Chìm tàu thảm khốc: Tài công chạy sai bản đồ

Thời sựChủ Nhật, 04/08/2013 03:30:00 +07:00

(VTC News) - Con tàu chở quá số lượng cho phép, tài công không lường trước rủi ro khi gặp thời tiết bất lợi vẫn cho tàu hướng ra cửa biển nên dẫn đến thảm nạn.

(VTC News) - Con tàu chở quá số lượng cho phép, tài công không lường trước rủi ro khi gặp thời tiết bất lợi vẫn cho tàu hướng ra cửa biển nên dẫn đến thảm nạn.

Sáng 4/8, sau gần 2 ngày xảy ra vụ lật tàu nghiêm trọng trên khu vực Sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ, TP.HCM) chúng tôi tìm đến bệnh viện An Sinh (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Tại đây, một số nạn nhân vẫn đang được các bác sĩ khám chữa và theo dõi.



Các nạn nhân được cứu sống trong vụ chìm tàu tại bệnh An Sinh dù đã hồi phục sức khoẻ nhưng tinh thần vẫn đang hỗn loạn.
 

Tài công vừa chạy vừa gọi điện hỏi đường

Nằm trong bệnh viện An Sinh, dù sức khỏe đã ổn định trở lại, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn chưa hết kinh hãi và đau đớn khi nhắc đến vụ thảm nạn tối 2/8.

Anh Nguyễn Trung Hiếu (23 tuổi, quê Vĩnh Phúc) làm kỹ thuật Công ty Cổ phần Sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam kể lại trong nước mắt: Chiều 2/8, 3 chiếc tàu bắt đầu xuất bến Gò Công Đông (Tiền Giang) để xuôi về Vũng Tàu.

Trong đó chiếc tàu bị nạn (số hiệu H29-BP) chở đến 1/2 số thành viên trong đoàn, số thành viên còn lại được chia đều cho hai tàu nhỏ hơn.

 

Anh Trung Hiếu đau đớn khi nhớ lại phút giây đồng đội của an vĩnh viễn ra đi không quay trở lại (Ảnh chụp tại Bệnh viện Cần Giờ) 


Chiếc tàu này cũng xuất phát sớm hơn hai chiếc nhỏ khoảng 30 phút, đi được hơn 1 giờ thì xảy ra sự cố gặp sóng lớn quật ngang làm lật tàu.

“Trước khi xảy ra tai nạn, tài công điều khiển tàu nhưng không rõ đường đi, cứ mỗi lần gặp phải những thuyền những cư dân đang đánh bắt trên sông thì cho tàu chạy chậm lại rồi hỏi đường. Mặt khác, tài công liên tục cầm điện thoại gọi cho ai đó để dò hỏi đường đi.

Chúng tôi phải mở điện thoại để xem bản đồ định vị đường đi cho tài công. Tuy nhiên, tài công vẫn không nghe và cho tàu hướng ra cửa biển Sao Mai”, anh Hiếu bức xúc.


Anh Hiếu cho biết thêm, lúc xảy ra vụ lật tàu khu vực sông Soài Rạp có sóng vỗ mạnh và gió rít dữ dội, chiếc tàu bị chao đảo mạnh. Nhiều người chưa kịp hoàn hồn sau mỗi lần sóng gió đến thì con tàu lật ụp rồi nhiều người hốt hoảng thoát ra ngoài đu bám vào thành tàu, suốt nhiều giờ liền mới được lực lượng cứu hộ vớt lên bờ.

“Nhiều người vì đuối sức và lạnh cóng khi phải ngâm mình hàng giờ trong nước đã buông tay khỏi thành tàu và bị nước cuốn trôi mất tích.

“Giá như tài xế chạy sát bờ, cứu hộ đến sớm hơn thì nhiều người sẽ được cứu sống. Có lẽ chuyến đi này sẽ ám ảnh tôi và những đồng nghiệp khác suốt đời”, anh Hiếu vỡ oà trong đau đớn. 

 

Tàu chở quá số lượng, không trang bị đủ áo phao

Anh Đoàn Hồng Thắng run run kể: Chiều 2/8, Công ty thuê tổng cộng ba canô để chở 65 người đi ăn đám cưới ở Vũng Tàu. Hai chiếc kia nhỏ hơn nên chở ít người, riêng chiếc H29-BP chở đến 30 người. Thấy tàu chở nặng, anh và nhiều người đã mặc áo phao vào ngay từ lúc mới lên tàu, nhưng nhiều người vẫn không có áo phao để mặc.

Anh Thắng cho biết thêm, do chở nặng nên trên đường di chuyển chiếc tàu liên tục bị chao đảo mỗi khi gặp sóng cuộn đến.


Điển hình, anh Trần Hữu Hiệp mặc áo phao trên người thấy đồng nghiệp là chị Phạm Thị Thu (22 tuổi) bị đuối nước, không còn sức nên anh liền cởi áo phao đang mặc nhường cho chị Thu.


Anh Hiệp chủ động đứng trước chị Thu và các đồng nghiệp nữ để cản lại cơn sóng nhưng chỉ được một lát anh Hiệp đã bị sóng cuốn trôi.

"Chúng tôi với theo giữ được anh Hiệp nhưng lúc đó anh đã không còn thở nữa. Một con sóng nữa lại ập tới kéo xác anh Hiệp ra xa chúng tôi”, anh Thắng nói trong nước mắt.
 

Con tàu gặp nạn H29- QP đang trong quá trình sửa chửa nhưng vẫn được cho thuê để chở khách, theo thiết kế trọng tải là 12 người nhưng lại chở đến 30 người.


Qua tìm hiểu của phóng viên VTC News, chiếc tàu bị chìm do Công ty Cổ phần Sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam (PV Pipe, KCN Soài Rạp, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) thuê của Công ty Cổ phần Việt Séc (KCN Đông Xuyên, TP Vũng Tàu), do tài công Phạm Duy Phúc điều khiển cùng phụ máy là anh Nguyễn Văn Dương để chở công nhân đi Vũng Tàu. 

Tàu xuất phát từ Vàm Láng, Gò Công Đông lúc 17 giờ 30 ngày 2/8. Đến khoảng 19 giờ thì gặp sóng to, gió lớn nên lật úp. Trên tàu (vỏ composite, dài 11 m, rộng 3 m, trọng tải 3.000 kg, gắn máy Yamaha 200 cv) chở 30 người gồm năm nam, 25 nữ. 
Mặt khác, con tàu H29-BP là một trong hai chiếc tàu được Liên doanh Vietsovpetro và Công ty Việt Séc bàn giao cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để làm nhiệm vụ (ngày 10/6).

Tuy nhiên, đến ngày 9/7, do phát hiện canô H29-BP có một số hư hỏng kỹ thuật, Bộ đội biên phòng tỉnh đã bàn giao lại tàu cho Công ty Việt Séc để sửa chữa. Việc Việt Séc cho thuê chiếc tàu này phía Bộ đội biên phòng tỉnh không hay biết.

Theo thông số kỹ thuật, canô H29-BP có cabin kín, được sử dụng để vận chuyển hành khách hoặc công tác tuần tra trên biển. Bên trong cabin có hai ghế ngồi cho tài công và phụ lái và hai băng ghế dọc hai bên cho hành khách.

Ở giữa có một lối đi từ mũi tàu ra phía sau đuôi tàu. Xung quanh cabin được gắn các ô kính. Tàu được trang bị động cơ công suất 250 HP, được chở tối đa 12 người kể cả lái tàu. Nhưng như đã nói ở trên, chiếc tàu này đã chở tới 30 người khi gặp nạn.


Theo Thượng tá Nguyễn Long Bào, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa (Cần Giờ), cho biết: “Ca nô chở 30 người gặp nạn mang số hiệu H29-BP là chiếc đóng cho lực lượng biên phòng nhưng đồn đã trả lại cơ sở đóng tàu để sửa chữa do bị lỗi. Tuy nhiên, trong thời gian này, đơn vị sản xuất đã cho khách thuê để chở khách đi chơi. Có khả năng, lái tàu đã cho ca nô đi vào vùng nước xoáy và đi sai hải đồ nên gặn nạn”. 

Phạm Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn