Chưa ngã ngũ cơ quan quản lý việc phòng chống rửa tiền

Thời sựThứ Tư, 14/12/2011 07:40:00 +07:00

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên quy định cụ thể cơ quan nào sẽ chuyên trách chống rửa tiền...

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên quy định cụ thể cơ quan nào sẽ chuyên trách chống rửa tiền bởi chưa hề có một cơ quan nào làm hết mọi việc về phòng, chống rửa tiền.


Tại buổi làm việc chiều 14/12 về dự án Luật phòng, chống rửa tiền, Báo cáo một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, về mô hình Cơ quan phòng chống rửa tiền, nhiều ý kiến nhất trí Cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước.


Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, nếu quy định nội dung “phòng, chống tài trợ khủng bố” trong Luật này thì Cơ quan phòng chống rửa tiền nên thuộc Bộ công an thì mới có thể thực hiện phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.


Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng tiếp nhận, xử lý và chuyển giao thông tin về rửa tiền. Chức năng điều tra, xử lý vi phạm do các cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện.


Trên thực tế, cơ quan phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam được thành lập từ năm 2006 với vị trí là một đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Quá trình hơn 5 năm qua, hoạt động của cơ quan này đã có sự phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan, không phát sinh vướng mắc. Do vậy, việc đặt cơ quan này tại Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.


Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, về cơ quan chuyên trách chống rửa tiền cần quy định trách nhiệm của từng cơ quan mà không nên quy định riêng (Ảnh; VNN). 

Tuy nhiên, thảo luận về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ phân tích về sự không hợp lý khi đặt Cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Ngọ, hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố đều là hành vi vi phạm pháp luật về hành chính, hình sự, thậm chí hành vi này có thể được thực hiện biến tướng và tinh vi mà Ngân hàng Nhà nước không dễ để phát hiện, công tác phòng chống đạt hiệu quả thấp.

Ông Ngọ cũng cho rằng, hiện Bộ công an đã có cơ quan chuyên trách về phòng chống tội phạm rửa tiền, theo đó, nên đặt cơ quan thông tin tại Ngân hàng Nhà nước, còn đơn vị chuyên trách đấu tranh phòng chống rửa tiền đặt tại Bộ công an.


Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn đồng tình với quan điểm của Bộ Công an, theo ông Tuấn, Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp thực hiện hay xử lý hành vi rửa tiền mà chỉ phát hiện, rồi chuyển giao cơ quan điều tra.


Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên quy định cụ thể cơ quan nào sẽ chuyên trách chống rửa tiền bởi chưa hề có một cơ quan nào làm hết mọi việc về phòng, chống rửa tiền. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần quy định trách nhiệm của từng cơ quan mà không nên quy định riêng.


Bảo vệ quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong dự án Luật phòng chống rửa tiền đã quy định rõ mô hình cơ quan chuyên trách. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan thực hiện chức năng tiếp nhận, chuyển giao và xử lý thông tin về rửa tiền. Chức năng điều tra, xử lý vi phạm do các cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện.


Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn