Chủ tịch Quốc hội: 'Đừng để hoạt động giám sát không hiệu quả bằng một bài báo'

Thời sựThứ Hai, 19/01/2015 07:40:00 +07:00

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội cần được quy định thực chất hơn, tránh để 'hiệu quả kém cả một bài báo'

(VTC News) – Chủ tịch  Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội cần được quy định thực chất hơn, tránh để hiệu quả kém cả "một bài báo biết xoáy vào một vấn đề cụ thể".

Cho ý kiến bước đầu về các vấn đề lớn của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều nay (19/1), nhiều ý kiến bày tỏ chưa đồng tình với các quy định về quyền giám sát tối cao của Quốc hội được nêu trong dự thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội là giám sát. Trong Hiến pháp quy định giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao. Vậy trong luật này cần làm rõ:“Giám sát tối cao là gì? Tính chất tối cao trong giám sát của Quốc hội cần phải làm rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự thất vọng đối với dự thảo Luật  hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
“Khái niệm về giám sát trong dự thảo luật tôi thấy chưa đầy đủ lắm. Chỉ có “theo dõi, xem xét và đánh giá”, vậy thì làm gì đã có hiệu quả giám sát. Nhẹ quá. Riêng chỗ này cần bổ sung để làm rõ, giám sát là xem xét, đánh giá, và cần phải đề xuất hình thức xử lý nữa”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát, bà Ngân cũng cho rằng dự thảo luật này cần phải bổ sung các quy định cụ thể hơn về hoạt động giám sát. 

“Có những chỗ tôi đọc để xem thế nào là giám sát thì còn trống nhiều lắm. Chủ yếu mới là liệt kê ra các hình thức giám sát, các quy định về giám sát chưa thấy đâu. Ở đây chỉ liệt kê ra thôi, chưa thấy có gì mới’, bà Ngân đánh giá.

Đồng tình với ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, mặc dù dự thảo này đã được chuẩn bị khá công phu nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống cần sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thay đổi thực sự, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân.

Theo ông Giàu, khái niệm ‘Giám sát’ được nêu trong dự thảo luật không có gì mới so với luật cũ năm 2003. Việc quy định hình thức giám sát, hiệu quả giám sát cũng không rõ ràng nên khó tạo sự thay đổi căn bản về chất trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ sự thất vọng với dự thảo Luật  hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, trong hoạt động Quốc hội mới chỉ thấy việc lấy phiếu tín nhiệm, rồi hoạt động chất vấn là có kết quả rõ rệt. Còn hoạt động giám sát của Quốc hội chưa thấy hiệu quả thực sự nào. “Ngay cả việc giám sát trả lời đơn thư tố cáo cũng chưa thấy đâu”, ông Hùng đánh giá.

Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, muốn làm tốt chức năng của Quốc hội thì phải sửa quy định giám sát theo hướng cụ thể hơn, có đề xuất hình thức xử lý hậu giám sát. Nếu việc giám sát chỉ đưa ra theo kiểu chung chung, không đề cập đến biện pháp xử lý sẽ không thực chất, không có tác dụng.

 

Hiện nay, hiệu quả giám sát chưa chắc bằng bài báo xoáy vào chỗ này, chỗ kia, bật ra, cuối cùng lại có kết quả. Cứ giám sát, rồi báo cáo trước Quốc hội tràng giang đại hải, không thấy có kết quả gì cả.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
 
“Nhiều khi hiệu quả giám sát chưa chắc bằng bài báo xoáy vào chỗ này, chỗ kia, bật ra, cuối cùng lại có kết quả. Cứ giám sát, rồi báo cáo trước Quốc hội tràng giang đại hải, không thấy có kết quả gì cả”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá.

Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, giờ cơ quan nào cũng có giám sát nhưng kết quả thực hiện gần như không có gì. 

“Đảng cũng có giám sát, Mặt trận Tổ Quốc có giám sát, HĐND cũng có giám sát, Quốc hội từ lâu cũng có có giám sát. Vậy nhưng kết quả hiệu quả thực tế nào? Cần phải có quy định rõ ràng hơn để hoạt động giám sát hiệu quả hơn, chứ không chỉ chung chung, giám sát xong rồi để đó”, ông Hùng nói.

Trước những ý kiến của các Đại biểu, thay mặt ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến, tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định trong dự thảo luật cho phù hợp, để trình Quốc hội cho xin ý kiến vào kỳ họp tới.

Được biết, dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003) và Chương III của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2003) và các quy định khác có liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đây là dự án quy định một cách toàn diện hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Dự thảo Luật gồm 4 chương, 83 điều. 

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn