Chính phủ thông tin về dự án thủy điện trên Sông Hồng

Kinh tếThứ Năm, 05/05/2016 06:50:00 +07:00

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5/5, đại diện Bộ Kế hoạch & đầu tư cho biết, dự án này cần phải nghiên cứu thêm trước khi phê duyệt.

(VTC News) - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5/5, đại diện Bộ Kế hoạch & đầu tư cho biết, dự án làm thủy điện trên Sông Hồng cần phải nghiên cứu thêm trước khi phê duyệt.

Mới đây dự án làm thủy điện trên Sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất đã khiến dư luận lo ngại sẽ tác động xấu đến môi trường. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch & đầu tư cho biết, đây là dự án mới chỉ là ý tưởng sơ khai.

Nhưng đây là dự án có tác động về vấn đề môi trường nên Bộ KHĐT đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Hiện các bộ ngành, địa phương đều có ý kiến là đồng thuận, nhưng ở mức là để Chính phủ nghiên cứu phê duyệt dự án thêm, các cơ quan phê duyệt thêm. Khi đã có các kết luận cụ thể mới được quyền đầu tư.

Ảnh minh họa

Vị đại diện Bộ Kế hoạch & đầu tư cũng cho biết, sẽ không có đề xuất được đầu tư mà sẽ thông qua luật đấu thầu. Dự án này chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường nhưng ảnh hưởng như thế nào phải có báo cáo cụ thể.

Đây là dự án kéo dài từ Lào Cai nên ảnh hưởng đến châu thổ Sông Hồng, vì vậy cần phải xem xét vấn đề xói lở, nguồn nước như thế nào, các đập dâng nước xây dựng như thế nào, rồi tính giá điện như thế nào cũng cần được nghiên cứu cẩn thận.

Trước đó, Công ty TNHH Xuân Thiện đã đề xuất thực hiện dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện đã chính thức được Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) trình Thủ tướng xem xét chủ trương đầu tư.

Theo dự án này, từ “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” sẽ làm nhiệm vụ giao thông đường thủy, phát điện, tích nước thủy lợi...

Đề xuất tham vọng sẽ tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỉ USD (khoảng 24.500 tỉ đồng).

Sau khi đầu tư, chủ đầu tư sẽ thu phí và đây sẽ là nguồn thu chính để thu hồi vốn cho dự án. Mức phí được dự kiến ở mức 10.000 - 15.000 đồng/tấn (riêng đoạn Việt Trì - Yên Bái). Đoạn khu vực Yên Bái 40.000 - 45.000 đồng/tấn...

Chủ đầu tư tính toán nguồn thu từ thủy điện khá lạc quan. Theo đó, khi bắt đầu phát điện, giá điện mà thủy điện này bán được sẽ ở mức 1.900 đồng/kWh, dần tăng giá lên khoảng 3.500 đồng/kWh (nhiều thủy điện hiện nay đang bán điện với giá chỉ khoảng 450-1.000 đồng/kWh).

Nhà đầu tư dự kiến thu hồi vốn sau 25 năm.


Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn