Chủ tịch Quốc hội nêu 5 trọng trách nặng nề của kỳ họp thứ 10

Thời sựThứ Ba, 20/10/2015 12:07:00 +07:00

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đưa ra 5 trọng trách nặng nề của các đại biểu trong kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ.

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đưa ra 5 trọng trách nặng nề của các đại biểu trong kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ.

Sáng nay 20/10, kỳ họp Quốc hội lần thứ 10, khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá năm 2015 là năm mà nền kinh tế, tài chính của thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, giá dầu giảm sâu, tình hình biển Đông với nhiều phức tạp, nguy hiểm đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, kinh tế xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng, tính cạnh tranh, cơ cấu ngân sách thiếu bền vững, bội chi vẫn cao, nợ công tăng. Nông nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục khó khăn.

Bên cạnh đó, thị trường kinh tế xã hội phát triển chậm, thị trường lao động, bất động sản khó khăn, năng suất lao động thấp, vẫn còn nhiều biểu hiện xấu về văn hóa, đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội.

“Điều này đòi hỏi toàn đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết, thống nhất tư tưởng hành động, có giải pháp căn cơ để vượt qua khó khăn và thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2015, nhiệm vụ 5 năm 2011 – 2015, tạo thế và lực, đưa đất nước vào chặng đường phát triển tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng kỳ họp Quốc hội thứ 10 có khối lượng công việc lớn với 5 nhóm công việc quan trọng.

Thứ nhất, kỳ họp lần này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 18 dự án luật, nhiều Nghị quyết, cho ý kiến 8 dự luật khác. Công tác lập pháp là nội dung trọng tâm của kỳ họp, với tinh thần thượng tôn pháp luật, Quốc hội sẽ thông qua các dự luật, bộ luật nhằm hoàn thiện luật để bảo vệ công lý, quyền con người, công dân, củng cố quốc phòng an ninh, an toàn xã hội theo tinh thần Hiến pháp mới.

Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 và ban hành Nghị quyết về các nội dung này.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015, kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, kế hoạch tài chính 2016 – 2020.

Thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, báo cáo của Chính phủ về thi hành án, phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng chống tham nhũng 2015, giám sát tối cao thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiên nghị cử tri và kết quả giám sát thực hiện giải quyết kiến nghị gửi đến kỳ họp lần thứ 9. Xem xét báo cáo Chính phủ, các bộ trưởng về thực hiện Nghị quyết về giám sát chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Thứ tư, Quốc hội sẽ quyết định ngày bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp năm 2016 – 2021, thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia, bầu Chủ tịch, phê chuẩn Phó Chủ tịch, ủy viên hội đồng, bầu Tổng thư ký Quốc hội.

Cuối cùng, Quốc hội sẽ góp ý kiến dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là kỳ họp quan trọng, đặt ra nhiều trách nhiệm lớn lao với đại biểu Quốc hội.

“Tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, các cơ quan Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan dành thời gian, công sức tiếp tục chuẩn bị hoàn thiện chu đáo các nội dung trình Quốc hội đúng tiến độ, đúng tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn