Chứ năm mô lũ cũng về Hà Tĩnh…

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 30/10/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Mỗi lần lũ về Hương Sơn, ông Tiến lại ngồi khóc trên mái nhà. Thiệt hại do lũ gây ra cả ngàn tỉ đồng. Nhưng tính mạng con người thì đo đếm sao đây?

(VTC News) - Mỗi lần lũ về Hương Sơn, ông Tiến lại ngồi khóc trên mái nhà. Cứ trận lũ sau lớn hơn trận lũ trước. Con số thiệt hại do lũ gây ra lên đến cả ngàn tỉ đồng. Nhưng tính mạng con người do lũ cướp đi thì lấy gì để đo đếm?


Nhớ lại lần tôi và ông Nguyễn Văn Tiến, ngày ông còn làm Chủ tịch xã Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh), bắt sống toán lâm tặc đang vận chuyển gỗ ra khỏi rừng Hương Sơn, mà cười ra nước mắt.

Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành, nhưng khi cán bộ, lãnh đạo của các cơ quan chức năng thờ ơ, người dân thấp cổ bé họng không dám lên tiếng, thì ông chủ tịch xã cũng bất lực.

Mỗi năm lũ về miền Trung lại lớn hơn, thiệt hại lại nặng nề hơn.

Đã có vài lần, quá xót ruột khi chứng kiến cảnh “tiểu đoàn lâm tặc” của H. “bút” vác cưa máy vào rừng xẻ gỗ, rồi trâu mộng kéo gỗ ra khỏi rừng như đàn kiến tha mồi, rồi xe tải ngang nhiên ật ưỡng chở gỗ về thị trấn, tỏa ra Bắc, vào Nam, ông Tiến đã chỉ đạo dân quân, công an xã truy bắt quyết liệt.

Điều đặc biệt là đại gia H. “bút” dù nắm trong tay cả chục côn đồ, tiền nhiều như lũ, quan hệ lại nghiêng núi, song cũng không thèm ra mặt. Đám lâm tặc vui vẻ để cho ông Tiến tịch thu cả 15 mét khối gỗ. Vụ tịch thu đống gỗ quý ấy khiến ông Tiến khổ sở mấy năm trời.

Nhìn gỗ bị lâm tặc kéo ra khỏi rừng ngang nhiên như thế này mà ông Tiến không biết phải làm thế nào. 

Thu được gỗ, ông Tiến chạy khắp huyện mà không thuê được chiếc xe nào để chở gỗ về. Phần lớn lượng xe tải trong huyện là của đám đầu nậu. Những người có xe tải chuyên chở vật liệu thì cũng từ chối, vì sợ đụng vào H. “bút”. Ông Tiến phải sang tận huyện khác mới thuê được xe chở gỗ về trụ sở xã với giá cắt cổ. Chi phí cho vụ vận chuyển 15 mét khối gỗ tới mấy triệu bạc. Số tiền này do ông Tiến và anh em cán bộ tạm ứng.

Sau cả năm trời, với đủ các loại giấy tờ, báo cáo chạy vòng quanh, xã mới lập được hội đồng bán đấu giá để tống khứ đống gỗ ấy đi. Số tiền bán gỗ được chuyển ngay vào Sở Tài chính, còn kinh phí chi ra xử lý đống gỗ ấy thì mấy năm trời chưa lấy được. Vậy nên, sau này, dù đám lâm tặc có vứt gỗ chình ình trước mắt, ông Tiến cũng đành chịu. Chuyện này kể ra, nghe cứ như trò hề, nhưng sự thật là như vậy.

Lâm tặc dựng lều xẻ gỗ trong rừng.

Leo trèo núi non đến chồn chân mỏi gối mà chẳng gặp cây to nào, chẳng thấy rừng già đâu cả, chúng tôi đành quay trở ra. Đứng trên những ngọn đồi cỏ dại mọc um tùm, ông Tiến bảo, chỉ vài năm trước, những ngọn đồi quanh xã đều là rừng già. Ông đã ra sức đấu tranh, song không giữ được.

Mấy năm trước, tỉnh Hà Tĩnh đã giao 3.000 héc-ta đất rừng cho một đơn vị… trồng chè. Ông Tiến quá quen với trò “phá rừng hợp pháp” này rồi nên ông nhất quyết phản đối. Ông từng làm đơn tố cáo một doanh nghiệp lợi dụng làm thủy điện để phá rừng.

Đường mở đến đâu, rừng bị cạo sạch đến đó.

Doanh nghiệp này làm thủy điện nho nhỏ ở giữa rừng già. Chẳng biết việc sản xuất điện ra sao, mang lại hiệu quả thiết thực thế nào, nhưng họ kiếm lợi lớn từ việc phá rừng. Riêng con đường mở vào thủy điện, đã tàn sát không biết bao nhiêu gỗ quý. Không những thế, con đường còn tạo điều kiện cho lâm tặc đánh xe vào tận lõi rừng để chở gỗ ra. Rồi tranh thủ việc tận thu gỗ lòng hồ, họ tận thu luôn cả rừng già, ai mà quản lý được.

Sở dĩ ông Tiến phản đối việc lập đơn vị trồng chè là vì ông thừa biết, rừng sẽ mất, mà chè cháo cũng sẽ chẳng ra sao, bởi mục đích chưa chắc đã phải vì… chè. Ông đã làm đơn thư gửi tứ tán đến các lãnh đạo cao nhất để phản đối. Ông đề nghị cấm hẳn việc khai thác, tận thu gỗ, vì trong luật đã ghi rõ rồi, không được phép khai thác gỗ dưới mọi hình thức ở rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn. Ông tha thiết yêu cầu đưa ngay mấy chục ngàn héc-ta rừng vào khu bảo tồn, hoặc nhập với Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Ông Nguyễn Văn Tiến chỉ tay lên ngọn đồi trọc bảo: "Rừng già mất, nhưng chả thấy chè đâu".

Ông đấu tranh gay gắt, phản đối gay gắt đến mức một vị lãnh đạo cấp cao của tỉnh ra chỉ thị yêu cầu kỷ luật và khai trừ Đảng đối với ông. Huyện gọi ông Tiến lên để xử lý theo chỉ thị. Ông Tiến yêu cầu huyện xử lý ông theo điều lệ Đảng. Tuy nhiên, huyện tra cứu mãi mà không biết xử lý ông Tiến kiểu gì, vì ông chẳng vi phạm điều gì cả, ngược lại, hành động của ông là yêu nước thương dân.

Ông Tiến lấy xe máy chở tôi đi dọc con đường thênh thang do đơn vị trồng chè xẻ núi mở ra. Ông Tiến bảo, đường mở vào đến đâu, thì rừng hết đến đó. Nhưng chè thì èo uột lắm, chỉ thấy cỏ mọc um tùm, lút gối. Mấy chục héc-ta rừng già của Hương Sơn, trị giá cả ngàn tỉ đồng, đã bị phá hết, tận thu sạch sẽ, nhưng số tiền đó vào ngân sách Nhà nước chẳng được bao nhiêu. Trong khi, lợi ích cây chè mang lại thì chưa thấy đâu cả.

Rừng bị phá tan nát, đất thượng nguồn để hoang, mùa mưa, nước chảy tuồn tuột trên mặt đất nên lũ về càng nhanh, càng mạnh.

Kẻ phá rừng là kẻ giết người!

Theo lời ông Tiến, cách đây chừng 20 năm, khi ông còn làm Bí thư Đảng ủy xã, rừng tràn ra tận mép sông Ngàn Sâu, với những cây gỗ to 2-3 người ôm mới xuể. Đàn voi thung thăng ra bờ suối uống nước, gặm cỏ trên bãi cùng trâu bò nhà dân. Khỉ vượn thì nhiều lắm, mò cả về vườn nhà dân trộm bắp.

Thế nhưng, rừng bị tàn phá, đàn voi bị dồn hết sang nước bạn Lào. 3-4 năm trước, các nhà khoa học vào rừng thống kê, thấy chỉ còn 7 con voi ở Vườn Quốc gia Vũ Quang, cùng 5 con ở phía Tây Bắc rừng Hương Sơn.

Lũ trên sông Ngàn Sâu mạnh đến nỗi cuốn bay cả những cây cầu.

Rừng bị phá, mất môi trường sống, đàn voi năm nào cũng nổi giận phá nương rẫy, nhà cửa của bà con, thậm chí quật chết cả người. Nhưng số phận đàn voi cũng bi thảm lắm. Năm 2007, ông Tiến cùng ông Đào Xuân Trị cuốc bộ vào rừng theo dấu chân đàn voi. Hai ông chẳng thấy voi đâu cả, chỉ thấy một bộ xương voi nằm bên suối. Con voi đáng thương bị trúng đạn của thợ săn.

Lâu nay, cũng chả thấy con voi nào về phá nương, phá nhà của dân nữa rồi. Có lẽ, chúng chẳng còn đất dung thân, nên bỏ xứ sang đại ngàn của nước Lào anh em.

Đứng bên con sông Ngàn Sâu nước đã rút cạn trơ đáy, ông Tiến chỉ những mố cầu. Lũ lớn đến nỗi chẳng cây cầu nào chịu được. Cầu vừa dựng lên, lũ lại như sóng thần đổ về cuốn hết cả bêtông, sắt thép. Thôi thì người dân chấp nhận đi lại bằng thuyền bè.

"Chứ năm mô lũ cũng về Hà Tĩnh..."

Ông Tiến bần thần nhẩm tính: Ngân sách thu về từ khai thác gỗ ở Hương Sơn mỗi năm được độ 2-3 tỉ đồng, trong khi giá trị của rừng thì không thể đo đếm được, là vô giá. Những kẻ trực tiếp phá rừng và những kẻ đứng sau thu lợi lớn, còn hàng triệu nhân dân dọc dải miền Trung thì hứng chịu sự trừng phạt của “mẹ rừng”.

Mỗi lần lũ về Hương Sơn, ông Tiến lại ngồi khóc trên mái nhà. Cứ trận lũ sau lớn hơn trận lũ trước. Con số thiệt hại do lũ gây ra lên đến cả ngàn tỉ đồng. Nhưng tính mạng con người do lũ cướp đi thì lấy gì để đo đếm?

Tôi chợt buồn khi nhớ lại tiếng hát của chị chèo đò trên sông Ngàn Sâu. Chị nhái lời bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. Bài hát bắt đầu thế này: “Chứ năm mô lũ cũng về Hà Tĩnh…”


Phạm Ngọc Dương

 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn