Chĩa pháo vào tàu Việt Nam: Trung Quốc răn đe và nắn gân chuẩn bị cho bước leo thang nguy hiểm ở Biển Đông

Thời sựThứ Bảy, 28/11/2015 08:45:00 +07:00

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nói về việc Trung Quốc chĩa pháo và một dàn súng AK vào tàu Việt Nam.

(VTC News) - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nói về việc Trung Quốc chĩa pháo và một dàn súng AK vào tàu Việt Nam.

Ngày 26/11, ông Nguyễn Duy Hiết, Giám đốc Công ty bảo đảm An toàn hàng hải biển Đông và Hải đảo xác nhận thông tin tàu Hải đăng 05 của công ty đã bị một số tàu Trung Quốc vây ép tại Trường Sa vào ngày 13/11.


Trong số các tàu vây ép tàu Hải Đăng 05 có cả tàu chiến số hiệu 995 của Trung Quốc.

Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở việc vây ép, tàu chiến 995 của Trung Quốc còn mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05.
Tàu chiến 995 của Trung Quốc chĩa pháo, súng AK vào tàu Việt Nam

Liên quan đến sự việc nói trên, phóng viên VTC News đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
 
- Thông tin tàu chiến của Trung Quốc vây ép và chĩa pháo, súng AK vào tàu Hải Đăng 05 của Việt Nam có khiến ông bất ngờ?

Tôi không bất ngờ, vì sự việc tương tự đã xảy ra, đây không phải lần đầu. Tuy nhiên, vụ tàu chiến của Trung Quốc vây ép và chĩa pháo, súng AK vào tàu Hải Đăng của Việt Nam hoạt động bình thường ở vùng biển quần đảo Trường Sa ngày 13/11 vừa qua là hành động đe dọa quân sự phi lý.

Chẳng qua ‘cái kim’ quân sự hóa các đảo tôn tạo của Trung Quốc, dù cố giấu, đã bị lòi ra khỏi bọc, không cần biện minh.

 
- Việc tàu Trung Quốc mở bạt pháo, chĩa súng vào tàu tiếp tế Việt Nam thể hiện điều gì, thưa ông?

Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, không thể chấp nhận. Có vẻ Trung Quốc muốn vừa răn đe vừa nắn gân, chuẩn bị cho bước ‘leo thang’ mới nguy hiểm trên Biển Đông. Việt Nam và các quốc gia liên quan phải hết sức cảnh giác với sự việc nghiêm trọng này.

Mức độ nghiêm trọng là ở chỗ, trong khi Việt Nam tiến hành hoạt động dân sự trên các tuyến hàng hải thông thường nhằm bảo đảm an toàn hàng hải cho hệ thống mạng trạm đã có trước khi Trung Quốc tôn tạo đảo nhân tạo, nhưng phía Trung Quốc đã dùng số lượng tàu lớn áp đảo, bao vây, ngăn chặn…

Đặc biệt họ dùng tàu chiến lớn, trang bị vũ khí hiện đại, lực lượng đông để áp đảo bằng vũ lực là hành động liều lĩnh, tiếp tục coi thường luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Hành động như trên rất ngông cuồng, không phù hợp với câu nói cửa miệng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng ‘Họ không có gen bành trướng, không có gen xâm lược’. Vậy họ chỉ có gen xâm lấn, xâm chiếm, bắt nạt nước bé, đe dọa vũ lực và sẵn sàng sử dụng vũ lực?

Thiết nghĩ, Trung Quốc đủ thông minh để hiểu chính mình, nhưng vẫn không nằm chệch ‘Ý đồ độc chiếm Biển Đông’ mà vấn đề Trường Sa chỉ là một trong những ‘gói kịch bản’ chuẩn bị sẵn từ trước của họ.

- Sự việc trên xảy ra vào chỉ 1 tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Ông đánh giá thế nào?
 
Chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và bài phát biểu của ông trước Quốc hội Việt Nam, dù thế nào, cũng là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước láng giềng.

Những lời phát biểu của người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc tại Quốc hội Việt Nam vừa thể hiện quan điểm chính thống của Trung Quốc, nhưng tự nó cũng là một bài ‘kiểm tra’ mà người đánh giá nó chính là các đại biểu Quốc hội, nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Không cần nói bài kiểm tra này được mấy điểm, chỉ biết rằng nói ‘rất hay và kẻ cả’ trước Quốc hội Việt Nam thì chỉ sau một ngày, tại Singapore ông Tập Cận Bình đã nói ngược lại khi cho rằng ‘các đảo ở Biển Đông là của Trung Quốc từ lâu đời’. Dù câu nói như vậy đáng ra phải từ một nhà sử học, chứ không phải từ một nguyên thủ quốc gia.

Video: Tàu Trung Quốc mở bạt pháo, chĩa súng vào tàu Việt Nam


Không chỉ ‘tiền hậu bất nhất’, mà sự việc xảy ra vào ngày 13/11 nói trên lại tự nó thể hiện cho ‘lời nói không đi đôi với việc làm’ – điều rất đáng kiêng kỵ của các nguyên thủ quốc gia.

- Những tình huống như thế này có khả năng sẽ còn tái diễn trong tương lai, vậy chúng ta cần phải hành xử thế nào?

Chúng ta phải kiên định, kiềm chế và tỉnh táo để tránh mắc bẫy ‘vũ lực’ tạo cớ của phía Trung Quốc trong bối cảnh rất nhạy cảm ở khu vực Trường Sa hiện nay, cũng như trước những hành vi có toan tính của họ.

Yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hành động ngang trái của họ ở khu vực quần đảo Trường Sa, không làm gia tăng căng thẳng, không được sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực đối với các hoạt động dân sự hợp pháp và thông thường trên khu vực Trường Sa.


- Xin cảm ơn ông!


Minh Quyết
(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn