Chị đã từng là người đẹp

Tổng hợpThứ Hai, 16/12/2013 11:01:00 +07:00

Chiến trang qua hàng chục năm rồi, tưởng thế là hết “nghĩa vụ”, thoát khỏi chiến tranh? Không, nó vẫn còn đeo đẳng, bám riết theo chị...

Tôi không được biết về tuổi thanh niên của chị, bởi không cùng thế hệ. Tôi thuộc về thế hệ không biết gì về chiến tranh, còn chị, tuổi thanh niên gửi cả lại chiến trường. Nhưng bây giờ gặp chị, tuổi đã 60, nhưng tôi vẫn còn nhận ra những nét của thời xuân sắc, hiền thục, phúc hậu, đa đoan của chị còn vương. Chiến trang qua hàng chục năm rồi, tưởng thế là hết “nghĩa vụ”, thoát khỏi chiến tranh? Không, nó vẫn còn đeo đẳng, bám riết theo chị cho tới bây giờ: ốm đau, bệnh tật, mất quyền thiêng liêng làm mẹ của chị, và có thể hơn nữa, nó còn theo chị không buông tha cho đến hết một đời người.

 

Tên chị là Nguyễn Thị Thìn, sinh năm 1953, quê tại xóm 6, xã Văn sơn, huyện Đô lương, Nghệ An. Chị là cựu chiến binh, nhập ngũ năm 1971, xuất ngũ năm 1974. Chị kể tôi nghe cười ra nước mắt tinh thần yêu nước của thanh niên thời ấy trong đó có chị. Năm 1971, cả nước đang bước vào cuộc kháng chiến ác liệt, ở làng quê Văn Sơn có một nữ sinh lớp 9 đó là chị, nhất quyết đòi bỏ học để ra chiến trường. Chỉ cân nặng 39 kg cả người lẫn dép nên chị bị loại ngay từ vòng ngoài. Chị đã làm mình, làm mẩy với cha là xã đội trưởng can thiệp với anh cán bộ quân lực của huyện đội. Cuối cùng thì đồng chí cán bộ quân lực cũng phải gật đầu để chị được bận bộ quân phục thùng thình. Chị Nguyễn Thị Thìn trở thành cô bộ đội, cả xã náo nức tòng quân. Chị được biên chế về đại đội quân bưu, thuộc đoàn 559. Chị quý từng bức thư, tờ báo, mà theo chị là thấm đẫm đầy mồ hôi và máu của bộ đội mới đến được Trường Sơn. 
Dù ba lô đã đầy nhưng lúc nào chị cũng cố nhét thêm những tập thư, cố chuyển bằng hết thư từ cho các chiến sỹ. Phải nói rằng chị có kiến thức về văn học cho tới ngày hôm nay là “nhờ” những năm tháng ở Trường Sơn. Cứ mỗi đợt có sách, tài liệu, công văn chuyển đến, tranh thủ thời gian chờ làm thủ tục để chuyển vào tuyến trong, chị quân bưu lại rút cuốn sách nào dày nhất ra đọc dù không hề biết trước đó là cuốn gì, đọc ngấu nghiến để còn kịp trả lại. Rồi những cuốn tiểu thuyết lừng danh đó đã ngấm vào tâm hồn đầy mơ mộng hoài bão của cô quân bưu, là nguồn động viên lớn cho người nữ quân bưu nơi bom rơi, đạn nổ cận kề giữa cái chết và sự sống. Chị đọc sách trở thành nhu cầu tất yếu, và đặc biệt có trí nhớ tuyệt vời. Tôi ngạc nhiên nghe cô nói rành rọt, chuẩn xác về những tên người nước ngoài, đó là Grigori là Acxenhia trong bộ tiểu thuyết “Sông đông êm đềm”; là Anna Karenina trong tiểu thuyết cùng tên; là Andray, Natasha trong “Chiến tranh và Hòa bình”;... 
Đó là số ít chị nói ra hôm nay trong rât nhiều cuốn tiểu thuyết chị đã được đọc trong 4 năm ở Trường sơn. Những đêm băng rừng, lội suối trong tiếng gầm rú của đạn bom vẫn không làm chị nhụt chí. Chị vững tin, chiến thắng đã cận kề. Năm 1974, chị được ra quân, năm ấy, chị về làm công nhân nhà máy dệt Việt Trì. Nhưng sức khỏe yếu, đứng máy lâu là bị ngất nên chị xin về lại Nghệ An. Ước mơ trở thành sinh viên Văn khoa của chị vẫn còn cháy bỏng. Chị xin được theo học lớp vừa học vừa làm tận mãi huyện Tân Kỳ, cách nhà chừng dăm chục cây số. Sau khi về nhà báo tin tốt nghiệp cấp 3 với bố mẹ, chị lại hăm hở đến trường nhận phiếu dự thi vào đại học Tổng hợp. Khi đổ dốc từ đỉnh truông Dong về thị trấn Lạt thì xe chị bị đứt phanh. Cú ngã trời đánh đã cướp đi trí nhớ của chị, đến tên mình cũng chẳng nhớ nổi. “Tôi phải lỗi hẹn với giảng đường, phải chôn vùi ước mơ từ đó” – chị Thìn buồn rầu. Năm 1978, chị được bố trí về làm công nhân của nông trường An Ngãi ở huyện Tân Kỳ. An – Ngãi là tên ghép của hai tỉnh kết nghĩa Nghệ An và Quảng Ngãi. 

 

Ngày xưa, lên An Ngãi là đến nơi thâm sơn cùng cốc, là về miền lam chướng, mấy ai muốn đi. Thế mà chị đã đi. Về An Ngãi, chị đã gặp anh, một người lính Trường Sơn năm xưa. Biết anh nhiễm chất độc da cam, vợ anh mấy lần sinh nở không thành, chị lại càng thương anh bội phần. Thế rồi, vào một đêm bão giông, cũng là đêm anh về đội của chị công tác, chị đã cho anh, chị có bầu. Không được rồi, không thể để anh mang tai tiếng, nửa đêm chị đã rời nông trường, rời các bạn thân yêu và rời cả anh nữa. Nhưng đi đâu? Về nhà ư? Bố mẹ nào chấp nhận đứa con gái hư hỏng. Chị đón xe đi Hải Phòng, nơi đó có người anh họ rất đỗi thương chị. Chắc chắn anh sẽ che chở cho hai mẹ con. Nhưng cảnh tượng tay bắt mặt mừng giữa hai anh em đã không diễn ra. Anh của chị mang trọng bệnh. 
Thay vì được anh che chở, chị lại phải chăm anh. Hàng xóm của người anh thương tình, cho chị được giúp việc nhà. Kiếp “osin” của Thìn bắt đầu kể từ đó. Chị tâm sự: “Ngày sinh nở đã đến. Bao tủi nhục mình phải chịu đựng đã tan biến theo những cơn co thắt tử cung. Tôi mỉm cười trong cơn đau. Mai này, trên con đường dẫn vào phòng làm việc của anh, con tôi sẽ tung tăng chạy nhảy, nó vít lấy cổ anh mà nhủ: Bố là người đàn ông đáng yêu nhất trên đời”! Sinh nở trong đau đớn, chị chìm vào cõi mơ, tỉnh dậy xin được gặp con, hỏi gái hay trai nhưng không một ai trả lời. Một sản phụ nói nhỏ với chị: “Bé bị dị dạng và tắt thở ngay khi vừa ra đời”. Chị rú lên như con thú hoang giữa đại ngàn Trường Sơn rồi ngất lịm… Năm 1990, chị đã gặp anh thợ hồ nghệ sỹ. Chị hi vọng, chờ đợi những đứa con ra đời. Nhưng thứ chất độc mang tên da cam đã không cho chị được làm mẹ, và ông trời không cho cho chị được làm vợ anh nữa rồi. Một lần nữa, ước mơ có gia đình bình dị như bao người đàn bà khác trong chị đã không thành. Năm 2001, sau khi căn bệnh máu khó đông đã đỡ, chị quyết định đi làm “osin” ở Hà Nội để sinh sống và chống đỡ với bệnh tật hoành hành hàng ngày.
Chị kể tôi nghe trong một buổi mưa tầm tã, giọng nói đều đều điềm đạm như thể kể chuyện của ai. Tôi đã rơi nước măt khi nghe chị kể về lần chuyển đẻ sinh ra quái thai, có nỗi đau nào hơn được nữa với người đàn bà khi vừa đau thể xác, lại đau về tinh thần ngay một lúc. Chị nói rằng không thể so nỗi đau nào hơn nỗi đau nào. Đã là nỗi đau đều như nhau cả thôi.
Chị lại kể về nỗi đau của ngày mới xuất ngũ về quê nhưng không nguôi nỗi nhớ Trường Sơn. Không tài nào chợp mắt khi trời đổ mưa, lúc nào cũng lo lắng. Không biết các anh chị em có kịp che tài liệu, thư tín không. Đó là tài sản vô giá mà bất cứ người lính nào cũng trông ngóng. Chị trở về khi cô em gái đã vào chiến trường, cậu em trai và một cậu em nhà hàng xóm cũng chuẩn bị vào đại học. Công việc của chị vẫn cứ là ngày làm đồng, đêm về thái rau, nấu cám chăm heo. Tưởng như cuộc đời sẽ héo úa nơi miền quê xa lắc này. Bỗng một hôm, cậu em hàng xóm tốt nghiệp đại học trở về. Cậu đến thăm chị, ăn mặc sang trọng lắm. Chị sợ gian bếp chật chội bẩn thỉu làm bẩn quần áo đẹp của cậu. Còn cậu thì không để ý, chỉ quấn quýt bên chị. Đêm nào cũng vậy, cứ 8 giờ tối là cậu đến. Bữa nào cậu chưa đến, chị lại mong. Câu chuyện của chị và cậu vẫn cứ diễn ra trong gian bếp ấy, bên nồi cám heo sùng sục sôi. Rồi cậu đã nắm tay chị, gọi chị bằng em… Ngày cậu em lên đường nhận việc cũng đến. Bữa ấy đầu đông nhưng mưa rất to, trời thật lạ. Cậu đi, chị khóc. Cậu cũng thế. Chị chờ tin cậu từ cơ quan gửi về. Chị lân la sang nhà cậu để xem người nhà có thư từ gì không. Hai ngày, ba ngày, bốn ngày… Rồi có tiếng khóc hình như từ nhà cậu vọng lại. Chị bật dậy chạy đi. Chị khuỵu xuống rồi không còn biết gì nữa. “Cậu em” của chị đã bị ô tô đâm phải…
Một mối tình nữa lại đến với chị như thể liều thuốc thần kỳ vậy. Chị hy vọng lắm về mối tình này. Anh đã đến với chị trên đường rong ruổi mưu sinh. Một thợ hồ đầy chất nghệ sỹ đã phải lòng một nữ cựu binh Trường Sơn. Hiếm có đêm nào nhà anh chị vắng tiếng guitar. Chị ngập tràn trong hạnh phúc. Nhưng một năm đã qua, hai năm, ba năm… Chị đã ba lần mang thai nhưng cả ba lần đều hỏng. Đêm đêm, nghe tiếng ru hời từ nhà hàng xóm, anh chị lại quay lưng, thở dài. Rồi một buổi sớm mai, chị thức dậy không thấy anh đâu nữa. Anh đã ra đi. Cùng lúc này, khắp người chị nổi đầy những hạt màu tím li ti, lưỡi bỏng rát, tóe máu. Dioxin – chị ôm mặt khóc… Chị viết thư cho anh, giải thoát để anh đi tìm hạnh phúc. 3 tháng sau, anh trở về, xin chị tha thứ. Họ lại quây quần, chị sớm hôm ruộng vườn, anh ngược xuôi nhận thầu. Anh thì thầm với vợ: Miễn là vợ chồng thương yêu nhau, rồi ta sẽ xin con nuôi, em ạ. Một chiều cuối năm, bệnh tình của chị tái phát, không thể gượng dậy được. Chị mong anh về lắm. Chờ mãi, chờ mãi… nhưng anh đã không về. Một cột chống của giàn giáo bị gãy, quật anh rơi từ tầng 5 xuống đất. Trái tim chị, một lần nữa lại nát tan…

 

Chị ngồi lặng người, tôi hiểu, chị cố nén nỗi đau xuống cõi lòng, nhưng không thể. Qủa tình tôi đã cố khơi nhiều về cuộc sống và riêng tư của chị, động vào nỗi đau vốn đã liền sẹo rồi chăng, quả tình tôi có lỗi? Không, không có việc gì đâu em, có người chia sẻ làm nhẹ lòng mình hơn chứ, chị nói vậy. Tôi thấy nhẹ lòng hơn khi nghe chị nói, người đã qua chiến trường thường điềm tĩnh hơn trước cuộc đời là vậy.
Ừ, thì ai can trường hơn, điềm tĩnh hơn, tất cả do rèn luyện và chịu đựng! Nhưng dù sao cũng là con người, nỗi đau của chị nhiều quá, trước sau cũng phải tìm nơi giải thoát, bao chuyện chất chứa trong lòng, chị tìm đến văn chương viết hàng ngày, một ngày một ít. Văn chương đối với chị, là trải lòng ra trang giấy. Sáu truyện ngắn trong tập truyện Liều thuốc thần kỳ đều xoay quanh thân phận của một gia đình, là nạn nhân của chiến tranh mà nhân vật chính trong các truyện ngắn chính là chị Nguyễn Thị Thìn, tác giả của tập truyện.
Chị từng có những mối tình cao đẹp, có ước mơ hoài bão, khi từ giã chiến trường chị cũng đã có một gia đình. Ai đâu biết rằng ngày chiến tranh đã kết thúc thì ngay trong gia đình chị chiến tranh mới bắt đầu bùng phát. Cha chị là cựu chiến binh, bỗng dưng mất trí nhớ, đi lang thang rồi qua đời trong đau xót (Cha ơi). Rồi đến chị, xây dựng gia đình, ba lần sinh nở, lần thì sa sẩy, lần sinh ra quái thai. Chị lang thang kiếm sống trên nẻo đường, đi xe khách thiếu tiền bị đánh đập, hắt hủi vì nghèo hèn (Chuyến xe nghiệt ngã)
Ngày có kết luận của bác sĩ chị là nạn nhân của chất độc da cam cũng là ngày chồng rời bỏ chị. Chị trở thành người không chồng, không con, không gia đình (Liều thuốc thần kỳ)... Chị đã phải đi làm “ôsin” để kiếm sống. Và chị đã tìm đến văn chương để trải lòng mình lên trang giấy...

Bản thảo của cuốn sách “ Liều thuốc thần kỳ” chị ấp ủ lưu giữ khoảng vài chục năm nay. Qua những năm tháng làm Ôsin ở Hà Nội, chị đến Nhà xuất bản Hội Nhà Văn để nộp bản thảo. Một tháng sau thì nhận được điện thoại của nhà xuất bản thông báo đã có giấy phép với lệ phí 1 triệu tám trăm ngàn đồng. 
Chị đã đi khắp Hà Nội hỏi xem nhà in nào rẻ. Ở đâu họ cũng đòi từ 6,5 triệu đồng trở lên, mà con lợn đất của chị chỉ có 6 triệu. Năn nỉ mãi họ bớt cho 500.000 đồng. Ngày 20-9 vừa rồi, 200 cuốn sách của chị đã ra đời với vốn liếng tích góp làm ôsin bao năm nay.
Có được cuốn sách trên tay, chị cười rạng rỡ, phải chăng cuốn sách là niềm vui duy nhất của chị được hưởng toại nguyện, trọn vẹn từ ngày sau kết thúc chiến tranh?

11/2013
Đàm Quỳnh Ngọc

Bình luận
vtcnews.vn