Chỉ tiêu phạt cho CSGT có "thấm tháp" gì với thực tế?

Thời sựThứ Sáu, 30/04/2010 11:04:00 +07:00

(VTC News) - Một CSGT làm nhiệm vụ tuần tra xử lý trên đường cho biết, trong những ngày cao điểm con số biên bản được lập gấp hàng chục lần chỉ tiêu được giao.

(VTC News) - Một CSGT làm nhiệm vụ tuần tra xử lý trên đường cho biết, trong những ngày cao điểm con số biên bản xử phạt được lập gấp hàng chục lần chỉ tiêu được giao. Vì vậy, việc giao chỉ tiêu này không tăng là bao và hoàn toàn không khó để thực hiện.

Vì sao phải tăng chỉ tiêu phạt?

Giải thích vì lý do khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp xử lý các lỗi vi phạm giao thông, Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, các biện pháp như tăng chỉ tiêu xử phạt tối thiểu cho các đội CSGT, lập các đội CSGT mặc thường phục để tuần tra xử lý trên đường đều nhằm xử lý các trường hợp tái vi phạm. Các vi phạm về đội MBH, vượt đèn đỏ, lạng lách vẫn gia tăng, vì vậy phải tăng các biện pháp kiểm soát.

Trang bị mũ cối, tăng chỉ tiêu phạt, cho phép CSGT mặc thường phục tuần tra xử lý là để ngăn chặn hành vi tái vi phạm giao thông (Ảnh: luatgiaothong)


"Thời tiết chuyển sang hè, tình trạng không đội MBH, lạng lách trên đường ngày càng gia tăng ở bộ phận thanh, thiếu niên. Vì vậy CSGT Hà Nội sẽ triển khai chuyên đề để tăng cường xử lý nghiêm", ông Ngọc nói.

Theo
kế hoạch, từ 26/4, 12 đội CSGT Công an TP Hà Nội sẽ phải lập biên bản xử phạt 415 trường hợp vi phạm giao thông mỗi ngày. Không có con số để so sánh nhưng chỉ tiêu trên được cho là tăng lên so với trước đó. Việc công khai tăng xử lý được giao cụ thể cho từng đơn vị.

Theo đó, đội CSGT số 1 và Đội CSGT số 4 được giao chỉ tiêu xử lý 70 trường hợp/ngày,trong đó, tạm giữ 20 xe/ngày. Thứ tự với các đội còn lại: Đội CSGT số 8 và 12 xử lý 35 trường hợp và tạm giữ 10 xe/ngày; Đội CSGT số 5 và 7 xử lý 20 trường hợp/ngày, trong đó, tạm giữ 6 xe...

Trả lời VTC News về việc giao chỉ tiêu 415 trường hợp vi phạm giao thông mỗi ngày là dựa trên số lượng CSGT hiện có hay dựa trên thống kê số người vi phạm, ông Ngọc nói ngắn gọn đây là chuyên đề được xây dựng rất kỹ lưỡng và giao thực hiện đồng bộ. "Tất nhiên, việc xử phạt phải căn cứ vào tình hình thực tế vi phạm. Số lượng xử lý không quan trọng mà quan trọng là đã xử lý được", ông Ngọc nói.

Theo quy định CSGT, khi lập biên bản xử lý được trích % số tiền xử phạt, ông Ngọc nói rõ, việc giao chỉ tiêu là để nâng cao trách nhiệm, khuyến khích các cán bộ cảnh sát làm tốt nhiệm vụ.

Thực tế mỗi ngày xử phạt 500 - 1.000 trường hợp

Một CSGT làm nhiệm vụ tuần tra xử lý trên đường cho biết, mỗi ngày chỉ tiêu đề ra cho mỗi tổ tuần tra tối thiểu là 6 trường hợp. Tuy nhiên, trong những ngày cao điểm con số biên bản được lập gấp hàng chục lần chỉ tiêu được giao. Vì vậy, việc giao chỉ tiêu này không tăng là bao và hoàn toàn không khó để thực hiện.

Một chuyên gia giao thông phân tích, số lượng CSGT sau khi sáp nhập Hà Nội với Hà Tây là hơn 800 cán bộ chiến sĩ. Nếu tính cơ học với chỉ tiêu 415 trường hợp vi phạm giao thông mỗi ngày thì mỗi CSGT chỉ phải xử phạt 2 trường hợp. "Tất nhiên là còn có lực lượng CSGT làm các nhiệm vụ khác. Nhưng trừ ngày lễ tết, còn lại mỗi ngày báo cáo nhanh cũng đạt con số từ 500 - 1.000 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý, cho nên con số này hoàn toàn thực hiện được", vị này nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng cái khó cho CSGT hiện nay là tập trung cho việc giảm ùn tắc giao thông mỗi ngày nhất là vào giờ cao điểm. Theo chuyên gia giao thông này, không phải ngẫu nhiên khi Hà Nội thí điểm cho CSGT đội mũ cối nhằm phục vụ cho việc phân luồng giao thông.
 
"Điều này cho thấy, việc phân luồng đang được quan tâm hơn. Thay vì trang bị những chiếc ô che nắng to để ở các ngã tư thì việc trang bị mũ cối cho CSGT là để họ chủ động đi lại chỉ huy giao thông trên đường. Hiệu quả của việc trang bị mũ cối cho CSGT không gì bằng hãy xem xét tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm như thế nào".

Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm: "Hiện chúng tôi đã có kế hoạch phân luồng chống ùn tắc, đảm bảo giao thông tại các nút giao thông quan trong trong nội thành và cửa ngõ thủ đô, cũng như các điểm bắn pháo hoa và vui chơi trong dịp 30/4 và 1/5. Đặc biệt là dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long...".

Duy Tuấn

Bạn nghĩ gì về việc tăng chỉ tiêu xử phạt tối thiểu cho các đội CSGT? Theo bạn, biện pháp này có tác động lớn đến ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân? Bạn có đề xuất các ý tưởng, biện pháp nào khác nhằm tăng ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông và các giải pháp giảm ùn tắc ở các thành phố lớn? Hãy chia sẻ vào box thảo luận dưới đây. Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn