Chủ tịch Bình Dương làm 'sai luật để sáng tạo': Nếu tham nhũng, cần xử nghiêm

Thời sựThứ Sáu, 12/12/2014 12:10:00 +07:00

Trước giải trình của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cun về sai phạm quản lý đất đai, ĐBQH TP.HCM cho rằng nếu vận dụng dựa trên lợi ích riêng phải xử lý

(VTC News) - Đại biểu TP.HCM, TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM: "Nếu  ông Cung vận dụng mà có yếu tố riêng của ông, thậm chí là tham nhũng thì cái đó sai, buộc phải xử lý".

Ngày 10/12, trước kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm trong quản lý đất đai tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 - 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung giải thích việc làm của mình "chiếu theo luật là sai nhưng đó là cách làm sáng tạo, thuận lợi cho thu hút đầu tư".

Tuy nhiên lời giải trình này gây phản ứng trong dư luận vì "sáng tạo, thu hút đầu tư" mà lại gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Đại biểu HĐND TPHCM, TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News xung quanh vấn đề này.
Đại biểu TPHCM TS Võ Văn Sen 

- Thưa ông, trong giải trình mới đây của Chủ tịch tỉnh Bình Dương về sai phạm trong quản lý đất đai tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2011 gây thất thu hàng trăm tỷ đồng, ông Lê Thanh Cung nói "chiếu theo luật là sai nhưng đó là cách làm sáng tạo, thuận lợi cho thu hút đầu tư", ông bình luận gì về câu trả lời này?

Chúng ta phải xem xét các dự án đó thời hạn thế nào, dài hạn, ngắn hạn hay trung hạn. Đối với dự án kéo dài nhiều năm thì phải xét tính thuế từ lúc nào, giai đoạn nào.

Nếu luật chưa rõ, không chi tiết thì địa phương có thể làm theo hướng có lợi cho nhà đầu tư để thu hút đầu tư nhưng điều đó bắt buộc phải trình lên cấp trên xem xét, giải quyết. Do luật ở nước ta cũng có nhiều điều chưa được làm rõ nên người thi hành luật cũng dễ lâm vào vướng mắc trong thực tiễn.

Xét vấn đề ông Cung thì phải xem ông vận dụng thế nào, có thể được hay không, phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Cái nào vận dụng luật được, cái nào không vận dụng luật được.

Khi ông Cung đang đương chức, đại diện chính quyền địa phương thi hành chấp pháp thì buộc phải thực hiện đúng pháp luật, thế nhưng pháp luật cũng có những điểm chưa rõ thì vẫn có những khoản để mà vận dụng cho phù hợp thực tiễn.

 Thông báo số 2923/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đề nghị xử lý sai phạm trong quản lý đất đai tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2011, gây thất thu tiền sử dụng đất trên 156 tỷ đồng; nợ đọng, tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất gần 900 tỷ đồng. Ảnh: Phan Cường

- Thế nhưng theo kết luận Thanh tra Chính phủ thì ông Cung trong quá trình lãnh đạo đã để xảy ra sai phạm quản lý đất đai, thất thu hàng trăm tỷ đồng, như vậy không thể nói là vận dụng "sáng tạo" thưa ông? 

Theo tôi, sau khi có kết luận của Thanh tra chính phủ thì ông Cung phải giải trình để xem cái nào được phép vận dụng cái nào không được phép. Xem xét sự vận dụng mang tính cá nhân hay là thông qua Thường vụ tỉnh ủy.

 
Nếu ông Cung vận dụng mà có yếu tố riêng, lợi ích nhóm, thậm chí là tham nhũng thì cái đó sai, buộc phải xử lý.
Ông Võ Văn Sen
 
Nếu ông Cung vận dụng mà có yếu tố riêng, lợi ích nhóm, thậm chí là tham nhũng thì cái đó sai, buộc phải xử lý. Còn vận dụng có hiệu quả thu hút đầu tư nhưng không có dấu hiệu sinh lợi cá nhân, lại có được sự ủng hộ Thường vụ tỉnh ủy thì chúng ta xem xét lại luật thiếu sót gì không để trình lên cấp trên bổ sung.

Như vậy cần xét nhiều vấn đề để làm rõ, bản thân ông Cung, chính quyền, Thanh tra chính phủ cần phải ngồi lại đối thoại, giải trình, xem xét xử lý thấu đáo.
 
Luật rất cần cụ thể, chi tiết, thậm chí các nước phương Tây có nền luật pháp lâu đời chỉ có thi hành thôi, bởi nó chi tiết, không có Nghị định, Thông tư... hướng dẫn gì hết.

Còn ở mình nhiều chuyện chung chung quá nên cần hướng dẫn rất nhiều, gọi là văn bản dưới luật nên đôi khi tự nó mâu thuẫn với nhau, chồng chéo nhau, luật nước ta còn yếu, thiếu là vậy.

- Như vậy vụ Chủ tịch tỉnh Bình Dương thừa nhận sai, gây thất thoát thuế hàng trăm tỷ đồng, theo ông nên giải quyết thế nào?

Cũng như vụ Đà Nẵng nhưng Đà Nẵng thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, cuối cùng cũng giải quyết ổn thỏa, bởi sau đó vụ việc được xem xét, đối chiếu, giải quyết phù hợp.

Vụ Bình Dương tôi nghĩ cũng tương tự nhưng số tiền thất thoát ít hơn với hàng trăm tỷ đồng. Phương thức giải quyết tôi nghĩ cũng nên giống như Đà Nẵng.

- Ông nhìn nhận thế nào về vụ kiện cáo giữa ông Huỳnh Uy Dũng với Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung gây lùm xùm dư luận thời gian qua?

Tôi nghĩ nên xem xét dưới góc độ pháp lý để cấu thành yếu tố cụ thể, ông Dũng vi phạm gì, Bình Dương vi phạm gì. Tất cả nên căn cứ vào luật pháp. Cuộc tranh chấp pháp lý cần ra tòa giải quyết nếu cần thiết.

- Gần đây báo chí nói nhiều về khối tài sản "khủng" biệt thự, vườn cao su... của Chủ tịch Lê Thanh Cung, theo ông có nên xem xét như trường hợp ông Trần Văn Truyền?

Dư luận đã nói đến thì phải cần sự vào cuộc cơ quan chức năng, phải có kết quả điều tra chính xác để kết luận. Báo chí muốn đăng tải cũng phải dựa trên cơ sở pháp lý.

Cảm ơn ông!
"Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu như vậy là không được. Nói như ông Cung thì vô hình chung cổ vũ “sáng tạo” không dựa theo pháp luật, đứng trên luật. Giả sử nếu luật chưa phù hợp với thực tiễn thì kiến nghị lên cấp trên có quyền hạn, chức năng giải quyết.

Qua vấn đề của Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung nếu tỉnh nào cũng “sáng tạo” như thế thì loạn hết, vai trò điều hành của chính phủ ở đâu nữa?. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm? Nhà nước bị thất thu thuế, ai đền bù?..." - Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM). 

Phan Cường (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn