Chủ tịch Quốc hội: 'Không thể không tăng lương được đâu'

Thời sựThứ Sáu, 10/10/2014 07:17:00 +07:00

Tại phiên họp của UBTV QH ngày 9/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tính toán lại tiền lương vì 'không thể không tăng lương được được đâu.

Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội vàthu chi ngân sách năm 2014 cùng dự kiến kế hoạch năm 2015 tại phiên họpcủa UBTV QH 9/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tính toán lại tiền lương vì 'không thể không tăng lương được đâu!'.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh TiếnDũng, ngân sách năm 2015 sẽ ưu tiên chi cho quốc phòng, an ninh và tăngchi trả nợ, do đó Chính phủ cho rằng chưa bố trí được nguồn để cải cách tiền lương cơ sở.

Cân đối ngân sách đang hết sức căng thẳng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong chín tháng đầu năm, kinh tế, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực; tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; thu ngân sách nhà nước đạt cao so với cùng kỳ những năm gần đây.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc cân đối ngân sách nhà nước hiện rất khó khăn. “Chúng ta đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công và huy động nguồn trái phiếu chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay mà còn không thể bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo” - ông Giàu lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định cân đối ngân sách đang hết sức căng thẳng. Ảnh: TTXVN 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định cân đối ngân sách đang hết sức căng thẳng. Ngân sách năm 2015 sẽ ưu tiên chi cho quốc phòng, an ninh và tăng chi trả nợ. Do đó Chính phủ cho rằng chưa bố trí được nguồn để cải cách tiền lương cơ sở.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay nhiều ý kiến trong ủy ban đề nghị cần tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống cho một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính. Song cũng có ý kiến lo ngại trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bộ máy hành chính cồng kềnh, năng suất lao động thấp, nếu tăng lương cơ bản sẽ làm tăng chi ngân sách lớn.

“Năm 2014 đã hoãn tăng lương, 2015 cũng không thể bố trí nguồn, dư luận hơi băn khoăn nhưng nếu tăng lương thì tiền ở đâu?” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Phải tính toán câu chuyện tiền lương. Ăn hết rồi mà lại không có lương thì tôi chẳng hiểu thế nào. Không tăng lương không được đâu. Như ở Văn phòng Quốc hội, nếu không thể có lương cao cho chủ tịch thì cũng phải giải quyết cho cán bộ ở dưới”. “Mấy ông đang đi làm việc thì còn có thể kêu gọi chưa tăng lương chứ các cụ về hưu mà không giải quyết cho họ thì không được” - ông Hùng nhấn mạnh.

Vay ào ào làm sao phát triển được!

Đề cập đến con số thu ngân sách của năm 2014 ước đạt 52.000 tỉ đồng, ông Hùng cho rằng từ nay đến cuối năm còn ba tháng nữa nên thu ngân sách phải tăng lên. “Thu ngân sách cứ phải 80.000 tỉ đồng trở lên, không thực hiện được thì cứ tôi mà phê bình” - ông Hùng nêu ý kiến.

Ông Hùng cũng cho rằng cơ cấu chi ngân sách có đến 72% là chi thường xuyên là rất xấu, cần phải thay đổi từ năm 2015 theo hướng 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư và 20% trả nợ. Không thể thu được đồng nào đem xài hết đồng đó, rồi đầu tư thì hãm đi và cứ vay tiền ào ào sẽ không phát triển được đất nước.

“Sang năm nợ công tăng lên rồi. Nếu cứ như thế này đến 2015 sẽ “xơi” hết thì 2016 và 2020 lấy gì bội chi, phát triển” - ông Hùng cảnh báo và nhắc nhở bộ trưởng Bộ Tài chính và bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đừng vì đổi mới quá mà quên hết các bài toán cơ bản. Đó là cân bằng thu chi; không phát hành trái phiếu lu bù để chi; thu lấy mà chi; tích lũy mà tiêu dùng… Ông Hùng đề nghị: “Năm 2015, tổng đầu tư toàn xã hội phải nâng lên tối thiểu là 30% chứ không dừng lại mức 28%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay so với kế hoạch năm năm thì tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt quá thấp, điều này phản ánh môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.

 “Tích lũy đầu tư được cân bằng nhưng vẫn phải vay để chi đầu tư, qua đó cho thấy một phần không nhỏ tích lũy đã không được chuyển vào đầu tư sản xuất kinh doanh và chưa có giải pháp huy động, thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển, tạo ra công trình chất lượng tốt với giá thấp hơn” - ông Giàu nhấn mạnh.


Theo ông Giàu, để có nguồn chi cho đầu tư phát triển, năm 2015 Chính phủ cần rà soát, đánh giá, sử dụng hiệu quả hơn các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đồng thời xây dựng đề án sử dụng nguồn tiền thu được từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, cổ tức từ phần vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp cũng như nguồn thu từ khai thác, bán tài sản công vào ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển.

 Ông Giàu cũng đề nghị tiếp tục rà soát các nhiệm vụ chi, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh việc thực hiện trên thực tế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, chi tiêu ngân sách nhà nước.

Theo PLO
Bình luận
vtcnews.vn