Chủ doanh nghiệp quan niệm thế nào về mở hàng đầu năm?

Kinh tếChủ Nhật, 21/02/2010 07:18:00 +07:00

(VTC News) - Chọn giờ “hoàng đạo” để mở cửa, đúng ngày để “xông đất”, tìm đúng người để mua hàng,...là cách mà các chủ DN thường làm ngày để... đón lộc đầu năm.

(VTC News)  -  Chọn giờ “hoàng đạo” để mở cửa, chọn đúng ngày để “xông đất”, tìm đúng người có vía tốt để mua hàng,…, đó là việc mà các chủ doanh nghiệp thường làm để... đón lộc đầu năm. Ngay từ ngày mùng 2 Tết, nhiều chủ doanh nghiệp đã bắt đầu mở cửa bởi đó là... ngày tốt.

Không đơn giản như việc chọn thời gian đi du xuân ngày Tết, cũng không quan trọng là mua - bán được nhiều hay ít, kinh doanh lãi hay lỗ ngày đầu năm, việc chọn ngày mở hàng như một tục lệ, một thói quen không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp.

Chọn ngày mở cửa hàng đầu năm được coi là một nét đẹp trong tín ngưỡng lâu đời của người dân Việt, đặc biệt là giới doanh nhân. Cũng giống như tục lệ xông đất, cúng lễ đầu năm, việc làm này nhằm cầu may, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của phần đông những người kinh doanh - buôn bán. Nhiều chủ doanh nghiệp thậm chí còn chọn cho bằng được người hợp với tuổi mình để “xông đất” mở hàng đầu xuân. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan niệm trái chiều xung quanh vấn đề này.

“Không hướng tới tâm linh thì mọi việc khó mà xuôi”

Hai năm trước, khi nền kinh tế đang khủng hoảng, cơ hội ít hơn rủi ro, thách thức nhiều hơn thắng lợi, vào dịp năm mới, giới kinh doanh không quá kỳ vọng vào sự thành công nên ngày mở hàng diễn ra uể oải. Theo một số doanh nghiệp, năm trước, kinh doanh chỉ cầm chừng, duy trì để tồn tại là chính, nhưng sang năm nay, khi kinh tế phục hồi, người kinh doanh có niềm tin hơn, khao khát có những bước đột phá. Vì vậy, ngày mở hàng đầu năm được chuẩn bị chu đáo với kì vọng vào một năm Dần hùng dũng đi lên.

Chị Phạm Kim Thoa, chủ cửa hàng kinh doanh khai thác - chế tác, xuất - nhập khẩu đá quý - đá phong thủy - vàng trang sức phải nhờ người xem chọn ngày lành tháng tốt, ngày nào thật sự hợp với tuổi mình.

Chị Thoa cho biết: “Năm nay là Canh Dần, chị sinh năm Mậu Tuất (1958), thầy nói mở cửa hàng vào ngày mùng 2 thì hợp với tuổi của chị. Đồng thời, năm Dần, người ta bảo tuổi Mão mở hàng là hên nhất nên chị cũng nhờ bạn bè, người thân tuổi Mão đến chơi, mua hàng chút ít gọi là lấy cái may trong năm mới”.

Hai cơ sở vàng bạc - đá quý Kim Thoa mở vào hai thời điểm khác nhau: 6B Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) mở cửa vào ngày mùng 2 Tết, trong khi đó tại cửa hàng số 116 Bạch Mai (Hai Bà Trưng, HN) lại khai xuân vào ngày mùng 6 Tết. Điều này cũng thể hiện một phần sự kỹ càng trong việc chọn ngày, chọn thời điểm đối với các doanh nghiệp buôn bán.

Còn theo anh Hoàng Mai Chung, Giám đốc công ty TNHH Điện thoại Vân Chung (157 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội) thì năm nay mùng 6 và mùng 9 Tết được xem là đẹp ngày.

Anh Chung quan niệm: Ngày đầu tiên mở hàng trong năm mới có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu trong ngày này, việc buôn bán thuận lợi thì những ngày tiếp theo trong năm cũng may mắn. Ngược lại, nếu không phải ngày đẹp, cả năm sẽ xui xẻo. Vì vậy, không chỉ riêng anh, những người càng làm ăn, kinh doanh, buôn bán càng lớn càng có cách quan tâm cầu kỳ, chi tiết tới “từng tý một” trong việc chọn ngày đẹp mở hàng đầu xuân.

Với quan niệm như vậy, anh Chung đã nghiên cứu xem ngày và chọn mùng 9 Âm lịch để bắt đầu năm mới. Vào đúng giờ đẹp 9h00, công ty TNHH Điện thoại Vân Chung sẽ mở cửa buôn bán. Trong ngày đầu tiên này, anh Chung dự định sẽ tổ chức cùng các anh em nhân viên trong công ty đi lễ chùa (có thể sẽ có thầy hướng dẫn) và làm một số việc công đức.

Anh Chung cho biết: “Đi lễ chùa, không phải chỉ dừng lại ở việc thắp hương, không đơn giản chỉ là việc góp tiền công đức, mà trên hết là phải thành tâm. Trong kinh doanh, tôi luôn tâm niệm: Không hướng tới tâm linh thì mọi việc khó mà xuôi”.

Nhiều đơn vị như Công ty Dược Phú Hải, Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội (46 Đội Cấn, Ba Đình) hay Công ty TNHH Phát triển Thương mại Việt Phát chuyên phụ tùng ô tô (95F Lò Đúc, Hai Bà Trưng),… chọn ngày mùng 6 Tết như là ngày “số đỏ” bởi với họ, đây là một ngày may mắn. Các doanh nghiệp này cho rằng: Ra Tết chơi vài ngày, nhiều người dân sẽ bắt đầu đi mua sắm.

Kinh doanh hiệu quả bởi chữ Tín, chứ không phải bởi... “mê tín”

Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp quan niệm tâm linh về việc mở hàng đầu năm lại “nhẹ tựa lông hồng”. Họ không quá coi trọng việc kiêng cữ, lựa chọn, tìm hiểu ngày đẹp đầu năm, có chăng chỉ là ậm ờ cho có chuyện theo kiểu: “Ừ, mở hàng vì thấy người ta bảo tốt ngày”.

Khi chúng tôi hỏi về quan niệm mở hàng kinh doanh đầu năm, chị Nguyễn Thị Thu Hiên, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu (32 - 34, ngõ 12 Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội) lắc đầu: “Bảo Tín Minh Châu kinh doanh trên chữ Tín, sẵn sàng phục vụ bất cứ khi nào khách hàng cần chứ không kiêng cữ gì hết. Năm nào cũng vậy, “đến hẹn lại lên” cứ mùng 6 là mở hàng. Chúng tôi mở cửa vào ngày mùng 6 đã 21 năm nay rồi, không khi nào thay đổi cả”.

Dù được "phán" 15 tháng Giêng mới tốt ngày nhưng mùng 4 Tết, Melia đã bắt đầu mở cửa.

Còn anh Phạm Quang Hưng, Giám đốc Công ty TNHH kính mắt Quang Hưng - hệ thống chuyên bán lẻ kính thời trang - kính thuốc - thiết bị ngành kính trước đây cũng từng rất mê tín về việc xem ngày, nhưng sau vài năm gặp những tình huống hài hước, anh không còn đi xem ngày mở cửa hàng nữa.

Anh Hưng dẫn giải từ chính những bài học kinh nghiệm của mình: “Có năm, tôi đi xem họ bảo mùng 1 tốt ngày, chẳng lẽ mùng 1 mở hàng thì làm gì có khách mua. Có năm, họ bảo 24 (ÂL) tốt ngày, chờ tới tận 24 thì muộn quá còn gọi gì là kinh doanh”.

Anh Hưng cũng cười mà đùa: “Vả lại, thời buổi này nhiều thầy quá, cũng không biết nên theo thầy nào”. Hiện tại, cứ theo thông lệ, năm nào, công ty kính mắt Quang Hưng cũng đóng cửa vào ngày 29 Tết và mở cửa vào sáng mùng 6 âm lịch.

Nhiều người thừa nhận, việc đi xem ngày mở hàng lấy may mắn chỉ mang tính chất giải tỏa tâm lý, chứ thực hiện được hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện".

Anh Đoàn Văn Luyện, Giám đốc hệ thống Ảnh viện áo cưới Melia nói: “Có năm, tôi đi xem họ nói ngày này đẹp ngày nhưng lúc đó cửa hàng chưa sửa sang xong thì cũng đành chịu. Năm nay, họ bảo 15 Âm lịch tốt ngày, nhưng cửa hàng của anh chuyên về áo cưới nên phải mở sớm”. 

Anh Luyện không quá nặng nề về việc xem ngày mở hàng đầu năm bởi “có khi mỗi người phán một cách khác nhau, biết thế nào là đúng, là sai, là tốt, là xấu”. Từ đó, anh tự nhẩm tính và làm theo những gì mà mình nghĩ là thuận lợi: Ngày mùng 1 tới mùng 3 thì mọi người còn lo toan cúng nhà, đi lễ tết, tới mùng 4 Tết, cửa hàng đã bắt đầu phải mở cửa khai trương để chào đón khách hàng, mùng 6 Tết thì chính thức làm việc.

Còn theo chị Lan, Công ty Cổ phần ô tô Hoàng Gia (568 Đường Láng, Đống Đa, HN): “Quan niệm của người phương Đông đặc biệt là người Việt Nam thường thích con số 9, nhưng đợi đến ngày mùng 9 Tết để mở hàng thì lâu quá. Vì vậy, toàn hệ thống ô tô Hoàng Gia mở cửa ngày mùng 6 Tết và mừng xuân thêm một vài ngày, bán hàng lai rai cho tới ngày mùng 9 Tết là vừa”.

“Người ta nói “có kiêng có lành”. Tuy nhiên, tôi cũng không quá mê tín. Trước đây, cũng có năm cầu kỳ, nào là xem lịch ngũ hành, đi lễ đầu năm, xem chỗ này, hỏi chỗ khác nhưng sau này nhận ra rằng: Việc làm đó có hiệu quả hay không thì cũng không ai kiểm định được.” - Giám đốc Hoàng Minh Phong, Tổng Công ty Cổ Phần Linh Dương (14D2A Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội) nói. 
 
Bài, ảnh:Tiểu Phương

Bình luận
vtcnews.vn