Chủ nhân của hàng ngàn bộ hài cốt trong núi Sài Sơn?

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 23/11/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Phần lớn truyền thuyết đều nói rằng những bộ hài cốt trong hang là của nghĩa quân Lữ Gia, song lại có người bảo là quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc.

(VTC News) - Phần lớn truyền thuyết đều nói rằng những bộ hài cốt trong hang là của nghĩa quân Lữ Gia, song lại có người bảo là quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc.

Điều khá đặc biệt mà nhóm thám hiểm của ông Thịnh biết được, đó là, trên các vách hang có rất nhiều giáo mác, dao kiếm. Tuy nhiên, ông chỉ nhìn thấy hình thù mà thôi, vì han gỉ hết rồi, động vào là vỡ vụn.

Trong chuyến khám phá hang động và “suối xương” năm ấy, nhóm ông Thịnh mất tổng cộng 3 ngày đêm. Thời gian khám phá dài như thế, song vẫn chưa đi được hết các ngóc ngách. Trước kia, cụ Như từng đi 7 ngày đêm trong động vẫn chưa thấy đáy hang đâu. Cụ đi sâu đến nỗi bị lạc đường, hết cả dầu thắp. Cũng may, đến ngày thứ 7 thì có lễ hội chùa Thầy. Tiếng trống hội lọt vào hang, cụ cứ theo âm thanh của tiếng trống mà lần mò ra ngoài mới thoát chết.

Liệu hàng ngàn bộ xương trong bể và trong lòng núi có phải của quân Lữ Gia? 

Theo lời ông Thịnh, không phải ở “suối xương” mới có xương người mà hầu hết các ngách hang đều có hài cốt. Nhiều bộ xương nằm theo thế co quắp. Tóm lại, toàn bộ hang động trong lòng núi là một huyệt mộ khổng lồ chưa được khai quật.

Có một chuyện mà tôi dò hỏi mãi, ông Thịnh mới kể, đó là chuyện ông cùng đoàn thám hiểm nhặt được rất nhiều đồ cổ trong chuyến khám phá hang động. Cứ chỗ nào thấy có tro than, đào lên kiểu gì cũng có hài cốt và cạnh bộ hài cốt là một số loại đồ cổ, chủ yếu là bát đĩa.

Cát và khoáng chảy ra từ vách đá là một trong những chuyện lạ trong núi Sài Sơn. 

Những cái bát ăn to như bát tô bây giờ, còn đĩa thì có đường kính tới 40-50cm, to như cái mâm. Ông Thịnh đã bán một số món đồ cổ, được bao nhiêu thì ông không nói. Hiện ông Thịnh còn giữ khoảng chục món nữa, nhưng nhờ người khác cất giữ. Tôi bày tỏ ý định muốn xem những thứ đồ cổ ấy, nhưng ông từ chối. Ông cũng từ chối việc chụp ảnh chân dung ông.

Trong những câu chuyện dưới chân núi Sài Sơn, tôi được nghe rất nhiều tấn bi kịch liên quan đến việc xâm phạm “suối xương”, đào bới đồ cổ. Có cậu thanh niên đào bới hài cốt, lấy đồ cổ, đột nhiên bị thần kinh, điên khùng. Có người xuống hang nghịch ngợm, giẫm đạp vào hài cốt, bị tai nạn giao thông chết ngay khi ra khỏi hang.

Xương cốt nhiều vô kể trong lòng núi Sài Sơn, nên người dân gọi là "suối xương". Ảnh: Đặng Bá Hiệp. 

Gần đây nhất, theo lời đồn, một thanh niên tên T, là con trai của một người bán hàng ở chùa Thầy, sau khi lấy được 20 món đồ cổ trong “suối xương”, liền đâm hư, rồi mắc nghiện. Hiện T đang nằm ở trại cai nghiện. Mẹ T hoảng quá, đem một số đồ cổ nộp cho chùa.

Những câu chuyện hư thực về sự xâm phạm nơi yên nghỉ của hàng ngàn nghĩa quân Lữ Gia khiến nhiều người nhụt chí không còn dám khám phá “suối xương” nữa.

Xương cốt có ở rất nhiều ngóc ngách. Ảnh: Đặng Bá Hiệp. 

Trao đổi về chuyện bể xương và “suối xương” bí ẩn trong lòng núi Sài Sơn, bà Nguyễn Thị Thu Chung, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quốc Oai cho biết: Bà đã làm việc ở Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch 20 năm nay, song chưa thấy có nhà khoa học nào thông qua huyện để nghiên cứu về vấn đề này nên không nắm được bất cứ thông tin gì.

Ông Đặng Văn Tu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) cũng cho biết, từ trước đến nay, tỉnh cũng chưa có dự án hay ý tưởng nào nghiên cứu về những bộ xương trong núi Sài Sơn. Thông tin duy nhất mà ông biết được cũng chỉ qua lời kể của nhà chùa rằng đó là xương cốt của nghĩa quân Lữ Gia. Còn nhà chùa thu thập những thông tin đó từ đâu thì ông cũng không nắm được.

Những đồ gốm vỡ vẫn còn nhiều trong hang động, cạnh những bộ xương. Ảnh: Đặng Bá Hiệp.  

PGS-TS. Nguyễn Lân Cường cho biết: “Từ 20 năm trước, tôi đã vào hang trong núi Sài Sơn để tìm hiểu về những bộ hài cốt bí ẩn này, song không có tư liệu gì cả. Những truyền thuyết mà nhân dân quanh vùng kể lại cũng không hoàn toàn thống nhất. Phần lớn truyền thuyết đều nói rằng những bộ hài cốt trong hang là của nghĩa quân Lữ Gia, song lại có người bảo là quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc (thế kỷ 19).

Tôi đã đề xuất với nhà chùa cho khai quật, song nhà chùa không cho nên thôi. Sau đó, tôi mải ngược xuôi Nam - Bắc với mồ mả, xương cốt nên rất bận, không có thời gian nghĩ đến cái bể xương với suối xương ấy nữa”.

Chụp ảnh kỷ niệm với xương cốt trong động. Ảnh: Đặng Bá Hiệp. 

Theo ông Đặng Bằng - Trưởng Ban quản lý di tích chùa Thầy, cố GS. Trần Quốc Vượng cũng đã từng vào hang Cắc Cớ nghiên cứu sơ lược về bể xương và ông nói ngay rằng: “Khó có thể tin đây là xương cốt của quân Lữ Gia chống Hán. Bởi vì, với thời gian hơn 2.000 năm, xương cốt phải hóa thạch rồi!”.

GS. Trần Quốc Vượng chỉ nói mỗi câu như vậy, rồi không có ý kiến gì thêm nữa nên nhà chùa và Ban quản lý di tích chùa Thầy cũng chỉ biết tin vào truyền thuyết mà thôi.

Những người trong Ban quản lý di tích chùa Thầy cũng đã chú tâm tìm hiểu chuyện này, song chưa tìm được bất cứ tài liệu chính thống, bia đá nào nói về bể xương, “suối xương” và nghĩa quân Lữ Gia.

Chỉ có một tài liệu duy nhất có tên “Sơn Tây tỉnh địa chí”, xuất bản năm 1938, của Phạm Xuân Độ nói về những bộ hài cốt trong hang động núi Sài Sơn. Tuy nhiên, bộ sách này cũng chỉ dẫn lời truyền thuyết y như lời kể của nhân dân trong vùng…

Có ý kiến cho rằng, để xương cốt hóa thạch, phải cần thời gian lên đến cả triệu năm. Xương cốt phải chìm xuống đáy biển, được lớp trầm tích bao phủ, rồi quá trình vận động tạo sơn, đáy biển dâng lên thành núi, mới có hóa thạch, chứ một vài ngàn năm chưa thể hóa thạch được. Do đó, ý kiến của GS. Vượng cho rằng, nếu xương trong núi Sài Sơn có niên đại 2.000 năm thì đã hóa thạch, chưa hẳn đã đúng.

Công chúng và người dân quanh núi Sài Sơn rất cần câu trả lời của các nhà khoa học. 

Phần lớn ý kiến khác lại khẳng định, nếu quân Lữ Gia chết trong lòng núi từ 2.000 năm trước, thì xương cốt đã tan thành đất. Tuy nhiên, lại có người phản biện, không hẳn trải qua 2 ngàn năm xương cốt đã tan biến, mục ruỗng. Bởi vì, nếu những bộ xương này nằm trong điều kiện môi trường đặc biệt nào đó, không có sự xâm hại của vi khuẩn, thì có thể tồn tại lâu bền. Thực tế, các nhà khoa học đã từng khai quật mộ thuyền 2.500 năm ở Hưng Yên vẫn còn nguyên xương cốt.

Vậy là bể xương, “suối xương” cùng những bộ hài cốt rải rác khắp hang động trong lòng núi Sài Sơn vẫn chìm trong bức màn bí ẩn.

Công chúng và người dân quanh núi Sài Sơn rất cần câu trả lời của các nhà khoa học.


Vị Thủy

Bình luận
vtcnews.vn