Chính thức có Tổng thư ký Quốc hội đầu tiên

Thời sựThứ Tư, 25/11/2015 02:45:00 +07:00

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chính thức được bầu làm Tổng thư ký Quốc hội.

(VTC News) - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chính thức được bầu làm Tổng thư ký Quốc hội.

Sáng 25/11, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã được bầu trở thành Tổng thư ký Quốc hội kể từ 1/1/2016  với 395/465 phiếu tán thành.

Ông Phúc cũng là Tổng thư ký Quốc hội đầu tiên.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc làm Tổng thư ký Quốc hội
Ông Nguyễn Hạnh Phúc làm Tổng thư ký Quốc hội 
Theo Luật tổ chức Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.

Cũng theo luật này,
“Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội”.


Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực tế lâu nay ông vẫn thực hiện công việc của một tổng thư ký. Trong khi đó, trên thế giới còn rất ít nước giữ chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Một trong những mục đích của chức danh này là để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Video: Quốc hội thảo luận vấn đề nóng
Trong sáng 25/11, Quốc hội đồng thời phê chuẩn danh sách 4 Phó chủ tịch và 16 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia được trình một ngày trước đó và hoàn tất việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được Quốc hội thành lập với 21 thành viên.

Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội khoá XIII.

4 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân.

16 Uỷ viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia:

1.    Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội

2.    Ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội

3.    Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội

4.    Ông Tô Huy Rứa - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

5.    Ông Ngô Văn Dụ - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

6.    Ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

7.    Ông Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an

8.    Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH.

9.  Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

10. Ông Nguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

11. Ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ TT-TT

12. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

13. Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐ Lao động Việt Nam.

14. Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

15. Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam

16. Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM

Điều 98, Luật Tổ chức Quốc hội quy định Tổng thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

b) Phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao;

c) Là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội;

d) Tổ chức các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội; ký biên bản kỳ họp, biên bản phiên họp;

đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn