Chủ tịch Hà Nội lý giải việc phải chặt hạ, di dời hơn 1.300 cây xanh

Thời sựThứ Sáu, 23/06/2017 17:25:00 +07:00

"Nếu đến ngày 31/7, chúng ta không thi công thì Nhật Bản sẽ rút vốn ODA về", ông Chung nói về câu chuyện đánh đổi giữa làm đường và giữ cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 23/6, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố vừa trải qua đợt nắng nóng hơn 45 độ C. Đây là đợt nóng bất thường mà hơn 40 năm Hà Nội mới gặp lại. Nguyên nhân theo Chủ tịch Hà Nội không chỉ do thời tiết mà còn có việc lấp ao hồ và vấn đề cây xanh.

Đã trồng thêm được 320.000 cây xanh

Theo ông Chung, các quận nội thành Hà Nội còn 122 hồ, tổng diện tích gần 1.100 ha, ngoại thành có 150 hồ, 534 ha. So với các đô thị của các nước trong khu vực thì thành phố có nhiều ao hồ nhất. Từ tháng 3/2016, thành phố đã thực hiện kế hoạch toàn diện để xử lý ô nhiễm tại các ao hồ.

Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch trong vòng 5 năm (2016-2020) xây thêm 25 công viên và trong các công viên đào thêm 25 hồ.

Về vấn đề cây xanh, ông Nguyễn Đức Chung thông tin đến hết năm 2015, trung bình mỗi người dân Hà Nội có 6,7- 6,8 m2 cây xanh. Thành phố phấn đấu tới năm 2020, con số này đạt 10-11 m2. Để thực hiện, Hà Nội đã đưa ra chương trình một triệu cây xanh, đến nay trồng được khoảng 320.000 cây.

Nhat Ban se rut von ODA neu khong lam duong truoc 31/7 hinh anh 1

Hàng cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng sẽ được chặt hạ. (Ảnh: Quỳnh Trang)

Theo tính toán của các nhà khoa học, sau 5 năm, một triệu cây xanh sẽ tạo ra 15-18 triệu m2 cây xanh để giúp Hà Nội đặt chỉ tiêu 10 m2 cây xanh mỗi người đã đề ra. Số cây này sẽ giúp giảm được 1-1,5 độ C trong những ngày nắng nóng, giúp giảm ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Nội cũng thông tin về việc cơ giới hóa toàn bộ khâu thu gom rác thải, giúp giảm bụi trong không khí; đưa công nghệ nghiền các phế thải xây dựng, vật liệu mà từ trước đổ đi tạo ra vật liệu tái tạo...

Công khai việc đánh chuyển cây xanh

Nói về việc chặt  hạ cây xanh hay không, Chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng trong quá trình phát triển đô thị nói riêng và của cả nước nói chung, không tránh khỏi câu chuyện phải đánh chuyển, cũng như chặt hạ các cây xanh đã trồng.

"Để phát triển kinh tế, phát triển giao thông phải chặt hạ các cây đã quá già", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Nhắc đến câu chuyện 1.300 cây xanh dọc đường Phạm Văn Đồng, ông Chung cho biết lãnh đạo Hà Nội và các ban ngành rất cân nhắc việc chặt hạ. Đây đồng thời là tuyến đường vành đai 3, theo quy hoạch việc mở rộng lấy kinh phí từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

"Nếu đến ngày 31/7, chúng ta không thi công thì Nhật Bản sẽ rút vốn ODA về", ông Chung nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Nội cho biết thêm trong quá trình khảo sát, tuyến đường này được quy hoạch từ 1992, tức là sau khi ta làm xong cầu Thăng Long. Đa số cây xà cừ được trồng từ 1992-1996 có độ tuổi hơn 20 năm. "Khi làm việc với các nhà khoa học, tôi khẳng định các cây này không thể trồng ở tuyến phố nào cả", ông Chung nói.

Video: Người dân nói gì về việc Hà Nội sắp chặt hạ, di chuyển hơn 1.300 cây xanh?

Ông Nguyễn Đức Chung cũng dẫn chứng nếu đánh chuyển và trồng lại thì hiện Hà Nội không có vỉa hè nào có thể trồng được các cây xà cừ đã đánh chuyển. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể trồng vào công viên mới. Tuy nhiên, thành phố cũng không thể trồng tất cả xà cừ ở công viên vì còn có hoa và các loại cây khác.

Thành phố dự kiến sẽ đánh chuyển các cây thẳng còn khả năng phát triển. Những cây cong thì sẽ chặt hạ để bán gỗ.

"Trong quá trình làm, thành phố sẽ tính toán hiệu quả kinh tế nhất. Sau khi tính toán xong sẽ công khai toàn bộ việc di chuyển, đánh chuyển các cây xanh trên các tuyến phố", ông Chung nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn