Chống lũ miền Trung (tiếp): Cần "đa dạng hóa" phương án

Bạn đọc viếtThứ Hai, 27/12/2010 06:33:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều hơn là ý tưởng, cùng với những kế hoạch đang và sẽ triển khai, BBT VTC News kêu gọi độc giả cả nước chung tay hành động vì miền Trung.

(VTC News)  - Không mệt mỏi với những ấp ủ vì miền Trung, độc giả Đỗ Linh Cường đã tiến thêm một bước trong việc hoàn thiện ý tưởng của mình. Từ cuộc “động não tập thể” do chính mình khởi xướng, thu nhận ý kiến của độc giả 3 miền, đến nay, kế hoạch của bác Cường chỉ còn chờ một phương án triển khai nữa là có thể trở thành hiện thực.

Tôi rất hoan nghênh ý kiến của bạn Phạm Văn Nghi về phương án nhà sàn, rồi bài của bạn Võ Văn Sáng từ “tâm lũ” miền Trung gửi về lại cho tôi một số ý hay.

 

1. Trước hết, ai cũng đồng ý là phải tôn nền nhà lên tối đa phù hợp với điều kiện của địa phương. Đất ở nông thôn là thứ rẻ nhất để đắp nền nhà cao. Phải tránh đường đi của lũ, càng xa càng tốt vì lũ cuốn băng tất cả. Chính quyền địa phương cần chỉ cho dân và bố trí những nơi an toàn cho dân làm nhà, chi phí này  thấp hơn nhiều so với những thiệt hại mà dân và địa phương phải hứng chịu khi bị động đối phó và khắc phục hậu quả lũ.

 

2. Nhà sàn: Đúng là rất tiện nếu như nhà trong vườn, kiểu nhà đồng bào miền núi, hay cụm nhà sàn được xây dựng để di dời dân ra khỏi vùng làm hồ thủy điện. Nhưng nếu bạn nhìn những căn phố dọc đường quốc lộ 1A, những thị trấn bị ngập nước 1,5 - 2 m nay được thay bằng một loạt nhà sàn thì hơi kì và gây khó cho việc sinh hoạt, kinh doanh nơi phố thị.

 

Thay vào đó, tôi đề nghị một kiểu “nhà sàn tháng lũ”, nghĩa là suốt 11 tháng trong năm không ngập lụt thì bà con cứ sinh hoạt, kinh doanh buôn bán như nhà 2 tầng (một trệt + một lầu), đến tháng lũ nhà 2 tầng mới bị “co” lại, thành nhà sàn.

 

Để làm việc này, khi xây nhà thì 4 bức tường tầng trệt có hai bức theo hướng dòng chảy tới và thoát của lũ có kết cấu nhẹ, dễ dàng tháo lắp được (vật liệu làm tường này có thể bằng phên tre dày, từng tấm có chiều rộng 0,5 - 1m cũng có thể bằng gỗ  nhân tạo chịu nước như gỗ trấu của 1 công ty tai TP HCM vừa sản xuất thành công…), hai bức tường còn lại xây gạch bình thường. Khi tháng lũ tới, chủ động tháo xếp 2 tường kết cấu nhẹ, trả lại sự thông thoáng cho dòng chảy và thu xếp sinh hoạt trong tháng lũ trên nhà sàn.

 

Về kết cấu “nhà sàn tháng lũ” cho người thu nhập thấp nên có tầng trệt 3x4m, móng bê tông cốt thép đà giằng, 4 cột cũng bê tông cốt thép 20x20, cao 3 m. Bộ khung như vậy rất chắc để trên đó xây 1 phòng 12 m2, trong đó sàn, tường, mái đều bằng vật liệu 3D, cho phép chịu gió bão tới 250 km/giờ, vật liệu này nhẹ hơn gạch và bê tông truyền thống do đó giảm chi phí của hệ kết cấu chịu lực đồng thời cách nhiệt tốt nên tuy phòng nhỏ mà mùa hè phòng không nóng, mùa đông không lạnh (hiện nay nhiều công ty XD tại TP HCM có công nghệ sản xuất và xây dựng bằng vật liệu 3D).

 

3. Về cái “nhà vệ sinh xách tay”của bạn Võ Văn Sáng: Thật đơn giản mà hiệu quả. Chỉ chú ý là ngày thường nên chuẩn bị đủ tro và vôi bột để dùng cho mươi ngày lũ.

 

4. Quay lại vấn đề chính: Xây cái gì, cho ai, chỗ nào trong vùng lũ? Đây là vấn đề mà tôi thấy chúng ta còn bàn nhiều cho ra lẽ nhưng mong rằng trong một, hai tháng tới sẽ phải tạm kết luận được để bà con nghèo miền Trung kịp đối phó với mùa lũ năm 2011 với thiệt hại ít nhất.

 

Trước khi bàn cụ thể phương án nào tốt, xấu, phù hợp hay không phù hợp thì  nên chăng  ta cần thống nhất một tiêu chí quan trọng: khả năng tài chính của chủ nhà đến đâu? Nếu tổng số tiền để làm một công trình gì đó cho một hộ dân là 10 triệu, 15 triệu, 20 triệu, 30 triệu…- 100 triệu đồng, thì nên tư vấn cho chủ nhà làm gì?

 

Tại sao tôi xuất phát từ 10 triệu đ? Cả miền Trung có khoảng 20 triệu dân với khoảng 3,8 triệu hộ. Tỷ lệ hộ nghèo theo báo cáo của Bộ LĐTBXH năm 2009 chiếm 16-17% với thu nhập bình quân ở nông thôn 3,6 triệu đ/người/năm, ở thành thị là 4,68 triệu đ/người/năm. Như vậy số hộ nghèo khoảng 600.000 hộ. Một Mạnh thường quân cỡ “mạnh” có thể hiến tặng 1 tỷ đ, nhưng chí ít là cho 50-100 hộ chứ không lẽ cho 10 hộ? và nếu cho 100 hộ thì mỗi hộ chỉ được 10 triệu đồng.

 

Tôi tạm liệt kê ra đây các mức tiền đầu tư và công trình có thể làm được từ các mức tiền đó.


 

Mức

Số tiền (triệu đồng) Công trình có thể làm 
 1 7-101 phòng nổi - giường ngủ (PN – GN) có mái che, vừa là giường vừa là chỗ dự trữ thức ăn vật dụng (xin xem bài “Hai phương án, 6 giải pháp”).
(cho những hộ còn nhà tạm ở được)
 2 152 PN - GN có mái che

(cho những hộ còn nhà tạm ở được)

 3 20-251 nhà sàn tháng lũ (NSTL) 10-12 m2 có kết cấu để bình thường là nhà 2 tầng 20-24 m2 XD, khi mùa lũ tới thì thành nhà sàn.
Bạn dành đất để một hai năm sau xây tiếp “modun” thứ 2.
 4 301 NSTL 15 m2
 5 50-100Chờ ý kiến cụ thể của tác giả Phạm Văn Nghi


Tôi mong ước bà con mình sau vài năm bằng nỗ lực của bản thân mình và sự hỗ trợ của cộng đồng có thể có công trình vượt lên mức 4. Tôi rất tin tưởng bộ mặt miền Trung sẽ thay đổi nhanh như nhà văn Hoàng Thái Sơn viết về An cư miền Trung trên Vietnamnet mới đây.

 

Mong các bạn tiếp tục đóng góp ý kiến.


Đỗ Linh Cường

 

Kì tới:  Một số giải pháp về nước sạch cho vùng lũ và khô hạn

          

Nhiều hơn là ý tưởng, đã đến lúc chúng ta biến những đề xuất này thành những giải pháp cụ thể. Cùng với những kế hoạch đang và sẽ triển khai, BBT VTC News kêu gọi độc giả cả nước chung tay hành động.

-       Bạn là một chuyên gia, hay đơn giản là một người quan tâm có ý tưởng, góp ý để hoàn thiện, cải tiến, thay thế những đề xuất đã có?

-       Bạn hoặc đơn vị nơi bạn đang công tác có thiện chí tham gia tài trợ thực hiện kế hoạch này, hoặc kết hợp nó vào trong một chương trình sẵn có?

-       Bạn là người dân miền Trung muốn tham gia thí điểm mô hình này?

 

Tất cả chia sẻ xin gửi về địa chỉ email [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn