Chủ tịch 8X trong vụ bắt Vũ Đức Thuận mất tiền thảm thế nào?

Kinh tếThứ Bảy, 24/09/2016 07:35:00 +07:00

Sau khi cùng ông Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC bị bắt, vị chủ tịch 8X Trương Quốc Dũng đã mất tiền thảm cùng với PVV.

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng 3 đồng phạm.

Trong đó, bên cạnh ông Vũ Đức Thuận, ông Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc PVC là cái tên được chú ý nhất. Trước khi bị bắt, ông Dũng đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC (PVV).

Sinh năm 1982 nên ông Dũng nằm trong danh sách các Chủ tịch Hội đồng quản trị trẻ nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Về mức độ trẻ, ông Dũng chỉ đứng sau bà Phạm Đỗ Diễm Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng. Bà Hương sinh năm 1989.

truong quoc dung pvv

Ông Trương Quốc Dũng, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị PVV

Trước khi có lệnh bắt ông Dũng,  PVV đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị PVV với ông Dũng. Nhưng sau khi thông tin bị bắt được công bố, cổ phiếu PVV vẫn giảm thê thảm. Trong tuần này, PVV đã có chuỗi 4 phiên giảm sàn liên tiếp với mức giảm tương ứng 400 đồng/CP xuống 1.200 đồng/CP.

PVV giảm sâu khiến vốn hóa thị trường PVV bốc hơi 12 tỷ đồng và rớt xuống chỉ còn 36 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng.

Không phải là cổ đông lớn nhưng tài sản của ông Dũng cũng hao hụt đáng kể. Sau 5 phiên giao dịch, giá trị cổ phiếu do ông Dũng nắm giữ giảm 60 triệu đồng xuống còn 180 triệu đồng. Nếu mua bằng mệnh giá, lượng cổ phiếu này trị giá 15 tỷ đồng.

PVV bị nhà đầu tư quay lưng từ rất lâu khi liên tục thua lỗ. Khoản thua lỗ trong quý 1 và quý 2 năm nay lần lượt là 10,1 tỷ đồng và 5,3 tỷ đồng.

Câu chuyện ông Lê Phước Vũ và dự án thép 10,6 tỷ đồng Hoa Sen Cà Ná tạm lắng dịu nhưng cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen không duy trì được đà tăng. Tuần này, HSG suy giảm nhẹ. Chốt tuần, HSG dừng ở mức 41.500 đồng/CP sau khi giảm 500 đồng/CP.

Đà giảm nhẹ của HSG cũng đủ “thổi bay” 98 tỷ đồng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoa Sen. Trong đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty hao hụt 12,8 tỷ đồng. Với tài sản đạt 1.773 tỷ đồng, ông Vũ đang đứng ở vị trí 11 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Đây là tuần khá tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index có nhiều phiên tăng ấn tượng. Vì vậy, không nhiều cổ phiếu đại gia giảm như HSG. Rất nhiều cổ phiếu đại gia ghi nahạn đà tăng đáng kể.

Đóng cửa tuần, cổ phiếu HPG dừng ở mức 45.900 đồng/CP sau khi tăng 1.400 đồng/CP. Nhờ HPG, vốn hóa thị trường công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát có thêm 1.180 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát được hưởng lợi nhiều nhất.

Cổ phiếu HPG giúp tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Long tăng 258 tỷ đồng lên 8.461 tỷ đồng. Ông Long vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông Long được hưởng lợi nhiều hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu do bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long sở hữu. Trong tuần, giá trị lượng cổ phiếu này tăng 74,7 tỷ đồng. Nhờ đó, bà Hiền đứng ở vị trí thứ 8 trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Cổ phiếu MWG của công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động đã có chuỗi ngày tăng giá không mệt mỏi. Vì vậy, muốn MWG tăng bền vững, nhà đầu tư kỳ vọng MWG sẽ có nhịp điều chỉnh cần thiết. Tuy nhiên, trong tuần này, MWG vẫn cần mẫn đi lên mặc dù gặp áp lực bán ra.

Đóng cửa tuần, MWG dừng ở mức 137.000 đồng/CP sau khi tăng 2.900 đồng/CP. MWG giúp vốn hóa thị trường Thế giới di động có thêm 426 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty có thêm 10,7 tỷ đồng.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn