Chung cư cao cấp: Chủ đầu tư tự 'vẽ' quy chuẩn

Kinh tếThứ Sáu, 06/05/2011 01:08:00 +07:00

(VTC News)-Vì thiếu chỗ ở, phải toát mồ hôi chen nhau đi mua nhà, nên người dân biết nhưng vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt” với những căn nhà chung cư kém chất lượng.

(VTC News) - Cung vượt quá cầu đã khiến cho chất lượng các nhà chung cư tại Hà Nội hiện nay không được đảm bảo. Vì thiếu chỗ ở, phải toát mồ hôi chen nhau đi mua nhà, nên nhiều người dân biết nhưng vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt” với những căn nhà chung cư kém chất lượng.

 

Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, một trong những chuyên gia am hiểu về thị trường bất động sản xung quanh vấn đề này.

 

- Hiện nay người dân sống tại các khu chung cư tại Hà Nội đang phải “kêu trời” về chất lượng. Theo ông lý do vì sao?

 

Theo GS. Đặng Hùng Võ: Tại Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn nào cụ thể choc hung cư cao cấp, thực chất quy chuẩn của chung cư cao cấp do chính chủ đầu tư tự… vẽ.

 
- Đúng là chất lượng của các chung cư hiện nay ở nhiều nơi đang bị kêu rất nhiều, nhất là các khu tái định cư, nhà thương mại và các chung cư bình dân, thậm chí cả các khu chung cư VIP. Các sự cố về điện, nước, rơi vữa, thấm tường,… thì nhiều vô kể.

 

Hiện nay quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nhà chung cư cũng đã có. Nhưng theo tôi cái yếu cơ bản dẫn đến kém chất lượng là câu chuyện tham nhũng trong xây dựng và đất đai. Trong đó, yếu tố rút chất lượng cho lợi nhuận cao hơn là hình thức tham nhũng phổ biến nhất.

 

Tình trạng này cũng đã khắc phục rất nhiều, thực tình có tốt hơn nhưng chưa đảm bảo được như mong muốn. Câu chuyện làm sao có quy trình kiểm tra chất lượng thật tốt, để xác định nhà có đúng quy chuẩn được đặt ra hay không, hiện nay vẫn là bài toán chung của Việt Nam.

 

Đây là vấn đề Việt Nam đang rất yếu. Thậm chí, ngay cả khi đã kiểm tra cũng không chắc chắn là đúng quy chuẩn kỹ thuật, chính vì thế kết luận cuối cùng cũng không đảm bảo độ chính xác. Và vì vậy, chất lượng không đảm bảo là điều đương nhiên.

 

- Chúng ta cũng đã có những quy định xử phạt trong lĩnh vực xây dựng, nhưng theo ông tại sao đến giờ vẫn chưa có một vụ việc vi phạm chất lượng xây dựng tại các chung cư nào được xử lý?

 

- Đây vẫn là câu chuyện chính sách có thừa, nhưng thực thi thì không đến đâu. Chúng ta mải lo chuyện xây dựng chính sách pháp luật, chăm chút hệ thống pháp luật đầy đủ, thậm chí rất sốt ruột khi điều này, điều kia không được quy định trong luật pháp.

 

Nhưng 50% câu chuyện nằm ở chỗ thực thi luật pháp, chúng ta lại không đủ cơ chế để luật pháp được thực thi. Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng mà cả nhiều ngành khác. Trừ những cái được đôn đốc, chỉ đạo sát sao như việc đội mũ bảo hiểm, còn lại gần như việc thực thi pháp luật rất trễ nải.

 

Chúng ta cũng chưa có hình thức phạt nặng để đủ răn đe nhà đầu tư. Chủ yếu vẫn là phạt hành chính.

 

Khi xảy ra sự cố, sự việc cũng chỉ được tặc lưỡi “xong rồi thì thôi”. Người tiêu dùng bức xúc thì tự gửi yêu sách đến nhà đầu tư, còn nhà đầu tư thì phái người đến xem xét, sửa chữa và rất có thể tình trạng hư hỏng lại diễn ra.

 

- Chất lượng không được kiểm chứng, chủ đầu tư thì thờ ơ. Nhưng thị trường căn hộ chung cư ở Hà Nội vẫn sốt. Phải chăng vì cung đã vượt quá xa cầu?

 

- Cung ở Hà Nội quá thấp, nên với người dân có được một chỗ ở đã là quý lắm rồi. Nhiều khi người dân than phiền về chất lượng không đạt như ký hợp đồng ban đầu, nhà đầu tư cũng rất thoải mái lấy nhà và trả lại tiền cho người tiêu dùng.

 

Nhưng than phiền thế, chứ người dân lại không dám trả lại nhà cho nhà đầu tư vì trả lại cũng không có được chỗ nào tương đương như vậy. Vì vậy, người tiêu dùng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

 

Cũng chính vì cung vượt cầu nên sau những vụ hỏa hoạn hay lở tường, sập trần, thụt nền nhà, rò rỉ điện… gây nguy hiểm đến tính mạng con người, mặc dù lo sợ và ngần ngại nhưng cuối cùng thì vẫn không thấy ai không ở nhà chung cư nữa.

 

Hiện nay chất lượng nhà chung cư tại TP.HCM đã tốt hơn rất nhiều. Cách đây 5 năm, câu chuyện chất lượng này cũng đã khiến không ít người dân phải bức xúc. Nhưng đến nay, khi cung và cầu đã gần bão hòa, thì câu chuyện này cũng không được nhắc tới nữa.

 

Quy chuẩn là của chủ đầu tư

 

- Thưa ông, hiện nay đã có quy định nào về tiêu chuẩn của “Chung cư cao cấp” chưa?

 

- Theo tôi thấy thì chưa có sự phân loại nào như thế. Các chủ đầu tư chỉ đang tự vẽ và tự gắn mác “cao cấp” vào để thu hút người tiêu dùng và lợi dụng đẩy giá lên. Chung cư cao cấp theo chủ đầu tư là có mặt bằng rộng, không khí thoáng, ánh sáng tốt, địa điểm tốt. Đây thực chất chỉ là một “chiêu” quảng cáo.

 

- Hiện nay, vấn đề thu phí của các chung cư cũng khiến người dân rất bức xúc. Mặc dù cũng đã có quy định nhưng tại sao mức phí vẫn được thu cao hơn quy định mà chưa có biện pháp xử lý?

 

- Ở Việt Nam xảy ra tình trạng là phí dịch vụ lẽ ra phải thỏa thuận ngay khi bán nhà, thì lại để bán xong rồi mới tính phí dịch vụ. Nên mới xảy ra chuyện đôi co giữa người ở với chủ đẩu tư.

 

Và câu chuyện này luôn không sòng phẳng, thế yếu vẫn thuộc về người tiêu dùng. Vì nếu lúc này không muốn mua, chuyển đi chỗ khác thì câu chuyện càng phức tạp hơn. Người tiêu dùng không được nắm đằng chuôi, mà chỉ đang nắm đằng lưỡi.

 

Còn về xử phạt, tôi cho rằng đây là câu chuyện thị trường, giá bao nhiêu được quyết định bởi việc mặc cả giữa NTD và chủ đầu tư hoặc công ty quản lý tòa nhà đó. Phạt về chất lượng là đúng, nhưng cái này không phạt được.

 

Ví dụ thế này, quy định trần gửi xe ô tô là hơn 1 triệu, nhưng chủ đầu tư thu 2 triệu đồng vì tối đến tôi có lau chùi, bảo dưỡng xe cho ông, thế thì người tiêu dùng cũng không thể kiện được.

 

Đưa ra can thiệp hành chính là để các nhà đầu tư đừng có tự tung tự tác quá, còn đây là câu chuyện thị trường.

 

- Thế yếu luôn thuộc về người tiêu dùng, vậy phải chăng người tiêu dùng chưa có cách thức đúng để bảo vệ mình?

 

- Người Việt Nam vốn tiết kiệm mức cao nhất, nên không quen dùng và tiếc tiền khi sử dụng những dịch vụ cần có để bảo vệ quyền lợi cho mình như: tư vấn pháp luật, các vấn đề về quy hoạch, thông tin, các dịch vụ khác.

 

Trong khi không sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng có thể sẽ bị thất thiệt rất lớn, đây là văn hóa thị trường không cao. Nhiều dịch vụ đúng là không cần thiết, nhưng nếu biết chọn lựa thì sử dụng dịch vụ sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho người tiêu dùng. Thí dụ như tư vấn nên mặc cả dịch vụ trước khi mua nhà.

 

- Xin cám ơn ông!

 

Châu Anh(thực hiện)

 

Bình luận
vtcnews.vn