miền núi đã được xây dựng gần 100 phòng học kiên cố và bán kiên cố. Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cũng không còn là điều quá xa vời như lãnh đạo một địa phương miền núi từng nói là “vượt khỏi tầm tay”, khi hiện tại đã có 7 trường được công nhận đạt chuẩn. Trong công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, 2 năm qua đã có 6 trường mầm non được thành lập, nâng tổng số trường của các huyện miền núi lên con số 66.

Việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt gần 73%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt hơn 95% (tăng gần 13% so với cách đây 2 năm). Riêng trẻ mầm non người dân tộc thiểu số đến trường có xu hướng tăng nhanh với gần 20% (đạt 60%), trong đó trẻ 5 tuổi đạt gần 88%. Các lớp mẫu giáo có trẻ là người dân tộc thiểu số đều được học tăng cường giao tiếp tiếng Việt. Chất lượng chăm sóc, giáo dục từng bước nâng cao. Hiện nay, 100% các trường đều thực hiện chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, gần 74% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.

Hiện cả tỉnh còn 23 xã miền núi chưa có trường mầm non, tập trung nhiều nhất ở các huyện Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang, và Nam Giang. Trong khi đó, số lớp mẫu giáo gắn vào các trường phổ thông lên đến 94 lớp (Nam Trà My, Nam Giang và Tây Giang cũng là những địa phương chiếm số lượng nhiều nhất). Đây là một trong những cản ngại lớn trong công tác huy động trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở miền núi.
Đánh giá về kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 142, ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, mạng lưới trường lớp mầm non của các huyện miền núi trong những năm qua tăng nhanh, quy mô được mở rộng, từng bước xóa xã “trắng” trường mầm non. Ở những nơi chưa có trường, địa phương và ngành quan tâm phát triển các hình thức như lớp mẫu giáo độc lập, lớp mẫu giáo gắn với trường tiểu học để bước đầu tạo điều kiện cho trẻ được đến trường, chuẩn bị cho trẻ làm quen tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

Thách thức

Mặc dù vậy, việc phát triển giáo dục mầm non miền núi còn gặp không ít thách thức. Mạng lưới trường lớp tuy có phát triển nhưng chưa đều khắp ở các xã, thôn bản và hiện còn 23 xã chưa có trường mầm non (chỉ có trường liên xã hoặc liên trường mầm non và tiểu học). Việc huy động trẻ ra lớp còn thấp, nhất là trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục vì các em không được làm quen tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Do điều kiện miền núi đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt nên tình trạng lớp ghép vẫn còn khá phổ biến. Trò đã vậy, thầy cũng gặp nhiều trở ngại không kém. Hiện nay, khu vực miền núi không có nguồn giáo viên để tuyển (giáo viên người Kinh ở đồng bằng không muốn lên công tác, còn người địa  phương rất ít) nên tình trạng thiếu giáo viên diễn ra kéo dài.

Khó khăn nữa là một bộ phận giáo viên người Kinh không có khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc, chưa hiểu phong tục tập quán địa phương nên gặp nhiều trở ngại trong giảng dạy. Ngược lại, giáo viên người dân tộc thiểu số hạn chế về khả năng chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ. Dù thời gian qua, được quan tâm đầu tư, nhưng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học còn thiếu nhiều. Hiện các địa phương miền núi còn có đến 81 phòng học tạm bợ (tranh tre nứa lá) và 103 phòng học mượn nhà văn hóa, trường tiểu học để giảng dạy; tình trạng không có phòng chức năng, trang thiết bị trở nên phổ biến ở nhiều trường.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, để giáo dục mầm non miền núi phát triển, cần ưu tiên đầu tư kinh phí theo đúng tiến độ trong đề án để xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại các xã, đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 trường mầm non nhằm huy động hết trẻ 5 tuổi ra lớp, được học 2 buổi/ngày, học chương trình giáo dục mầm non mới cũng như tiếng Việt trước khi các em bước vào lớp 1. Cạnh đó, tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy học tối thiểu, từng bước xóa phòng học tạm bợ, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với giáo viên, quan tâm hơn đến chính sách ưu tiên xét tuyển những người đang hợp đồng vào biên chế nhằm ổn định cuộc sống, an tâm phục vụ lâu dài tại miền núi. Đồng thời, tăng cường đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số, bởi hơn ai hết họ là người hiểu về ngôn ngữ, phong tục tập quán của học trò.

Theo Quảng Nam

Bình luận
vtcnews.vn