Chưa có phương án điều chỉnh giá điện

Kinh tếThứ Hai, 28/05/2012 06:41:00 +07:00

(VTC News) - Việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu sẽ phụ thuộc vào các yếu tố của thị trường, khi nào chín muồi mới điều chỉnh.

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, Bộ chưa có phương án điều chỉnh giá điện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thông báo tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 27/5.

Mặt bằng lãi suất sẽ hạ dần

Theo Bộ trưởng Đam, phải làm rõ các yếu tố về giá, giảm dần những yếu tố bao cấp làm méo mó thị trường. Còn thời điểm nào thay đổi giá điện, không ai có thẩm quyền công bố, phụ thuộc vào các yếu tố của thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cũng khẳng định bộ này chưa có phương án điều chỉnh giá điện.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, mặt bằng lãi suất sẽ hạ dần phù hợp với mức giảm của lạm phát. Hiện nay, vốn trong hệ thống ngân hàng không thiếu, nhưng tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn ở mức âm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam 
Trong khi chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15 - 17% nên dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn. Do vậy, lãi suất đã giảm nhưng cần giảm nữa cho phù hợp với lạm phát và cần phải bơm vốn vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu đúng định hướng, đặc biệt là doanh nghiệp đưa tiến bộ khoa học mới vào ứng dụng, sử dụng tài nguyên sạch.

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là thực hiện điều hành lãi suất theo hướng mặt bằng lãi suất hạ dần phù hợp với mức giảm của lạm phát đồng thời điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (từ 7 - 8%).

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo kiên quyết về việc đưa vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo Nghị quyết 13/NQ-CP. Điều hành mức cung ứng tiền và mức tăng trưởng tín dụng hợp lý trong các tháng từ nay đến cuối năm để bảo đảm thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhưng không để lạm phát cao quay trở lại.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt để xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ,… cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã tương đối tốt, đề án tái cơ cấu ngân hàng đang thực hiện đúng lộ trình. Vấn đề là dù lạm phát xuống, dòng tiền trong ngân hàng hiện nay tốt, tăng trưởng tín dụng đã nhích lên nhưng 5 tháng đầu năm vẫn âm. Dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm còn rất lớn, khoảng 15 - 17%.

“Bây giờ sẽ tập trung bơm tiền, dư địa tín dụng 2%/tháng. Lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn cao nên phải tiếp tục giảm để phù hợp với mức giảm của lạm phát. Doanh nghiệp khó khăn và thiếu vốn. Vốn trong ngân hàng không thiếu, nhưng tăng trưởng tín dụng đến giờ vẫn âm, chứng tỏ còn dư địa để phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng phải đúng với chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Đam nói.

Vốn ngân hàng không thiếu nhưng phải chọn lọc hỗ trợ

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định kinh tế - xã hội 5 tháng đã và đang có chuyển biến tích cực qua từng tháng. Từng ngành, từng lĩnh vực đều có xu hướng phục hồi, vượt qua khó khăn, thể hiện rõ nhất là lạm phát được kiểm soát (CPI tháng 5 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cuối năm 2011); kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành sản xuất, dịch vụ đều tăng dần tuy còn chậm. Niềm tin vào VNĐ trở nên vững chắc, dự trữ ngoại tệ tăng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận kinh tế trong nước còn một số khó khăn cần giải quyết. Tăng trưởng kinh tế thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Hàng tồn kho giảm chậm. Mặt bằng lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn.

Trong đầu tư phát triển, cả doanh nghiệp khu vực trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều phát triển chưa mạnh. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng. Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng ước đạt 39,3%, khá thấp so với cùng kỳ năm trước.

“Chúng ta đã đi đúng hướng và ngày càng vững chắc. Đây cũng là đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi họp báo.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, là bảo đảm điều hành không giật cục, không để lạm phát trở lại. Bối cảnh khó khăn hiện nay cũng được Chính phủ nhận định là thời cơ tốt để tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Đam, với 180.000 tỉ đồng thu của năm nay, 45.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu, cộng một số nguồn vốn tiết kiệm từ Nghị quyết 11, đầu tư công hiện có khoảng 240.000 tỉ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, mới giải ngân được 66.000 tỉ đồng, trung bình mỗi tháng mới tiêu 12.000 tỉ đồng, dư địa chi đầu tư công từ nay tới cuối năm mỗi tháng khoảng 25.000 tỉ đồng.

“Dư địa tín dụng hiện nay còn rất lớn, bảo đảm không để lạm phát quay lại. Quan trọng nhất là tính toán đầu tư công vào đâu để bảo đảm hiệu quả ngay, giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho”, ông Đam nói.

Hiện nay thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tương đối tốt. Vốn trong ngân hàng không thiếu, nhưng phải tính tháo gỡ cho doanh nghiệp nào, ngành nghề nào. Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ tháo gỡ vốn cho các doanh nghiệp nông thôn, xuất khẩu...

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ nhấn mạnh phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 13 của Chính phủ. Đồng thời, khẳng định sẽ từng bước hạ lãi suất tín dụng, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế.

Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp, chỉ đạo quyết liệt để xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ... cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời, nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế. Thực hiện điều hành lãi suất theo hướng mặt bằng lãi suất hạ dần phù hợp với mức giảm của lạm phát.

Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA cũng được coi là biện pháp hiệu quả để tăng tổng cầu giúp tháo gỡ một phần hàng tồn kho của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn