Chia sẻ 4 bí quyết đơn giản dạy con làm việc nhà từ khi mới hơn 1 tuổi

Đời sốngThứ Tư, 13/09/2017 08:00:00 +07:00

Ngày nay, đa số các bậc cha mẹ chỉ sinh từ một đến hai con nên có nhiều thời gian cho chăm sóc bé; thậm chí, một số gia đình còn có cả ông bà và người giúp việc hỗ trợ nên làm việc nhà dần trở nên xa lạ với các bé.

Tuy nhiên, khi cho bé làm việc nhà, bạn không chỉ giảm được khối lượng công việc cho bản thân mà còn là cơ hội tốt giúp để bạn dạy con về tinh thần sẻ chia, yêu thương, tự lập và biết yêu, trân trọng sức lao động. Đó là lí do vì sao tôi luôn cố gắng rèn cho con gái của mình làm việc nhà. Và để làm điều đó, tôi áp dụng các nguyên tắc sau.

Nguyên tắc 1: Không có quá nhỏ để làm việc nhà, chỉ có phù hợp

Khi con của tôi khoảng hơn 1 tuổi, bé đã có một thùng đồ chơi đầy nhóc. Đó là kết quả của những lần tôi đi siêu thị, thấy cái gì hay là tha về cho bé hoặc bé được tặng, được cho vào các dịp lễ, tết, sinh nhật. Và tất nhiên, khi con còn nhỏ, việc dọn dẹp đồ chơi của con là việc mà tôi phải làm.

Nhưng ngay cả khi tự tay mình dọn cho con, tôi vẫn không quên ủ mưu dạy bé tự cất đồ chơi. Tôi cầm tay con, cho con nắm đồ chơi và nói “Hết giờ chơi rồi. Con hãy cất đồ chơi cho vào thùng đi nào”. 

Và khi con tôi 2 tuổi, bé đã biết tự cất đồ chơi của mình sau khi mẹ nhắc hết giờ chơi và cần dọn dẹp. Tất nhiên, tôi cũng có thể giúp con một chút bằng cách nói “Mẹ giúp con một tay nhé” khi bé có bày quá nhiều.

Không chỉ cất đồ chơi, bé nhà tôi còn có thể tự làm một số việc nhẹ nhàng, đơn giản khác để tự phục vụ mình như tự lấy bỉm, sữa để cho vào balo đi học của mình hoặc lấy tăm cho ông bà, bố mẹ sau bữa cơm, tự cất giày dép lên giá khi đi học, đi chơi về.

Nhiều người nói với tôi rằng nó bé tí thế, bắt nó làm phải tội, mình tự làm cho nhanh. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác. Những việc mà tôi muốn con gái làm, con đều có thể làm tốt vì nó hoàn toàn phù hợp với con. Con hiểu yêu cầu của mẹ và thực hiện theo được. Nếu muốn con làm thuần thục, nhanh hơn thì cần cho con thời gian để tập cho quen chứ không phải là chờ con lớn hơn để bắt đầu.

Chỉ cần chọn việc phù hợp, bé nhà bạn luôn có thể bắt đầu làm việc nhà, dù ở độ tuổi nào

Nguyên tắc 2: Luôn khích lệ con

Nếu bạn hoàn thành công việc vô cùng mới mẻ được giao, bạn có muốn nhận được một lời khen từ sếp của bạn không? Tất nhiên là có rồi, và con của chúng ta cũng thế thôi. Bé hẳn sẽ rất vui nếu như sau khi hoàn thành được một công việc được giao, bé nhận được một lời đánh giá, nhận xét tích cực từ bố mẹ, người lớn.

Cảm giác tự bản thân mình hoàn thành một công việc và chịu trách nhiệm về nó rất tuyệt và đứa con bé bỏng của bạn cũng có thể cảm nhận điều đó. Vì thế, tôi chẳng bao giờ hà tiện lời khích lệ, động viên với con trẻ.

Mỗi khi con gái tôi hoàn thành việc cất đồ chơi của mình, tôi đều nói với bé: “Con đã tự cất đồ chơi xong rồi. Con rất là ngoan đấy”.  Thỉnh thoảng, khi tôi quên khen ngợi bé sau khi làm một việc gì đó, bé thậm chí còn nhắc tôi: “Mẹ ơi, con có ngoan ko?” hoặc “Mẹ khen con đi”.

Nếu bé dọn dẹp đồ chơi chưa sạch hoặc lau chỗ sữa làm đổ ra bàn chưa sạch, tôi vẫn khen bé là “Con thật ngoan khi đã làm việc này, việc kia nhưng cũng không ngại nhắc bé rằng “Con xem này, con đã bỏ quên bạn búp bê khi con dọn đồ và bạn ấy đang buồn lắm vì bị bỏ rơi đấy” hoặc “Con nhìn xem này, vết sữa vẫn còn trên bàn khi con lau”. Và tất nhiên, sau đó là quãng thời gian để bé hoàn thành nốt những chỗ chưa được tốt. Lúc này, bé đã hoàn toàn xứng đáng với một lời khen nữa.

Hãy cho bé thấy bạn luôn ghi nhận sự cố gắng của bé bằng những lời động viên, khích lệ

Nguyên tắc 3: Cái gì cũng cần có thời gian

Như trên đã nói, việc bạn để con làm việc nhà hẳn sẽ giúp bạn giải quyết một số vấn đề như có thêm thời gian nghỉ ngơi, giúp con rèn tính tự lập... Tuy nhiên, nếu bạn kì vọng rằng những điều tuyệt vời này sẽ đến ngay lập tức thì bạn hẳn sẽ thất vọng  vô cùng. Vì để hình thành thói quen làm việc nhà cho trẻ, cần có một quãng thời gian rèn luyện lâu dài.

Ngày hôm nay, con của bạn có thể vô cùng hào hứng với việc giúp bạn thu dọn đồ chơi, tự lấy bỉm và sữa... nhưng ngày mai, bé có thể lăn ra ăn vạ, không thực hiện yêu cầu của bạn. Và lúc ấy, nếu bạn cáu gắt, bực bội, mắng mỏ bé và lao vào “tự làm cho nhanh” thì hẳn bạn sẽ thất bại hoàn toàn trong chiến dịch dạy bé làm việc nhà. 

Video: Cách rèn con trước khi vào lớp 1 của mẹ Đỗ Nhật Nam 

Vì thế, xin đừng nóng vội mà làm thay bé khi một vài lần yêu cầu mà bé chưa làm hoặc bé đã làm nhưng không thể nào đạt yêu cầu của bạn. Chỉ cần một vài lần như vậy, bé sẽ học được thói quen “À, nếu mình không làm, bố mẹ sẽ làm thay”.

Khi tôi đi nấu cơm, tôi đã dặn con gái 3 tuổi của mình rằng “Con hãy thu dọn đồ chơi của con đi nhé” nhưng khi tôi nấu cơm xong, bé vẫn chưa làm mà mải chơi búp bê. Tôi rất sốt ruột khi thấy nhà cửa bừa bộn mà giờ cơm lại sắp tới rồi. Nhưng tôi không làm giúp bé mà tôi đã chọn cách tiếp tục nhắc nhở.

Tôi nói với bé. Con có muốn ăn cơm không? Và bé trả lời là có. Vậy là tôi bảo rằng khi nào con dọn đồ chơi xong thì mẹ sẽ dọn cơm cho con ăn. Sau đó, bữa cơm đã diễn ra hơi muộn một chút để bé có thể tự mình hoàn thành nhiệm vụ”.

 

Những lần sau, luôn có thể tốt hơn lần đầu tiên làm. Hãy cho bé thời gian tập luyện

Nguyên tắc 4: Vừa làm vừa chơi, tại sao không?

Nếu bạn coi làm việc nhà là một công việc nhàm chán, tẻ nhạt, vất vả và tốn thời gian thì hẳn con của bạn cũng sẽ nghĩ thế đấy. Vì thế, hãy giúp bé nhà bạn thấy thích làm việc nhà bằng cách biến nó thành một công việc thú vị, hay tuyệt cú mèo với các mẹo nho nhỏ mà bạn tự nghĩ ra.

Khi thu dọn đồ chơi, tôi thường cùng làm với con gái trò “Xem ai ném trúng  nhiều hơn”. Không cần dụng cụ gì cầu kì, khi nhặt đồ chơi, tôi và con sẽ cùng ném vào chiếc giỏ đựng đồ. Nếu ném trúng thì món đồ đó đã được thu dọn, còn nếu ném trượt, nghĩa là tôi được ném lại lần nữa hoặc nhặt lên và cho vào giỏ.

Hoặc khi tôi tưới cây, tôi có cho bé nhà tôi tập làm việc này bằng cách mua cho bé một chiếc bình tưới hình con voi màu hồng bằng nhựa. Và rõ ràng là với chiếc bình này, việc tưới cây trở nên hấp dẫn hơn nhiều.

Nếu bé nhà bạn sa đà vào việc chơi thay vì chỉ làm, hãy nhắc nhở bé nhẹ nhàng và nỗi giới hạn của việc chơi thế nào, làm ra sao. Đừng vì bé ham chơi mà mắng bé, việc này sẽ rất phản tác dụng khi bạn áp dụng công thức vừa chơi vừa làm vào lần tới.

Với những nguyên tắc này, tôi đã giúp con gái  tuổi của mình biết chút ít việc nhà như tự thu dọn đồ chơi, cho quần áo vào máy giặt, bỏ bỉm vào thùng rác, lau bàn sau khi ăn....Hy vọng rằng chia sẻ này sẽ có ích với bạn, nếu như bạn cũng đang ấp ủ kế hoạch tập cho bé nhà mình làm việc nhà. 

Mẹ Bống
Bình luận
vtcnews.vn