Chiến thuật nào của Mỹ khiến hải quân Trung Quốc ‘ăn không ngon, ngủ không yên’?

Thế giớiThứ Năm, 21/05/2015 06:19:00 +07:00

Những thay đổi chiến thuật của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương đang khiến giới quân sự Trung Quốc trong tình cảnh ‘ăn không ngon, ngủ không yên’.

(VTC News) – Những thay đổi chiến thuật của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương đang khiến giới quân sự Trung Quốc trong tình cảnh ‘ăn không ngon, ngủ không yên’.

Ngày 18/5, tàu sân bay Mỹ George Washington rời căn cứ Yokosuka tại Nhật Bản để về nước đại tu giữa kỳ và thay các thanh nhiên liệu hạt nhân.
Tàu sân bay George Washington của Mỹ 
Thay thế vào đó là tàu sân bay còn hiện đại hơn mang tên Ronald Reagan. Con tàu này được giới quân sự Trung Quốc nhận định là mang sức uy hiếp lớn hơn nhiều so với tàu George Washington.

Chuyên gia quân sự Lý Kiệt của Trung Quốc nói ngay từ khi tàu George Washington còn ở Nhật, và trước đó là ‘người tiền nhiệm’ Kitty Hawk thì quân đội Trung Quốc đã phải căng mình theo dõi mọi biến động của tàu sân bay Mỹ. 

Bởi lẽ, tàu sân bay với năng lực tác chiến của nó và những tàu chiến đi kèm được coi là ‘nanh vuốt’ gần Trung Quốc nhất của Mỹ.

So với tàu Kitty Hawk thì tàu George Washington trong 7 năm ở Nhật Bản tỏ ra ‘hiền lành’ hơn khi không mấy khi vượt qua ‘đệ nhất đảo liên’, tạo nên sự uy hiếp cụ thể với Trung Quốc. 

‘Đệ nhất đảo liên’ là dãy đảo kéo dài từ bán đảo Triều Tiên, quần đảo Kuril (Nga), Nhật đến Đài Loan rồi Philippines. 
Tàu sân bay Ronald Reagan 
Cụm từ này được Trung Quốc sử dụng để nói về ranh giới mang tính chính trị mà Mỹ và Liên Xô (cũ) từng đối đầu thời chiến tranh Lạnh. Sau này, giới quân sự Bắc Kinh nói ranh giới này được Mỹ sử dụng để đối phó với chính Trung Quốc.

Mỗi khi có biến động ở bán đảo Triều Tiên hoặc căng thẳng ở Biển Đông, tàu sân bay George Washington đều xuất hiện và khiến Trung Quốc cực kỳ cảnh giác.

Trong khi đó, tàu Ronald Reagan với hệ thống vũ khí còn hiện đại hơn George Washington khiến Trung Quốc càng thêm căng thẳng bởi giới quân sự nước này cho rằng Mỹ rất có thể sẽ thay đổi chiến thuật.

Tàu sân bay Washington từng có các cuộc tập trận quy mô lớn với hải quân Nhật năm 2009, và tháng 7 năm đó tiếp tục tập trận với hải quân Australia.

Nhưng cuộc tập trận khiến Bắc Kinh chú ý nhất diễn ra vào năm 2010 giữa hải quân Mỹ - Hàn mang tên Invincible Spirit (Trung Quốc gọi là ‘Tinh thần vô địch’).

Cuộc tập trận này khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ, trong khi Mỹ nhấn mạnh vẫn sẽ đưa tàu Washington tới tập trận ở Hoàng Hải. 

Video: Bản chất sự ngụy biện của Trung Quốc ở Biển Đông

Sau này, cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển của Nhật Bản và được Trung Quốc cho là kết quả thắng lợi sau khi nước này liên tiếp phản đối. 

Tuy vậy, các cuộc tập trận tiếp theo của tàu Washington còn mang quy mô lớn hơn với sự tham gia của hải quân Nhật, Hàn Quốc.

Năm 2012, tàu Washington còn tập trận ở biển Andaman cùng hải quân Malaysia và cùng tàu sân bay khác của Mỹ là Stennis thực hiện phối hợp diễn tập giữa các tàu sân bay trên biển.

Trả lời phỏng vấn tờ Hoàn Cầu thời báo hôm 19/5, chuyên gia quân sự Lý Kiệt khoe khoang: “Từ khi biết Trung Quốc có tên lửa chống hạm Đông Phong (DF-21D), người Mỹ ít nhiều e ngại hơn khi tiến lại gần Trung Quốc. Các cuộc tập trận của họ thường diễn ra ở ngoài ‘đệ nhất đảo liên’ mà không dám tiến sâu hơn”.

Nhưng Lý Kiệt thừa nhận rằng, với hệ thống vũ khí hiện đại, tàu sân bay Mỹ vẫn có “sức uy hiếp lớn” với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, truyền thông Trung Quốc cũng nhắc tới việc tàu Washington từng đến thăm ít nhất 40 quốc gia trong vai trò sứ giả hòa bình. Tờ Hoàn Cầu thời báo tỏ ra đặc biệt quan tâm chuyến thăm diễn ra vào tháng 8/2009, khi tàu Washington tới Việt Nam chúc mừng 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Video: Hải quân Trung Quốc tập trận

Trong mắt giới quân sự Trung Quốc, việc Mỹ điều tàu Reagan đến thay thế tàu Washington ở Nhật Bản nhìn qua tưởng như là việc thông thường, nhưng thực tế, nó cho thấy người Mỹ đang sắp xếp “bố cục chiến lược được tính toán kỹ lưỡng”.

“Mỹ đưa tàu Reagan tới Nhật, nghĩa là con tàu này sẽ ở đây trong khoảng thời gian rất dài sắp tới. Điều đó cũng có nghĩa là người Mỹ cho rằng con tàu này sẽ phát huy những hiệu quả lớn hơn tàu Washington thời gian qua, việc này khiến Trung Quốc không thể không cảnh giác”, Lý Kiệt nói.
Tàu Reagan là tàu sân bay hạt nhân thứ hai thuộc lớp Nimitz của Mỹ với nhiều cải tiến vượt trội. Đáng kể là khả năng ‘tàng hình’, hệ thống máy móc, điện tử, khả năng mang nhiều máy bay chiến đấu và vũ khí hơn. Đây được cho là con tàu có sức mạnh lớn nhất trước nay mà Mỹ điều đến Thái Bình Dương.

Trong khi đó, nếu thời gian tới những chiếc chiến đấu cơ tân tiến nhất của Mỹ là F-35C hoàn thành quá trình thử nghiệm và trang bị trên tàu sân bay thì điều này thực sự là mối uy hiếp không nhỏ với Bắc Kinh, theo tờ Hoàn Cầu thời báo.

Video: Mỹ - Trung căng thẳng về Biển Đông
Lý Kiệt cho rằng, điều đáng sợ nhất là Mỹ có thể sẽ áp dụng những nghiên cứu thực hiện trên tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới mang tên Gerald R. Ford để áp dụng vào tàu Reagan. 
Theo các nguồn tin quân sự, tàu sân bay Gerald R. Ford sẽ trang bị máy bay chiến đấu tàng hình F-35C cùng với nhiều máy bay chiến đấu không người lái có trọng tải từ vài tấn đến tối đa 40 tấn.
Bình quân mỗi ngày nó có thể phóng 160 lượt máy bay, đỉnh điểm có thể đạt 270 lượt, tỷ lệ điều động cao hơn 1/4 so với tàu sân bay lớp Nimitz.
‘Khái niệm vũ khí mới’ của tàu sân bay Mỹ có thể mang đến những thay đổi rất lớn về phương pháp tác chiến của hải quân nước này, Lý Kiệt nhận định.
Hoàn Cầu thời báo nhận định, nếu Washington thực sự đưa tàu chiến, máy bay ‘xâm phạm các đảo của Bắc Kinh ở Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam)’ thì rõ ràng đây là bước thách thức Trung Quốc.
Bất chấp thực tế Việt Nam là nước có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tờ báo của Trung Quốc lớn tiếng cho rằng nước này ‘sẽ có biện pháp trả đũa cứng rắn’ nếu chiến hạm hoặc chiến đấu cơ Mỹ xuất hiện gần những hòn đảo mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền.

Văn Việt Võ
Bình luận
vtcnews.vn