Chủ tịch ADB nhận định về kinh tế VN

Thời sựThứ Tư, 02/03/2011 12:20:00 +07:00

(VTC News) – Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho biết Việt Nam đã nhanh chóng giảm nghèo và cải thiện mức sống trong suốt hai thập kỷ qua.

(VTC News) –  Theo chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thành tựu quan trọng nhất mà Việt Nam đạt được là tốc độ giảm đáng kể tỷ lệ nghèo: từ trên 58% vào năm 1993 xuống chỉ còn khoảng 10% vào cuối năm 2010.

Tại buổi họp báo, trước thềm Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 3 đến 6/5 tới, chủ tịch Ngân hàng ADB Haruhiko Kuroda cho biết: ông vui mừng ghi nhận kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi phát triển tốt vào năm 2010 với tốc độ tăng trưởng 6,8%.

Việt Nam được đánh giá là đã thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo khu vực ADB. (Ảnh: NP)

Hội nghị thường niên lần thứ 44 được tổ chức tịa Hà Nội sẽ có khoảng 3.000 người tham dự. Trong đó có nguyên thủ các quốc gia, các Bộ trưởng tài chính, Thống đốc các ngân hàng trung ương, đại diện các doanh nghiệp, phóng viên các hãng thông tấn… bàn về các vấn đề phát triển mà hiện nay các nước châu Á và khu vực Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

Theo ông Kuroda
, một trong những thành tựu quan trọng nhất mà Việt Nam đã đạt được là tốc độ giảm đáng kể tỷ lệ nghèo - từ trên 58% vào năm 1993 xuống chỉ còn khoảng 10% vào cuối năm 2010. Tất nhiên vẫn còn nhiều thách thức phía trước, trong đó có thách thức tránh "bẫy thu nhập trung bình". Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây của Việt Nam cũng đã đem lại một mức sống cao hơn cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người vẫn chưa tiếp cận được với các dịch vụ cần thiết.

Trong tương lai, việc Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình phát đi những tín hiệu của một tương lai tươi sáng, tuy nhiên trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thử thách về ổn định kinh tế vĩ mô, ví dụ như lạm phát cao.

Ông Kuroda nói rằng, vấn đề này đòi hỏi phải có một số điều chỉnh về chính sách, chứ không chỉ là những cải cách kinh tế, chẳng hạn như những cải cách được thực hiện trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Những điều chỉnh này cũng rất cần thiết đối với việc đảm bảo phát triển toàn diện dài hạn.

Nguyễn Vũ

Bình luận
vtcnews.vn