Chính quyền ban hành quyết định sai, dân 'lãnh đủ'

Bạn đọcThứ Hai, 31/03/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Tòa án đã tuyên hủy quyết định của UBND huyện, nhưng người dân vẫn phải chịu hệ lụy từ việc ban hành quyết định sai trái này.

(VTC News) – Tòa đã tuyên hủy quyết định của UBND huyện, nhưng người dân vẫn phải chịu hệ lụy từ việc ban hành quyết định sai trái này.

Theo đơn thư của bà Vũ Thị Tuyết (SN 1952, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), năm 1996, thực hiện chủ trương của Nhà nước là khuyến khích cán bộ, nhân dân phát triển kinh tế trang trại, biến những vùng đất hoang, đồi trọc thành nơi màu mỡ để phát triển kinh tế đất nước, bà đã mua một khoảnh đồi trọc tại xóm Nhòn, xã Tiến Xuân để trồng cây, sau đó được huyện Lương Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cuối năm 2005, khi trang trại của bà Tuyết bước vào thời kỳ thu hoạch thì UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định phê duyệt dự án xây dựng khu biệt thự, nhà vườn tại xã Tiến Xuân có diện tích 45ha.
Bản án phúc thẩm TAND tỉnh Hòa Bình tuyên hủy quyết định của UBND huyện Lương Sơn.

Tìm hiểu các văn bản liên quan đến thu hồi đất, đền bù từ phía của UBND tỉnh và huyện, bà Tuyết phát hiện không có tên gia đình bà. Cán bộ địa chính về đo đạc theo dự án cũng cắm mốc giới ngoài phạm vi trang trại của gia đình.

Tuy nhiên, khi triển khai dự án, bà Tuyết phát hiện UBND huyện Lương Sơn đã cố tình đưa trang trại của bà vào diện tích bị thu hồi. Bà Tuyết còn phát hiện không chỉ hộ của bà mà còn rất nhiều hộ khác bị ghi thêm vào danh sách thu hồi đất.

Bất chấp những khiếu tố của người dân xã Tiến Xuân, chính quyền huyện Lương Sơn khi đó vẫn cho tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế đất để giao cho Công ty TNHH Xuân Cầu thực hiện dự án.

Hệ lụy từ những quyết định ban hành trái luật đã làm nhiều hộ gia đình thiệt hại về tài sản, cây cối trên đất, trong đó có gia đình bà Tuyết. Bà đã đâm đơn kiện quyết định cưỡng chế của UBND huyện Lương Sơn.

Bản án hành chính phúc thẩm ngày 29/3/2012 của TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên hủy Quyết định số 1142 về việc cưỡng chế, thu hồi đất ngày 22/8/2007 của Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn đối với hộ bà Vũ Thị Tuyết.
Theo bản án, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn không chỉ ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi đất sai về nội dung, hình thức mà còn nhiều vi phạm trong quá trình cưỡng chế.

Sai sót đầu tiên được bản án phúc thẩm đề cập là việc Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định 1124 “căn cứ Nghị định 197/2004/NĐ-CP” khi Nghị định này đã hết hiệu lực và bị thay thế bởi Nghị định 84/2007/NĐ-CP.
Điều 60 của Nghị định 84/2007/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể các công việc mà chính quyền phải thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất và trước khi ra quyết định cưỡng chế.
Tường rào tại khu vườn của bà Tuyết bị phá hỏng.

Tuy nhiên, UBND huyện Lương Sơn đã không thực hiện đầy đủ các công việc này. Chưa hết, cơ quan này còn vội vàng tổ chức lực lượng xuống lấy đất chỉ sau 8 ngày kể từ ban hành quyết định (theo quy định thì thời gian này phải trên 15 ngày).

Sau khi thua kiện, UBND huyện Lương Sơn đã phải bồi thường thiệt hại hoa màu cho bà Tuyết hơn 1 tỷ đồng do cưỡng chế, thu hồi đất sai.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết, sau bản án phúc thẩm, Công ty TNHH Xuân Cầu từ đó đến nay vẫn tuyên bố phần đất của gia đình (bị chính quyền huyện Lương Sơn cưỡng chế sai) vẫn thuộc của họ và hàng ngày vẫn cắt cử người vào canh giữ, không cho gia đình vào canh tác.

Vào chiều 4/3/2014, trong lúc bà Tuyết đi vắng, Công ty TNHH Xuân Cầu đã cho gần 20 người vào phá tường rào, mốc giới đất của gia đình... Hành động này đã đi ngược lại với cam kết giữa gia đình bà Tuyết và đại diện Công ty TNHH Xuân Cầu có sự chứng kiến của công an xã Tiến Xuân, trưởng thôn Nhòn, xã Tiến Xuân vào buổi sáng cùng ngày về việc giữ nguyên hiện trạng để giải quyết.

Bà Tuyết cho biết, để xảy ra việc này một phần là do hệ lụy từ việc UBND huyện Lương Sơn thực hiện sai các quy định của pháp luật và đề nghị Công ty TNHH Xuân Cầu chấp hành bản án của TAND tỉnh Hòa Bình.

Bà Tuyết cũng cho biết thêm, bà sẽ đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc làm rõ việc hủy hoại tài sản của gia đình bà.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin sự việc

Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.

Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn