Chuyện 19 sinh viên Campuchia và vành khăn tang Đại sứ

Thời sựThứ Hai, 14/03/2011 06:55:00 +07:00

(VTC News)- "Dành trọn tình cảm cho những người anh, người chị, người em, người cháu, dù không thân thích... Chỉ đơn giản đó là người Việt Nam!"

(VTC News) – Hơn 1 vạn gia đình người Việt đã được hưởng niềm hạnh phúc tột cùng khi đón người thân yêu từ Libya lửa đạn trở về. Nhưng đằng sau những giọt nước mắt hạnh phúc ấy, còn có nhiều điều chưa bao giờ kể từ những “người hùng chiến dịch”…

Khăn tang Đại sứ

 

Đoàn sang tới Ai Cập, tôi được tin buồn: thân mẫu đồng chí Phạm Sĩ Tam, Đại sứ của ta tại Ai Cập mới mất hôm 28/2, chờ ngày 1/3 đưa tang. Đồng chí năm nay đã hơn 60 tuổi, quê ở Nghệ An, từng là Bí thư Đảng ủy Ngoài nước. Tình cảnh ấy, ai chẳng muốn về ngay để chịu tang mẹ. Thế nhưng, sứ quán chỉ có mấy người, gia đình ở quê nhà cũng điện sang động viên anh chị yên tâm ở lại, bên nhà sẽ lo cho cụ chu đáo.

 

Vậy là vợ chồng anh nén nỗi buồn riêng, ở lại “chiến đấu” cùng anh em. Anh thì suốt ngày tất bật bươn chải ngoài sân bay; chị gạt nước mắt ròng ròng, đeo túi đi cùng anh em trong đoàn đi mua bánh mì cho những đồng hương của mình nơi quê người đầy bất trắc.

  

 Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng xúc động kể lại câu chuyện "vì nước quên thân" của Đại sứ Phạm Sĩ Tam


Lúc ấy, chúng tôi không có thời gian để so sánh với nước này nước kia, càng không có thời gian để tính toán thiệt hơn, để nghĩ tới điều gì khác ngoài việc làm sao nhanh chóng đưa được lao động của ta về nhà một cách an toàn, tất cả mọi người chỉ biết làm mọi điều tốt nhất cho người Việt mình bên đó, làm mọi thứ không tiếc thân mình, không ngại gì. Bản thân tôi đã bảo các đồng chí dùng xe của sứ quán đưa tôi vào tận Tripoli để chỉ huy tại chỗ, còn anh em sứ quán ở ngoài này; nhưng sau đó thấy đường ra cũng thuận lợi, anh em lao động ra cũng an toàn, mọi người khuyên tôi không nhất thiết phải vào.


Trong ý nghĩ của chúng tôi, một phần là vì trách nhiệm, nhưng trên hết là tình cảm đối với đồng bào. Dành trọn tình cảm cho những người anh, người chị, người em, người cháu mặc dù mình không hề quen biết, không hề biết tên tuổi, không họ hàng thân thích, nhưng đó là người Việt

Nam
. Vì vậy trong đoàn ai cũng như ai, bảo nhau làm việc tận tụy. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt, đích thân Thủ tướng vài lần gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm tình hình và hoan nghênh, biểu dương tinh thần anh em trong đoàn; chỉ đạo bằng mọi cách làm sao an toàn nhất và đưa càng nhanh càng tốt toàn bộ lao động Việt Nam về nhà.

 

Lên đường đi làm nhiệm vụ, chúng tôi đều hiểu một điều rằng cả nước đang dõi theo chúng tôi, hàng triệu con tim ở nhà đang hướng theo xem chúng ta đưa đồng bào mình về nước thế nào đây. Đó là niềm động viên anh em cố gắng, không hề nghĩ tới khó khăn gian khổ.

 

Thắm tình quốc tế

 

Một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi là trường hợp một nữ sinh người Chăm sang Libya du học theo đường tự túc, khi cháu khẩn khoản nói với tôi: “Chú ơi, có 19 bạn người Campuchia cũng sang đây đi học như cháu đang bị tắc ở Tripoli, họ đang rất hoang mang, bởi Campuchia không có sứ quán ở Libya. Không biết là cháu có thể nhờ chú giúp đưa họ về biên giới được không? Họ chỉ cần đưa ra biên giới thôi…”. 

 

Không chần chừ, tôi nói với bạn nữ sinh đó chuyển lời đến nhóm sinh viên Campuchia lập tức liên hệ với đại sứ quán của ta; đồng thời, điện cho Đại sứ quán thuê xe chở hết số học sinh đó ra biên giới. Khi các em được đưa ra đến nơi, tôi chỉ đạo ngay anh em trong đoàn công tác đưa các em ra sân bay và đưa về trên cùng chuyến bay của ta về Việt Nam; đồng thời báo cho sứ quán Campuchia tại Việt Nam kèm danh sách đầy đủ. Nếu sứ quán Campuchia tại Việt

Nam
khó khăn, thì mình sẽ đề nghị can thiệp mua vé máy bay cho họ về nước và ưu tiên cho họ.

 

Campuchia là nước láng giềng anh em với ta, dù trong lúc khó khăn tại nơi loạn lạc như vậy, nhưng truyền thống nhường cơm sẻ áo dường như đã ăn sâu vào máu thịt người Việt mình rồi.

 

Khi sang, chúng ta đem từ bên nhà sang khoảng 5-6 tấn cả lương khô, thực phẩm, sữa để cứu đói lao động phải nằm đợi về nước. Tôi đã quyết định dành lại một phần trong số đó gửi cho các tổ chức quốc tế để họ cứu giúp những người thiếu đói tại sân bay. Khung cảnh lúc đó, người Banglades, người Ai Cập, Tunisia… tại sân bay lên tới cả trăm ngàn người chờ chực. Cùng với các tổ chức quốc tế chia sẻ với những người gặp khó khăn, đó là tấm lòng của người Việt với tinh thần quốc tế chủ nghĩa trong sáng.

 

Sau đó, tôi có báo cáo lại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và được Thủ tướng hết sức đồng tình. Khi về đến Việt Nam, tôi được biết là Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã rất cảm động về nghĩa cử này của ta với các công dân nước bạn.

 

Mỗi người là một Việt Nam

 

Một điều mà chúng tôi có thể lấy làm tự hào, đó là quốc tế đánh giá rất cao việc Chính phủ Việt

Nam
đã nhanh chóng cử đoàn công tác tới
Libya
để đưa công dân mình về nước – đây là điều không phải nước nào cũng làm được, ngay cả những nước có điều kiện thuận lợi hơn ta. Thứ nữa là Chính phủ đã có chỉ thị là đưa lao động ta về càng nhanh càng tốt.

 

Và một điều nữa, có lẽ hơi bất ngờ với nhiều người: đó là kỉ luật của người dân Việt Nam ở đây rất tốt, không có sự tranh giành như một số các cộng đồng khác ở đó. Anh em bảo nhau rất trật tự, không hề có sự hỗn loạn.

 

Chúng tôi thường nói với anh em lao động của ta, hãy giữ gìn những hình ảnh đó, giữ gìn màu cờ Tổ quốc Việt

Nam
trong mắt bạn bè quốc tế, để họ tôn trọng Việt
Nam
. Các bạn càng giúp đỡ lẫn nhau, bảo ban lẫn nhau thì chúng ta sẽ càng nhanh chóng trở về nước.

 

Và đúng như mong đợi, việc tổ chức đưa người Việt chúng ta từ nước ngoài về nước với số lượng lớn lần đầu tiên như vậy thành công một cách rực rỡ, an toàn tuyệt đối không thương tích. Chúng ta tự hào khi Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực hoàn thành đưa toàn bộ lao động của mình tại Libya trở về.

 

Khi chúng tôi rút về nước, tôi có cử 2 đồng chí ở lại Tunisia đề phòng những việc phát sinh và liên hệ với sứ quán các nước mà ta có mối quan hệ tốt để nắm bắt thông tin và nhờ họ hỗ trợ nếu có vấn đề xảy ra. Giao cho các đồng chí “trực chiến” tùy biến tình hình, tôi cũng hiểu, với mỗi người, vẫn còn đó những khó khăn trước mắt.

 

Một điều nữa mà chúng tôi vẫn đang phải tiếp tục băn khoăn và sẽ cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đó là 292 người cuối cùng không chạy sang Tunisia mà chạy sang Angieri. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đưa số lao động này về nước càng nhanh càng tốt. Chúng tôi đã liên hệ với các nơi về sứ quán mình để nếu điều kiện hạ cánh được sẽ cử ngay máy bay sang đưa những người này trở về, hoàn thành sứ mệnh một cách trọn vẹn. 

 

Tôi đã liên hệ với các tổ chức quốc tế, như đại diện IOM ở đó, gửi thư cho đại sứ của LHQ tại Geneve… và nhận được lời hứa giúp đỡ từ phía họ. Nhưng chúng ta không thể ngồi đó đợi sự giúp đỡ của các bạn được, mà phải chủ động. Hiện máy bay đã sẵn sàng để khi lao động ta ra tới sân bay thì lập tức sang đón. Số 292 lao động còn lại, đồng chí Đại sứ đã xuống tận nơi động viên, thăm hỏi. Thông tin từ sứ quán cho biết, anh em bên đó đều rất khỏe mạnh.
 

 "Người làm ngoại giao là những chiến sĩ tuyến đầu ở thời bình"

Người ta thường có một hình ảnh so sánh: thời chiến, người chiến sĩ ngoài chiến trường là những người ở tuyến đầu, còn ngoại giao đứng ở đằng sau để hỗ trợ; nhưng sang thời bình, dường như những chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao lại chính là những người ở tuyến đầu. Và không chỉ làm nhiệm vụ trên mặt trận không tiếng súng, đôi khi, như trường hợp này, chúng tôi thực sự là những người đi vào “tuyến lửa”.

 

Song chúng tôi cũng đều hiểu rằng, những điều đó chưa là gì so với sự anh dũng, hi sinh của lớp người đi trước. Chưa bao giờ chúng tôi tự coi mình là anh hùng, mà chỉ là những cán bộ Ngoại giao luôn luôn hết mình vì công việc, và khi làm việc này tôi chỉ nghĩ tới việc phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Chúng tôi hoàn thành công việc với thức trách nhiệm cao nhất, cộng với tình cảm của những người con đất Việt; và nếu đặt vào cương vị của tôi, là bất cứ ai cũng sẽ làm như vậy mà thôi.

 

Trong “chiến dịch” vừa qua, tôi cảm thấy rất tâm đắc và hãnh diện bởi từ Chính phủ tới mỗi người dân Việt

Nam
trong nước đều quan tâm, đều một lòng trông ngóng tin từ bên này về. Đó là động lực cho tất cả anh em, và cho chính tôi mỗi đêm ngồi bên bàn máy, viết báo cáo tình hình gửi Thủ tướng và gửi đôi dòng ngắn ngủi: anh em bên này vẫn an toàn, mọi việc suôn sẻ…

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng kể

Đông Linh – Nam Phong ghi


Bình luận
vtcnews.vn