Cho hôm nay và mai sau

Tổng hợpThứ Ba, 25/10/2011 01:35:00 +07:00

Trước tình trạng học sinh kém mặn mà với môn lịch sử, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên gia tăng...

Trước tình trạng học sinh kém mặn mà với môn lịch sử, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên gia tăng... vấn đề giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay càng trở nên cấp bách. 
Đã đến lúc cần những giải pháp đồng bộ; Đẩy mạnh công tác giáo dục tại nhà trường, gia đình; Tổ chức giao lưu giữa thế hệ trẻ và những lớp người đi trước; Tìm hiểu truyền thống, phát huy giá trị di tích cách mạng, kháng chiến; Đặc biệt là tăng trách nhiệm và sự quan tâm của hệ thống chính trị đối với công tác này. 
Học sinh tham quan, tìm hiểu truyền thống tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Ảnh: Linh Tâm
 

Mối lo hiện hữu
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội với Hội Cựu chiến binh TP mới đây, một cựu chiến binh giãi bày, "Bây giờ có một vấn đề người dân Thủ đô và cả nước lo ngại, đó là bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên với tính chất, hậu quả cực kỳ nghiêm trọng và lối sống thực dụng, vô cảm của một bộ phận người trẻ". Dường như thanh niên hiện nay chỉ ưa tiếp thu cái mới, hiện đại (trong đó có nhiều mặt trái) mà thờ ơ trước vấn đề lịch sử, truyền thống, những giá trị đạo đức, văn hóa... Bộ phận không nhỏ khác thì phai mờ lý tưởng, a dua theo cái xấu rồi nhiễm cái xấu lúc nào không biết. Không ít làng quê yên bình, có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng nay cũng bị tệ nạn xã hội, ma túy xâm lấn... 
Có lẽ không riêng người cựu chiến binh này, toàn xã hội đã cảm nhận và thực sự lo ngại cho những vấn đề của thanh niên hiện nay. Nhưng ai, cơ quan, đơn vị nào có trách nhiệm chăm lo, vun dưỡng, giúp cho các tầng lớp thanh niên có ý chí phấn đấu, rèn luyện, trở thành công dân hữu ích cho đất nước và gia đình? Có ý kiến cho rằng, trước hết trách nhiệm này là của gia đình và nhà trường. Nhưng trên thực tế, không ít gia đình vì mải lo chuyện cơm áo gạo tiền mà ít quan tâm giáo dục con cái. Còn nhà trường, dù rất chú trọng đến công tác giáo dục đức dục, trí dục cho học sinh nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn. Trong những năm gần đây, ngành giáo dục Thủ đô đã soạn thảo nhiều bộ tài liệu về truyền thống lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội; "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh"... đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Học sinh hào hứng tiếp thu, nhưng số vụ bạo lực học đường, số học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ... không giảm. Phải chăng ngành giáo dục cần một chương trình giáo dục có hệ thống, đồng bộ để giúp các em hiểu rõ truyền thống, lịch sử, những nét đẹp văn hóa... của địa phương mình, thành phố mình và đất nước mình. 
Bồi đắp lý tưởng cho thanh niên
"Bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, của gia đình, nhà trường và xã hội, cần thiết phải phát huy hiệu quả của các di tích cách mạng kháng chiến để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ" - Đó là đề xuất của ông Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội. TP Hà Nội hiện có trên 5.000 di tích, trong đó có hơn 250 di tích cách mạng kháng chiến. Góp một phần công sức giữ gìn truyền thống văn hóa Thủ đô từ 10 năm nay, Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hàng trăm buổi sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện truyền thống cho nhân dân Thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, theo ông Trị, TP cần phải có sự đầu tư thỏa đáng để "thổi hồn" cho các di tích cách mạng kháng chiến, thực sự là nơi thu hút, nơi sinh hoạt văn hóa cho học sinh, sinh viên và thanh niên.
Thành đoàn Hà Nội nhiều năm nay đã đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, trong đó thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên thăm các di tích cách mạng kháng chiến của Thủ đô và cả nước. Hoạt động tìm về những địa chỉ đỏ như thế này không chỉ giúp cho đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về lịch sử của quê hương và dân tộc mà quan trọng hơn, từ đó giúp cho lớp người trẻ biết trân trọng quá khứ, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Hiện nay, Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc, ngành giáo dục trong giai đoạn 2011-2015 là tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên, gắn với đẩy mạnh việc học và làm theo đạo đức, tư tưởng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp nêu cao trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa 1000 năm văn hiến; cụ thể hóa chuẩn mực, phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh và tổ chức thực hiện; phát hiện, nhân rộng những việc làm tốt, cử chỉ đẹp, nhất là trong thanh niên. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2011-2015, các cấp, ngành và toàn hệ thống chính trị Thủ đô phải vào cuộc với quyết tâm cao nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Hơn hết là tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử để bồi đắp lý tưởng, giúp thế hệ thanh niên hôm nay biết trân trọng những giá trị truyền thống, lịch sử của dân tộc, Thủ đô, định hình một lối sống đẹp, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Theo Hà Nội mới
Bình luận
vtcnews.vn