Choáng với giá thực phẩm sau Tết Dương lịch

Kinh tếThứ Tư, 05/01/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Thời tiết rét đậm cùng tâm lý “Tết là tăng giá” đã và đang đẩy giá rau, thực phẩm trong những ngày sau Tết Dương lịch.

(VTC News) – “Rau cỏ, thực phẩm mỗi ngày một giá, đi chợ bây giờ khó quá” chị Mai, ở Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) than thở sau vài vòng đi chợ. Thời tiết rét đậm cùng tâm lý “Tết là tăng giá” đã và đang đẩy giá rau, thực phẩm trong những ngày sau Tết dương lịch.

 

Ba ngày nghỉ Tết Dương lịch, giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều tăng khá mạnh cho phù hợp với “không khí nghỉ lễ”. Lí do tăng giá được hầu hết những người bán phân trần là do Tết Dương lịch nhiều người mua, khan hàng.

 

Rau xanh tăng giá chủ yếu với lí do thời tiết.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên VTC News tại một số chợ lớn ở Hà Nội, chiều 4/1, giá thực phẩm vẫn không chịu giảm và thậm chí một số mặt hàng còn tiếp tục lên giá, đặc biệt là rau xanh.

 

Chẳng hạn một tuần trước tại chợ Xanh, Cầu Giấy, giá một số loại rau như súp lơ xanh dao động ở mức 7-10 nghìn đồng/cây thì trong dịp Tết Dương lịch, giá loại rau này được điều chỉnh lên 10-15 nghìn đồng/cây và nay vẫn giữ ở mức 15 nghìn đồng/cây. Tương tự, cải thảo hiện có giá từ 15- 17 nghìn đồng/kg, tăng 1-2 nghìn so với dịp Tết Dương và cao gấp rưỡi một tuần trước đó.

 

Các loại thịt đổi giá “vì Tết”.  

Cần tây được bán với giá 5-7 nghìn đồng/mớ, cải cúc 3-4 nghìn đồng/mớ, rau muống giá từ 5-8 nghìn đồng/mớ, cải canh 35 nghìn đồng/kg, su hào 6-7 nghìn đồng/củ, củ cải 8-10 nghìn đồng/kg, cà chua 7-10 nghìn đồng/kg…

 

Khi chúng tôi thắc mắc về việc giá rau tăng mạnh, nhiều người bán phân trần là do thời tiết lạnh và hiện đang gần tới Tết nên “cái gì cũng đắt”. Chị Lan, bán rau xanh tại chợ Xanh cho hay “Giá mua vào đắt quá, nên bọn em phải tăng giá chứ có muốn thế đâu”.

 

Tuy nhiên, giá tại các chợ cũng có khá nhiều chênh lệch. Giá thực phẩm tại các chợ đầu mối buổi sáng sớm thấp hơn nhiều so với các chợ cóc trong khu dân cư. Sự chênh lệch giá giữa các khu vực trong thành phố, vùng ven và vùng trung tâm là khá lớn.

 

 Một số loại đồ khô gắn với dịp Tết cũng tăng giá nhẹ.

Chẳng hạn giá các loại thịt và rau củ quả tại các khu chợ buổi sáng sớm ở các khu vực ở nội thành Hà Nội như Thanh Xuân, Láng Hạ, Thành Công thường thấp hơn giá chợ trưa hoặc chiều từ 20-30%. Giá tăng cao và có chênh lệch nên không ít bà nội trợ đổi lịch hoặc đổi địa điểm đi chợ để khỏi “bội chi” trong vấn đề ăn uống.

 

Chị Bình, ở Kim Giang, quận Thanh Xuân cho biết, thời gian trước do bận việc chị toàn tranh thủ đi chợ chiều. Tuy nhiên, giá cả tăng mạnh khiến chị đành dậy từ 5-6h sáng bất chấp thời tiết lạnh để đi chợ sớm “Chợ sáng sớm rẻ hơn nên dù có tăng giá tôi vẫn thu xếp được 1-2 món thực phẩm chính, 1-2 món rau. Tuy nhiên, giá cả leo thang nên tôi đành hạn chế hoa quả, cả tuần mới mua ít cam hoặc chuối cho gia đình tráng miệng.”

 

Nếu rau xanh tăng giá chủ yếu với lí do thời tiết thì các loại thịt đổi giá “vì Tết”. Trong đó, tăng đáng kể nhất là thịt gà và bò. Hiện thịt bò thăn tại chợ Thành Công đang bán 185-190 nghìn đồng/kg, thịt bò mông 160-165 nghìn đồng/kg. Thịt gà hơi cũng tăng lên 120 nghìn đồng/kg. Giá Các loại thịt lợn ổn định hơn với thịt nạc thăn giá 85-90 nghìn đồng/kg, nạc vai giá 75-80 nghìn đồng/kg, ba chỉ 65-70 nghìn đồng/kg, sườn 70-80 nghìn đồng/kg.

 

Một số loại đồ khô gắn với dịp Tết cũng tăng giá nhẹ. Măng khô loại vừa được bán với giá 120-140 nghìn đồng/kg, loại ngon từ 150-170 nghìn đồng/kg.

 

Hải sản, tôm cá cũng có sự điều chỉnh giá. Tại chợ Thái Thịnh, tôm sú được bán với giá 300-320 nghìn đồng/kg (loại 20 con/kg), ngao trắng 30 nghìn đồng/kg, ngao vàng 40 nghìn đồng/kg, cua 120 nghìn đồng/kg, ốc 30 nghìn đồng/kg…

 

Bài và ảnh: Khánh Hòa

Bình luận
vtcnews.vn