Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa là 'bất di, bất dịch'

Thời sựThứ Sáu, 27/06/2014 07:08:00 +07:00

(VTC News) – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa là “bất di, bất dịch”.

(VTC News) – Tiếp xúc cử tri Q1 (TP.HCM), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa là “bất di, bất dịch” dựa trên những chứng cứ về pháp lý, lịch sử.

Chiều 26/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên tổ đại biểu Quốc hội số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri Q.1 sau khi kỳ họp của Quốc hội vừa kết thúc.

Vấn đề Biển Đông, việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều mối quan tâm sâu sắc của cử tri.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (phải) gặp gỡ cử tri TP.HCM (ảnh: P.Linh) 

Cử tri Lê Văn Minh (phường Cầu ông Lãnh – Q.1) hoan nghênh: Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã dành nhiều thời gian để bàn, thảo luận nhiều về tình hình Biển Đông, được cử tri TP.HCM đánh giá là thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân.

Các phát biểu về tình hình Biển Đông của Chủ tịch Quốc hội và các Đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thực sự đáp ứng được nguyện vọng, lòng mong mỏi của người dân.

Cử tri Nguyễn Đăng Cường (phường Tân Định, Q.1) đặt vấn đề: Người dân đặt niềm tin nơi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội với phương án giải quyết tình hình Biển Đông theo hướng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

“Thế nhưng, trước việc Trung Quốc ngày càng hung hãn, leo thang tại khu vực Biển Đông, ngày càng coi thường luật pháp quốc tế, thì chúng ta cần nhân nhượng đến bao giờ. Có lẽ cần phải sớm sử dụng biện pháp pháp lý. Nếu chỉ đơn thuần sử dụng biện pháp hòa bình như trước kia sẽ khó có thể thu được kết quả như mong đợi”.

Về việc dự kiến dành 16.000 tỷ đồng để đóng tàu cho ngư dân, hầu hết cử tri Q.1 – TP.HCM đánh giá, đây là việc làm cần thiết, nhưng cần phải có giám sát thực hiện chặt chẽ. Khi triển khai dự án, đưa vào thực hiện, cần phải được bàn bạc kỹ, lắng nghe ý kiến phản biện, từ nhiều phía, nhất là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kỹ thuật, ngư dân… để tàu sử dụng được hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với mục đích sử dụng.

Cử tri Nguyễn Xuân Đáng (phường Tân Định, Q.1) thẳng thắn nêu quan điểm: Trong khi Trung Quốc ngày càng lấn tới, khi đưa nhiều giàn khoan hơn vào Biển Đông, xây dựng đường ở Hoàng Sa, đường băng ở Gạc Ma… thì việc ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông là cần thiết.

“Đảng, Nhà nước cần phải chủ động, lường trước mọi tình hình để khi có việc gì, ta không bị bất ngờ” – cử tri Đáng nói tiếp.

Phát biểu trước cử tri Q.1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa khẳng định: “Chủ trương đối ngoại của Việt Nam là muốn làm bạn, đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới. Chúng ta đã và đang đi theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Chính vì vậy, thuận lợi của chúng ta ngày càng tăng lên, khó khăn ngày càng giảm”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu về vấn đề Biển Đông với cử tri TP.HCM (Ảnh: P.Linh) 

Theo Chủ tịch nước, Việt Nam không bị lệ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào. Qua bao nhiêu thăng trầm, nhưng Việt Nam luôn trước sau như một, mong muốn duy trì mối quan hệ láng giềng, hữu hảo với Trung Quốc.

Về vấn đề Biển Đông, thời gian vừa qua, Việt Nam vẫn kiên nhẫn sử dụng biện pháp hòa bình. Cho dù như thế nào, trong lĩnh vực kinh tế, mối quan hệ là bình đẳng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa là “bất di, bất dịch” dựa trên những chứng cứ về pháp lý, lịch sử. Trung Quốc nói đó là lãnh thổ của họ, nhưng không có gì để chứng minh.

“Ta không đồng ý, quốc tế cũng không thừa nhận. Chúng ta sẽ cần phải giữ gìn biển đảo bằng phương pháp phi quân sự” – Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Chủ tịch nước phát biểu: Đoàn kết dân tộc là sức mạnh vô địch. Chính dựa vào sức mạnh này, nước ta mới tồn tại, phát triển được như ngày hôm nay. “Đội quân đại đoàn kết không bao giờ dừng lại, người trước ngã, người sau tiến lên”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: Chỉ khi nào Việt Nam có một nền kinh tế hùng mạnh, độc lập, tự chủ thì mới đứng vững được. Việt Nam phát triển để vun đắp, xây dựng đất nước, chứ ta không đi xâm chiếm nước khác.

Người xưa thường nói “thực túc, binh cường”. Trong thời đại ngày nay, điều đó lại càng đúng. TP.HCM là một địa phương năng động, sáng tạo, luôn đi trước Trung ương trong mọi giải pháp.

“Ta phải phát triển kinh tế thật mạnh để thực túc, binh cường” – Chủ tịch nước kết luận.

Phương Linh

Bình luận
vtcnews.vn